Doanh nghiệp - Doanh nhân

“Khai sinh” nền tảng quản lý tài sản số đầu tiên tại Việt Nam

Lan Dương 16/12/2023 - 09:20

Ngày 15/12, tại TP.HCM, Viện phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE) đã tổ chức buổi lễ ra mắt hệ sinh thái VIDE và MetaDAP (Meta- Digital Asset Platform). Hệ sinh thái này là nền tảng quản lý tài sản số đầu tiên tại Việt Nam và là một thành viên thuộc hệ sinh thái VIDE.

Tham dự buổi lễ có Tiến sĩ (TS) Trần Quý - Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam, TS. Nguyễn Minh Hồng - Nguyên Thứ trưởng bộ thông tin truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam; Thạc sĩ Nguyễn Văn Quý - Phó Chánh văn phòng Ban Kinh tế Trung Ương; PGS.TS Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bình Dương, TS. Lại Thế Thông – Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ tỉnh Đồng Nai; cùng nhiều lãnh đạo, đại diện các cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Các đại biểu tham dự buổi lễ ra mắt hệ sinh thái VIDE và MetaDAP.

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam cho biết, số hóa tài sản là chìa khóa để hạn chế và loại bỏ các khâu thủ công trong giao dịch và quản lý tài sản thực. Từ đó tạo ra tác động to lớn tới hiệu quả, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo TS. Trần Quý, giải pháp số hóa tài sản có tính toàn diện, an toàn, tuân thủ và minh bạch sẽ mang lại nhiều giá trị tích cực như: thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng tiếp cận và đa dạng hóa đầu tư, tăng thanh khoản,hiệu quả, tăng tính minh bạch và tuân thủ pháp luật, đồng thời giảm chi phí và rủi ro.

“MetaDAP cung cấp các quy trình, công cụ an toàn để hỗ trợ doanh nghiệp mã hóa tài sản, phát hành, quản lý tài sản số. MetaDAP tối ưu lợi thế về khai thác, vận hành và tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp nhờ tăng tính khả dụng của tài sản”, TS. Trần Quý nói.

TS. Trần Quý - Viện trưởng Viện phát triển kinh tế số Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

Cũng tại buổi lễ, chia sẻ thêm về MetaDap, ông Trần Quốc Việt - Giám đốc dự án MetaDAP thông tin, hầu hết các nền tảng tài sản số trên toàn cầu đều áp dụng công nghệ Public Blockchain, một công nghệ cho phép người dùng ẩn danh trong quá trình giao dịch và sở hữu tài sản. Yếu tố ẩn danh tạo ra môi trường thuận lợi cho việc tiến hành các hoạt động gian lận, rửa tiền và thậm chí là tài trợ cho hoạt động khủng bố.

Ông Việt nhấn mạnh, MetaDAP khác biệt do sử dụng công nghệ Enterprise Blockchain - yêu cầu người dùng hoàn tất quá trình xác thực danh tính (KYC) gồm xác minh email, số điện thoại, giấy tờ tùy thân và nhận dạng hình ảnh khuôn mặt trước khi tham gia giao dịch và nắm giữ tài sản số. Đây là cơ sở quan trọng để MetaDAP đảm bảo tính tuân thủ, ngăn chặn gian lận, rửa tiền và ngăn chặn hoạt động tài trợ cho khủng bố.

Thêm nữa, với tổng lượng cung ban đầu là 360 NFT trên nền tảng MetaDAP Enterprise Blockchain, các NFT này nhằm tập hợp giá trị chiết khấu từ các doanh nghiệp trong hệ sinh thái VIDE, MetaDAP và các đối tác liên kết. Khi đó người sở hữu NFT sẽ được giảm giá trực tiếp trên giá mua sản phẩm/dịch vụ bằng với số tiến chiết khấu mà doanh nghiệp sẵn sàng chi cho nền tảng.

Điều này cũng đồng thời tạo ra trải nghiệm chiết khấu mới, khi hệ thống có thể tự phát hiện NFT để tự động chiết khấu mà không cần người mua phải xuất trình thẻ giảm giá trong lúc sử dụng các ứng dụng tài sản số được hỗ trợ bởi nền tảng này.

PGS.TS Lê Tuấn Anh - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông tỉnh Bình Dương tại buổi lễ.

Trong ngày ra mắt hệ sinh thái VIDE và khởi chạy nền tảng quản lý tài sản số MetaDAP, Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam cũng ra mắt hội đồng chuyên gia, ký kết hợp tác với nhiều tổ chức, doanh nghiệp và ra mắt bộ sưu tập NFT (Một loại tài sản số) chủ đề "12 Con Giáp trong văn hóa Việt Nam".

Được biết, hiện hệ sinh thái VIDE gồm 8 công ty thành viên và 20 trung tâm trực thuộc, 3 văn phòng tại TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng, với đội ngũ chính gồm gần 60 chuyên gia trong các lĩnh vực gồm Kinh tế số, Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Công nghệ…

Với những thành tựu nổi bật như vậy của VIDE, TS. Nguyễn Minh Hồng - Nguyên Thứ trưởng bộ thông tin truyền thông, Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam đánh giá cao những nỗ lực của Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam.

Chủ tịch Hội truyền thông số Việt Nam cũng cam kết sẽ ủng hộ những đề xuất hợp lý của Viện Phát triển Kinh tế Số Việt Nam, để thúc đẩy viện ngày càng phát triển tốt hơn nữa, nhằm góp phần đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội, đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Khai sinh” nền tảng quản lý tài sản số đầu tiên tại Việt Nam