Những nội dung Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII đem ra bàn thảo, cho ý kiến đã và đang được dư luận cán bộ, đảng viên quan tâm đồng thuận.
Nhiều cán bộ, đảng viên nhận xét: Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII đã đánh giá khách quan, toàn diện các vấn đề về kinh tế - xã hội nước nhà; nêu rõ những khó khăn, thách thức gay gắt bên cạnh những thuận lợi trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển nền kinh tế nước nhà. Đặc biệt, đã nhấn mạnh và đặt ra yêu cầu phải chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự thoái hóa trong nội bộ.
Thắt lưng buộc bụng trong chi ngân sách
Theo Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương, giảng viên Trường Đại học Lao động - Xã hội (43 Trần Duy Hưng, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội): Thông tin tích cực từ Hội nghị Trung ương 4 là chúng ta tiếp tục giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội nước nhà và đến cuối năm 2016, có thể hoàn thành và hoàn thành vượt mức 11/13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Ban Chấp hành Trung ương cũng dự báo là nền kinh tế đất nước vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như: Tăng trưởng GDP và xuất khẩu 9 tháng đạt thấp so với cùng kỳ và dự kiến, tăng trưởng nông nghiệp không đạt mục tiêu đề ra, thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao.
"Chúng ta đã bàn đến nợ công, thâm hụt ngân sách và đã bàn rất nhiều. Câu chuyện này lại một lần nữa được “hâm nóng” tại Hội nghị Trung ương 4 và thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp trong xã hội. Đây là điều dễ hiểu vì điều khiến mọi người lo âu là cơ cấu nợ như thế nào, khả năng trả nợ đến đâu, hiệu quả, chất lượng đầu tư của các khoản vay, các khoản chi tiêu như thế nào. Đặc biệt là báo cáo cập nhật tình hình kinh tế của Ngân hàng Thế giới mới đây đã đưa ra một số dự báo đáng lo ngại. Trong khi tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2016 chỉ ở mức 6%, chưa đạt chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra thì tỷ lệ nợ công của Việt Nam cùng thời điểm này ở mức 64,1%. Theo tính toán của World Bank, nợ công Việt Nam năm nay sẽ vượt xa 117 tỷ USD vào hồi cuối năm ngoái", Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương nói.
Theo Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương, hiện ngân sách Nhà nước rất khó khăn. Xét trong bối cảnh kinh tế, xã hội trong nước và áp lực từ những chiến lược bảo vệ an ninh lãnh thổ, các tầng lớp nhân dân Hà Nội cũng như cả nước rất đồng cảm với Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiết kiệm ngân sách, hạn chế chi tiêu triệt để, tránh mọi sự lãng phí. Nhưng thực tế là trong khi ngân sách hạn hẹp, phải thắt lưng buộc bụng thì vẫn có dự án được đầu tư lãng phí, thiếu hiệu quả. Ví dụ dự án mở rộng Gang thép Thái Nguyên với tổng mức đầu tư tới 8.000 tỷ đồng bị đắp chiếu, bỏ hoang nhiều năm qua; những công trình nghìn tỉ mừng Đại lễ nghìn năm như Bảo tàng Hà Nội với mức đầu tư 2.300 tỷ đồng, Công viên Hòa Bình với hơn 282 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn vắng khách, gây lãng phí lớn. Rồi tới đây là Dự án Bảo tàng Lịch sử Quốc gia sắp được xây dựng sẽ "ngốn" tới 11.277 tỷ đồng khiến nhiều người băn khoăn.
"Bây giờ không còn là lúc cảnh báo nữa. Nợ công đang dần trở thành vấn đề nguy hiểm, nếu không giải quyết tốt có thể đe dọa đến tài chính quốc gia và ổn định vĩ mô, chính trị. Trung ương cần quyết liệt thực hiện ngay việc cắt giảm đầu tư công đồng thời với việc nâng cao chất lượng đầu tư công. Phải tìm cách hãm lại gánh nợ công, siết chặt lại đầu tư công, loại bỏ những phí phạm trong vấn đề quản lý nhà nước, nghiêm trị những rút ruột công trình”, ông Phương đóng góp ý kiến.
