Phương thức thu nhận thông tin, tài liệu, chứng cứ của Hòa giải viên trong quá trình Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện như thế nào; Khi phát hiện kết quả hòa giải, đối thoại thành có vi phạm pháp luật thì xử lý ra sao? TS. Đào Thị Xuân Lan, Thẩm phán TANDTC đã giải đáp vấn đề này.
Thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu
Về phương thức thu nhận thông tin, tài liệu, chứng cứ của Hòa giải viên trong quá trình Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, TS. Đào Thị Xuân Lan cho biết: Có quy định rất đặc thù của Luật này là khi các bên đã đồng ý lựa chọn phương thức hòa giải, đối thoại tại Tòa án để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện hành chính cho mình, thì HGV có quyền yêu cầu các bên cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tramh chấp, khiếu kiện và cung cấp các thông tin, tài liệu khác cần thiết cho việc hòa giải, đối thoại; các bên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực của thông tin, tài liệu chứng cứ mà mình cung cấp trong quá trình hòa giải, đối thoại.
Nếu thông tin, tài liệu, chứng cứ cung cấp là giả mạo thì kết quả hòa giải, đối thoại bị vô hiệu. HGV không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì trước pháp luật về tính xác thực của thông tin, tài liệu, chứng cứ do các bên cung cấp.
HGV không được tự mình thu thập thêm bất cứ thông tin, tài liệu, chứng cứ hoặc ủy thác cho bất cứ ai xác minh, thu thập thêm thông tin, tài liệu, chứng cứ để phục vụ cho hòa giải, đối thoại, trừ trường hợp xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến tranh chấp, khiếu kiện.
Về trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại và công nhận kết quả hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Luật này:
Sau khi nhận đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, xem xét đủ điều kiện thì Tòa án sẽ thông báo cho các bên về quyền lựa chọn hòa giải, đối thoại, lựa chọn Hòa giải viên và sau đó chỉ định Hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại theo trình tự, thủ tục của Luật. kết quả hòa giải được lập thành biên bản có sự chứng kiến của Thẩm phán được Tòa án phân công và kết quả hòa giải thành, đối thoại thành được Tòa án ra quyết định công nhận nếu có yêu cầu. Nếu các bên không đồng ý hòa giải hoặc kết quả hòa giải không thành thì chuyển sang tố tụng.
Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính; được thi hành theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Quyết định này có thể bị xem xét lại theo đề nghị của các bên, người đại diện hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến quyết định của Tòa án, theo kiến nghị của Viện kiểm sát nếu có căn cứ cho rằng nội dung thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm một trong các điều kiện quy định tại Điều 33 của Luật này.
Kết quả hòa giải vi phạm pháp luật xử lý thế nào?
Theo TS. Đào Thị Xuân Lan, mục đích của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là luôn hướng các bên đi đến thỏa thuận về tranh chấp dân sự và thống nhất trong khiếu kiện hành chính. Tuy nhiên, Luật cũng quy định sự thỏa thuận, thống nhất của các bên trong đối thoại phải tuân theo điều kiện nhất định thì mới được công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án (Điều 33).
Vì vậy, khi phát hiện sự thỏa thuận, thống nhất của các bên trong hòa giải, đối thoại có vi phạm điều kiện công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành tại Tòa án (như thỏa thuận, thống nhất của các bên vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội) thì các bên có quyền gửi đơn đề nghị, Viện Kiểm sát có quyền gửi văn bản kiến nghị với Tòa án cấp trên trực tiếp, của Tòa án đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành, để giải quyết đơn đề nghị và văn bản kiến nghị của Viện kiểm sát.
Khi Tòa án cấp trên trực tiếp xem xét phát hiện thấy có căn cứ kết luận về quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành vi phạm một trong các điều kiện công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án, thì Thẩm phán được Chánh án phân công có quyền ra quyết định hủy quyết định đó và làm thủ tục chuyển vụ việc cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Luật tố tụng.
Trường hợp không có căn cứ kết luận quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành có vi phạm thì Thẩm phán ra quyết định không chấp nhận đề nghị, kiến nghị và giữ nguyên quyết định công nhận kết quả hòa giải, đối thoại thành.
Trường hợp người đề nghị rút đề nghị, Viện Kiểm sát rút kiến nghị thì Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét đề nghị, kiến nghị.