Luật Phá sản năm 2014 được ban hành thay thế và ra đời cách đây gần 10 năm, đi qua một “chu trình” thường niên của Luật pháp Việt Nam, đến thời kỳ cần sửa đổi và bổ sung hoặc thay thế.
Đi qua một “chu trình” gần trọn một thập kỷ, việc ứng dụng và thực thi các quy định của Luật Phá sản hiện hành có nhiều ưu và nhược điểm. Với mỗi quy định và góc nhìn từ Doanh nghiêp hoặc Hợp tác xã là những đối tượng áp dụng của Luật Phá sản 2014 thì có những quan điểm, góc nhìn khác nhau. Với doanh nghiệp/hợp tác xã là chủ nợ khi yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản thì có thể coi đây là một kênh đòi nợ khá hữu dụng trong cơ chế thị trường có nhiều đối tượng vẫn cố tình tạo ra những “cơ hội” lợi dụng vốn mà không phải trả lãi suất mà chỉ cần nêu lý do doanh nghiệp/hợp tác xã đang khó khăn, xin khất nợ. Điều đáng nói là “khó khăn” này nhiều khi là không thỏa đáng với một khoản nợ rất nhỏ so với tổng tài sản mà doanh nghiệp/Hợp tác xã – con nợ đang sở hữu có.
Nên với quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định “ Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Thì phải nói là kênh đòi nợ này của Chủ nợ là doanh nghiệp/hợp tác xã quá hữu dụng với những con nợ chây ì, cố tình không trả nợ, lợi dụng vốn mà nhiều khi còn gọi là chiến lược – đòn bảy tài chính.
Nhưng nếu đứng ở góc nhìn của “con nợ” là doanh nghiệp/hợp tác xã có những khoản nợ trong khi kinh doanh, hoạt động của doanh nghiệp/hợp tác xã mà với quy định là không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán thì có thể bị cọi là doanh nghiệp/hợp tác xã mất khả năng thanh toán, thì đây lại là một đòn chí mạng với cơ chế thị trường hay môi trường kinh doanh, hoạt động ở những nước đang phát triển như hiện nay. “3 tháng”, thời gian quá ngắn đối với một doanh nghiệp/ hợp tác xã làm ăn chân chính hoặc ở những doanh nghiệp mà việc quay vốn chậm, ví dụ như các doanh nghiệp/hợp tác xã làm về nông nghiệp, phân bón hữu cơ….với khoản nợ đến hạn thanh toán trong 3 tháng mà không thanh toán cho chủ nợ có thể có rất nhiều, có khi còn là thường xuyên.
Ở góc độ người làm luật thì quy định trên là một đảm bảo cho chủ nợ - cũng là một cách để đảm bảo cơ chế công bằng trong cơ chế thị trường. Với những chủ nợ - người được yêu cầu mở thủ tục phá sản thì đó là một quy định “tròn” vai. Vì một doanh nghiệp/hợp tác xã nhiều khi khoản dự phòng cho mức độ chi phí, tồn tại của doanh nghiệp/hợp tác xã chỉ trong khoảng 3 tháng, nếu có các cơ hội kinh doanh thu hồi vốn trong vòng 3 tháng. Hoặc với người lao động bị nợ lương 3 tháng mà không được thanh toán thì cũng có thể là thời hạn vừa đủ để một người lao động làm công ăn lương dự trữ/đề phòng khi không có thu nhập. Do đó, nó là một quy định “tròn” vai, hợp lý hợp tình. Với con nợ - doanh nghiệp/hợp tác xã bị yêu cầu phá sản thì cũng có thể được coi là quy định “tròn” vai. Vì cũng như chủ nợ, con nợ cũng thường có dự phòng cho mức độ chi phí, tồn tại, quay vòng của một doanh nghiệp/hợp tác xã theo lẽ thông thường.
Nhưng trên thực tế thì có thể có các chủ nợ không thiện chí hay trong thương trường gọi là chơi "đểu" nhau thì cứ hết thời hạn 3 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn thanh toán, là thực hiện quyền đưa đơn yêu cầu phá sản đối với con nợ. Ngược lại, con nợ nhiều khi có dư tài sản nhưng lại muốn lợi dụng vốn của người khác để kinh doanh, hoạt động mà không phải trả lãi suất vì coi trả nợ là “quyền” – để cho bên chủ nợ phải tích cực, xuống nước thì mới trả. Ở đây, nhà làm luật cũng quy định việc đưa đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với con nợ, nhưng việc mở hay không lại do Tòa án có thẩm quyền quyết định. Khi Tòa án có nghĩa vụ xác minh, xem xét, thu thập tài liệu, chứng cứ liên quan đến yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nếu thấy đủ điều kiện thì Tòa án quyết định mở hay không mở thủ tục phá sản.
Để đi đến quyết định mở thủ tục phá sản hay không mở thủ tục phá sản thì trước đó còn có các giai đoạn con nợ và chủ nợ gặp nhau để thương lượng. Nếu hai bên thiện trí thanh toán – kéo dài được các khoản nợ thì sẽ dừng lại. Và việc mở thủ tục phá sản cũng không có.
Tuy nhiên thì vẫn có các trường hợp chủ nợ và con nợ đều không “thấu hiểu” cho nhau mà vẫn để Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản. Mà trên thực tế thì khoản nợ đến hạn thanh toán rất nhỏ so với tổng tài sản của con nợ. Khi tìm hiểu ra thì phía con nợ cho rằng đó chỉ là một kênh đòi nợ của bên chủ nợ nên chủ quan – không nhìn thấu được hậu quả khi có Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án có thẩm quyền.
Ví dụ như Quyết định mở thủ tục phá sản của công ty X ở tỉnh L. Mặc dù khoản nợ rất nhỏ so với tổng tài sản mà Công ty X đang có. Nhưng do công ty X cho rằng khoản nợ đến hạn kia chưa được thấu tình đạt lý theo nguyên tắc kinh doanh của công ty nên chưa thanh toán nợ. Việc hình thành khoản nợ lại kéo dài vì những lý do mà công ty X cho rằng thuộc về cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc chưa thông lý do của khoản nợ, mà công ty X không thực thi việc trả nợ. Dẫn đến việc bị “bức tử” khi còn đang khỏe mạnh của Công ty X. Từ Quyết định mà công ty X cho là bị bức tử đó dẫn đến thiệt hại khôn lường. Công ty X mất đến hàng trăm tỷ từ hậu quả của việc bị tuyên bố mở thủ tục phá sản. Mất đối tác, mất thương hiệu hàng trăm tỷ, mất công ăn việc làm của hàng trăm công nhân….Hậu quả nhiều khi không cân đo đong đếm được khi bị “bức tử” đột ngột.
Do đó, với bài viết này, khi “chu trình” của luật pháp đến niên hạn sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, chủ doanh nghiệp chỉ mong khi quy định mới ra đời có những chế tài cho kênh đòi nợ đặc quyền chỉ áp dụng cho doanh nghiệp/hợp tác xã khi có các khoản nợ đến hạn thanh toán.