Ngày 6/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật.
8 luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Sửa 1 Điều không khắc phục được vướng mắc trong truyền tải điện
Theo cơ quan soạn thảo, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội, nhất là trong điều kiện vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với đó, việc sửa đổi một số điều của 8 luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát sinh từ thực tiễn liên quan tới hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp; công tác bảo vệ an ninh mạng; thi hành án dân sự; thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia; khuyến khích đầu tư sản xuất và sử dụng phương tiện giao thông thân thiện với môi trường.
Liên quan đến nội dung sửa đổi Luật Điện lực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn làm rõ dự thảo Luật sửa đổi khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực theo hướng bỏ quy định về lưới điện đồng bộ, về quyền và nghĩa vụ của đơn vị truyền tải điện. Cơ bản nhất trí với quan điểm trước mắt cần sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến truyền tải điện tại Luật Điện lực nhằm thể chế chủ trương tại Nghị quyết số 55-NQ/TW đồng thời khắc phục những hạn chế bất cập hiện hành và giải quyết vướng mắc liên quan đến độc quyền truyền tải điện.
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, nếu chỉ sửa đổi khoản 2 Điều 4 Luật Điện lực thì sẽ không xử lý dứt điểm được những vướng mắc trong truyền tải điện, do đó cần rà soát để sửa đổi các điều khoản khác có liên quan đến vấn đề này. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, Bộ Công thương tiếp tục làm rõ phạm vi độc quyền của nhà nước trong truyền tải điện quốc gia; quyền và nghĩa vụ trong vận hành truyền tải trong khu vực tư nhân và nhà nước; quyền tự do thỏa thuận giữa các tổ chức hoạt động điện lực, sử dụng điện và các nhà đầu tư xây dựng lưới điện truyền tải theo quy định pháp luật.
Cùng với đó là có quy định tháo gỡ điểm nghẽn bàn giao tài sản cho ngành điện quản lý sau khi nhà đầu tư tư nhân đã đầu tư, nhất là trong vấn đề nhận tài sản, hoạch toán chi phí tài sản bàn giao giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trước đây có quy định “Nhà nước độc quyền truyền tải điện” được hiểu là độc quyền trong tất cả các khâu từ đầu tư, quản lý, vận hành, điều độ. Quan điểm trước đây cho phép tư nhân đầu tư nhưng quản lý, vận hành, điều độ vẫn thuộc độc quyền nhà nước. Do đó phát sinh yêu cầu sau khi tư nhân đầu tư xong phải bàn giao cho nhà nước. Đến dự thảo Luật lần này đã có sự phân cấp trong quản lý, vận hành. Như vậy tư nhân vừa có thể vừa đầu tư vừa vận hành, quản lý thì khi đó không cần thiết đặt ra vấn đề bàn giao lại cho nhà nước.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, dự thảo luật không đặt ra vấn đề bàn giao sau đầu tư của nhà đầu tư, việc bàn giao chỉ đặt ra khi nhà đầu tư có cam kết trước. Tại dự thảo Luật lần này quy định rõ tư nhân đầu tư có quyền quản lý, vận hành; trường hợp không thể quản lý, vận hành trực tiếp thì có thể thuê quản lý, vận hành.
Phân cấp đầu tư cho các địa phương thực hiện nhanh hơn
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Đoàn Hà Nội) cũng nhất trí với việc ban hành luật để sửa đổi nhiều luật và cho rằng, mỗi kỳ của Quốc hội cần có một luật để sửa nhiều luật như hiện nay để kịp thời giải quyết các bất cập từ quá trình triển khai trong thực tiễn.
Về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, đại biểu Vũ Tiến Lộc cho rằng, tăng cường phân cấp, phân quyền cho các địa phương để các dự án được thực hiện nhanh hơn, hiệu quả hơn. Tuy nhiên, cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, tránh tình trạng các địa phương "đá bóng" lên Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo quá nhiều dự án, văn bản như hiện nay.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng), từng Dự án Luật cần sửa đổi, bổ sung cần tiếp tục được rà soát kỹ nhằm thể hiện rõ đó là những chính sách thực sự cấp bách, cần thiết và những vấn đề lớn, phức tạp, chưa rõ, chưa có sự đồng thuận cao thì không đưa vào dự án luật lần này.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển cũng cơ bản nhất trí với phương án do Chính phủ trình về sửa đổi Luật Đầu tư công, nhất trí đẩy mạnh phân quyền từ thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ sang thẩm quyền của bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương và HĐND cấp tỉnh đối với các dự án nhóm B và nhóm C sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài là cần thiết, nhằm thống nhất với các dự án sử dụng vốn ngân sách Nhà nước như ý kiến của Uỷ ban Tài chính ngân sách đã thẩm tra. Tuy nhiên, cần quy định rõ ràng hơn về quy trình, thời hạn cũng như cách thức để Thủ tướng Chính phủ tiến hành thủ tục thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài này.
Về sửa Luật Đầu tư, đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị Dự thảo chỉnh lại cụm từ “dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 300 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên” thành “dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 250 ha trở lên hoặc quy mô dân số từ 50.000 người trở lên” tại điểm g khoản 1 Điều 31 và sửa thành “dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất dưới 250 ha và quy mô dân số dưới 50.000” tại điểm b khoản 1 Điều 32.
Về sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 75 Luật Đầu tư (sửa khoản 1 Điều 23 Luật Nhà ở), đại biểu Nguyễn Văn Hiển cho rằng, phương án sửa phải bao quát hết các hình thức nhà đầu tư có quyền sử dụng đất trên thực tế để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại phù hợp với quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai, bao gồm 3 trường hợp: Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp; Có quyền sử dụng các loại đất khác không phải là đất ở; Có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác không phải là đất ở.
Các hình thức sử dụng đất trên phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về đất đai (loại trừ các trường hợp: Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng và các trường hợp thu hồi khác theo quy định của pháp luật).
Sau khi được chấp thuận nhà đầu tư thì nhà đầu tư có trách nhiệm thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại và hoàn thành nghĩa vụ tài chính có liên quan theo quy định của pháp luật về đất đai…