Quyết liệt loại bỏ cán bộ, đảng viên tha hóa
Chung quan điểm với Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương, ông Nguyễn Văn Niêm, 75 tuổi, Trung tá quân đội, hơn 50 năm tuổi Đảng (ở số 15 ngõ 183 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay, những vấn đề đặt ra và thảo luận trong Hội nghị Trung ương 4 đều phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đó là các vấn đề mang tính cấp bách, quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội, đối với sự phát triển của Đảng và sát thực đối với đời sống của người dân. Bài phát biểu bế mạc hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhìn nhận thẳng thắn vào những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, phai nhạt về lý tưởng.
Ông Nguyễn Văn Niêm cho biết, ông rất mừng khi bế mạc Hội nghị Trung ương 4, Tổng Bí thư đã thẳng thắn chỉ rõ vấn đề về nợ công. Trong đó đề cập kiểm soát chặt chẽ nợ công trong ngưỡng an toàn. Xử lý căn bản và triệt để hơn các ngân hàng thương mại yếu kém, nợ xấu ngân hàng và nợ đọng xây dựng cơ bản. "Theo tôi, việc Trung ương nên làm ngay là áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng, gồm cắt giảm biên chế nhân viên nhà nước, kiểm soát chặt chi tiêu của chính quyền địa phương, việc đầu tư dự án của các bộ, ban, ngành, yêu cầu các tỉnh, thành, ngành phải tính toán kỹ trong chi tiêu, không đầu tư dàn trải, lãng phí...", ông Nguyễn Văn Niêm nói.
Ông Nguyễn Văn Niêm cũng cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên Đảng ta nói về vấn đề chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn sự suy thoái trong hàng ngũ đảng viên. Nhưng lần này là mới, rất mới khi Trung ương Đảng đã dũng cảm nói thẳng, nói hết, không có vùng cấm, vùng tránh. Hiện nay, vấn đề lớn nhất, làm suy yếu năng lực lãnh đạo của Đảng là chủ nghĩa cá nhân. Cán bộ xa rời quần chúng, ngại va chạm, sợ đấu tranh. Khi lợi ích cá nhân trỗi dậy, trách nhiệm của người lãnh đạo không còn, thì sự suy thoái về phẩm chất tất yếu sẽ dẫn đến suy thoái chính trị.
"4 nhóm biểu hiện suy thoái và vi phạm của cán bộ, đảng viên mà Tổng Bí thư đã chỉ ra rất đúng với thực tế hiện nay. Đây cũng là nguyên nhân hình thành lợi ích nhóm trong các cơ quan quản lý nhà nước và gốc của vấn nạn tham nhũng. Nếu Trung ương không kịp thời chấn chỉnh, loại bỏ nhanh các cán bộ tha hóa, không xứng đáng, xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên vi phạm để Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin trong nhân dân với Đảng thì nguy cơ của Đảng sẽ rất lớn", ông Niêm thẳng thắn nói.
"Thông điệp Ban Chấp hành Trung ương phát đi lần này là kiên quyết xử lý các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Đương nhiên, Trung ương không đặt “mục tiêu” trong đợt chỉnh đốn đảng lần này phải xử lý kỷ luật bao nhiêu tổ chức đảng, bao nhiêu đảng viên vì quan điểm của Đảng ta là đấu tranh tìm cái sai để đi đến cái đúng. Điều quan trọng hơn cả là cho thấy quyết tâm của Trung ương. Trung ương sẽ xem xét, xử lý đúng người, đúng việc, có lý, có tình, không có “vùng cấm”, “vùng tránh” trong Đảng. Là một đảng viên, tôi mong muốn Đảng ta thật sự phải quyết liệt làm điều đó", ông Niêm bày tỏ mong mỏi.