Văn hóa - Du lịch

Khai mạc Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024

Nguyễn Sự - Phạm Hưng 31/03/2024 - 16:34

Sáng 31/3 (tức ngày 22/2 năm Giáp Thìn), tại Khu di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024, kỷ niệm 1776 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

le_hoi1.jpg
Các đại biểu dâng hương kính cáo Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

Tham dự buổi lễ có bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa; bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; ông Đào Xuân Yên, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cùng đại diện các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố và đông đảo người dân, du khách thập phương.

le_hoi1_1.jpg
Bà Hà Thị Nga, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam dâng hương tưởng niệm nhân kỷ niệm 1776 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh.

Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024, kỷ niệm 1776 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh nhằm tưởng nhớ, tri ân, tôn vinh Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và những người có công trong lịch sử dựng nước và giữ nước; thể hiện sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với di sản văn hóa của cha ông để lại; khơi dậy nét đẹp truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc xứ Thanh; khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần giáo dục và phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước và đấu tranh giải phóng dân tộc của Nhân dân ta trong thời kỳ mới.

Tại buổi lễ, các nghi lễ truyền thống gồm lễ trình tấu chúc văn, tế lễ, lễ yên vị và dâng hương kính cáo anh linh Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh diễn ra trong không khí trang trọng, thành kính và tôn nghiêm.

le_hoi4.jpg
Các nghi lễ truyền thống diễn ra trong không khí tôn nghiêm, thành kính.

Sau các nghi thức phần lễ, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã đánh trống khai hội Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024. Ngay sau đó là chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề: “Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh rạng ngời trang lịch sử”, được dàn dựng công phu, nhằm tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, khẳng định vai trò và dấu ấn của nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh.

le_hoi2.jpg
Ông Đỗ Trọng Hưng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa đánh trống khai hội Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024.
le_hoi2_1.jpg
Ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đọc diễn văn khẳng định vai trò, ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu.

Bà Triệu tên húy là Triệu Thị Trinh, sinh ngày mồng 2 tháng 10 năm Bính Ngọ (năm 226) ở vùng núi Quan Yên, quận Cửu Chân (nay là huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa). Bà là người giỏi võ nghệ, có khí phách hiên ngang. Đất nước lúc bấy giờ bị giặc Đông Ngô chiếm đóng, dân chúng sống trong cảnh lầm than. Không cam chịu ách đô hộ tàn bạo của giặc Đông Ngô, dù mới 17-18 tuổi, Triệu Thị Trinh đã cùng anh trai Triệu Quốc Đạt tập trung lực lượng, dấy binh khởi nghĩa ở vùng núi Quan Yên, được nhân dân khắp nơi hưởng ứng tham gia.

Cuộc khởi nghĩa của anh em Bà Triệu đã giành được nhiều thắng lợi, làm chấn động Giao Châu, là nỗi khiếp sợ của quân giặc. Sau khi anh trai mất, Triệu Thị Trinh được nghĩa quân tôn làm chủ tướng, lãnh đạo cuộc khởi nghĩa. Bà Triệu cùng tướng sỹ lập căn cứ tại núi Tùng ở thôn Bồ Điền (nay thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc) để luyện tập quân sỹ và chống giặc.

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, năm Mậu Thìn (năm 248) triều Đông Ngô đã cử một đạo quân hùng mạnh gồm 8.000 quân sĩ, có cả chiến thuyền yểm trợ tiến vào nước ta để đối phó với khởi nghĩa Bà Triệu. Sau nhiều tháng vây hãm với hơn 30 trận đánh lớn nhỏ, giặc Ngô vẫn không đánh bại được nghĩa quân. Cuối cùng quân Ngô đã dùng mưu kế thâm hiểm để đối phó nghĩa quân Bà Triệu. Để giữ khí tiết anh hùng, Bà Triệu đã tuẫn tiết hy sinh trên đỉnh núi Tùng vào ngày 22 tháng 2 năm Mậu Thìn (năm 248).

le_hoi14.jpg
Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa nhằm tái hiện cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, khẳng định vai trò và dấu ấn của nhân vật lịch sử Triệu Thị Trinh.

Mặc dù cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu thất bại nhưng đây là mốc son đỉnh cao khẳng định sự nổi dậy mạnh mẽ của nhân dân ta ở thế kỷ II - III, thúc đẩy ý chí quật cường cho nhân dân ta với quyết tâm đánh đuổi kẻ thù xâm lược trong suốt thời kỳ nghìn năm Bắc thuộc.

Tưởng nhớ công ơn của Bà, nhân dân đã lập đền thờ, xây lăng mộ Bà trên đỉnh núi Tùng, xây dựng đền thờ Bà Triệu trên núi Gai và dựng một ngôi đình lớn ở giữa làng Phú Điền, tôn bà làm Thần hoàng làng và quanh năm hương khói thờ Bà. Các triều Lý, Trần, Lê, Nguyễn đều cho tu sửa đền miếu, ban sắc phong và quy định tế lễ với nghi thức quốc lễ.

Cho đến nay, đã 1776 năm trôi qua, nhưng tinh thần bất khuất của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu, sự hy sinh anh dũng của Bà luôn được nhân dân tự hào, kính ngưỡng. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", từ nhiều năm nay vào ngày mất của Bà Triệu, tỉnh Thanh Hoá tổ chức Lễ hội Đền Bà Triệu như một hoạt động tri ân, tưởng nhớ người Anh hùng dân tộc.

Một số hình ảnh PV Báo Công lý ghi nhận tại Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024:

le_hoi3.jpg
le_hoi5.jpg
Các đại biểu dự Lễ hội.
le_hoi5_1.jpg
Các đại biểu dự Lễ hội.
le_hoi6.jpg
le_hoi10(1).jpg
le_hoi11.jpg
le_hoi7.jpg
le_hoi3.jpg
le_hoi9.jpg

le_hoi12.jpg

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khai mạc Lễ hội Đền Bà Triệu năm 2024