Chiều 15/03, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức Lễ khai trương không gian Tàng Thư Lâu và giới thiệu nguồn thư tịch của triều Nguyễn đến với khách tham quan.
Tàng Thư Lâu là một công trình được xây dựng trên hồ Học Hải, trong kinh thành Huế vào năm Minh Mạng thứ 6 (năm 1825), nơi đây được dùng để lưu các công văn cũ của cơ quan và lục bộ triều đình nhà Nguyễn.
Đây có thể coi là một Tàng Kinh các của Việt Nam dưới triều Nguyễn chuyên lưu trữ các tài liệu văn bản quý hiếm liên quan đến sinh hoạt của triều đình và biến đổi của đất nước. Chỉ riêng số địa bạ thời Gia Long và Minh Mạng lưu trữ ở đây đã lên đến 12.000 tập.
Có thể nói Tàng Thư Lâu rất quan trọng trong việc chứa các tài liệu và địa bạ, giấy tờ quan trọng lúc bấy giờ, đây là một công trình có kiểu kiến trúc khác biệt so với hàng trăm công trình kiến trúc gỗ thời bấy giờ.
Để phòng tránh hỏa hoạn, cũng như để bảo vệ tư liệu gốc của quốc gia, công trình được thiết kế xây dựng trên đảo giữa hồ, gồm 2 tầng, tầng trên 7 gian 2 chái, tầng dưới 11 gian, xung quanh đều được xây lan can, 4 bên lầu xây hồ vuông gọi là Hồ Học Hải. Tàng Thư Lâu với chức năng là lưu trữ các văn kiện về ngoại giao, văn kiện của Lục Bộ, địa bạ…
Tuy nhiên, theo thời gian và trải qua nhiều cuộc chiến tranh, công trình đã hư hỏng hết sức nghiêm trọng. Phải đến năm 2014, dự án trùng tu, phục hồi Tàng Thư Lâu được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, thực hiện, đến nay đã hoàn thành và chính thức đưa vào sử dụng.
Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, sau buổi lễ hôm nay, người dân cũng như du khách trong và ngoài nước sẽ có thêm một địa điểm tham quan mới hết sức thú vị. Đặc biệt, Tàng Thư Lâu sẽ là kho tư liệu quý giá, là một địa chỉ học tập, nghiên cứu bổ ích cho những ai muốn nghiên cứu về lịch sử, văn hóa thời kỳ triều Nguyễn.
Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã giới thiệu nguồn thư tịch triều Nguyễn, gồm hàng nghìn tư liệu về châu bản, địa bạ, hình ảnh quý báu đến quý vị quan khách đến tham dự lễ khai trương.