Đây là bảo tàng nghệ thuật thêu đầu tiên sẽ được khai trương tại Huế vào ngày 27/4 tới, đúng vào dịp Festival nghề truyền thống Huế 2017 diễn ra.
Bảo tàng này có tên gọi “Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ” nằm tại số 01 Phạm Hồng Thái, thành phố Huế. Đây sẽ là một nét văn hóa độc đáo, một điểm nhấn mới cho du lịch Thừa Thiên Huế.
Được biết, Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ sẽ trưng bày gần 400 tác phẩm, hiện vật, tranh ảnh, tài liệu gồm các thể loại chính: tranh thêu, tranh thêu 2 mặt, điêu khắc chỉ và các hiện vật liên quan đến nghề thêu.
Ảnh minh họa
Nội dung trưng bày được thể hiện qua 3 chủ đề chính bao gồm: Cơ thể nghề thêu; Gương mặt nghề thêu; Một tiếng nói cho nghề thêu… được thể hiện qua 64 tác phẩm tranh hai mặt, 13 tác phẩm tĩnh vật, 25 tác phẩm phong cảnh, 94 tác phẩm quê hương, 42 tác phẩm chân dung, 126 tác phẩm các loài hoa, 15 tác phẩm triết lý, hơn 50 tác phẩm điêu khắc chỉ.
Theo dự kiến, lễ khai trương bảo tàng sẽ có nhiều hoạt động như: nghi lễ “Rước nước sông Hương về Đền hơi thở tổ tiên”, chương trình “Gánh hàng rong của mẹ bên dòng sông Hương”...
Đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, khi tranh thêu lụa Việt Nam vươn đến đỉnh cao nghệ thuật cũng là lúc nghệ nhân Võ Văn Quân và Hoàng Lệ Xuân đã vạch một hướng đi mới cho ngành nghề bằng cách kết hợp các đặc điểm của nghệ thuật hội họa, với những tinh hoa của kỹ thuật thêu cổ truyền mà chị Hoàng Lệ Xuân – xuất thân từ một gia đình gốc Huế thừa hưởng và sáng tạo. Đó cũng là tiền đề cho Bảo tàng Nghệ thuật thêu XQ ngày nay.
Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ ra mắt đúng vào dịp Huế tổ chức Festival nghề truyền thống Huế 2017 sẽ khai mạc vào ngày 28/4/2017. Đây là sự kiện văn hóa và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Cố đô Huế - Thành phố Festival của Việt Nam - Thành phố Văn hóa ASEAN, tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản, nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất kinh doanh các ngành nghề truyền thống, đồng thời tăng cường mối quan hệ liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, gắn các sản phẩm nghề truyền thống với du lịch, với thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế.