Theo như Ban soạn thảo Chương trình giáo dục phổ thông mới, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm sẽ đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới quy định: Cấp Tiểu học “thực hiện dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá 7 tiết học. Cơ sở giáo dục tiểu học chưa đủ điều kiện tổ chức dạy học 2 buổi/ngày thực hiện kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD ĐT”.
Cấp THCS và THPT “mỗi ngày học 1 buổi, mỗi buổi không bố trí quá 5 tiết học”; khuyến khích các trường đủ điều kiện thực hiện dạy học 2 buổi/ngày theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Ảnh minh họa.
Mục tiêu của hoạt động dạy học 2 buổi/ngày là nhằm tăng cường giáo dục toàn diện, đặc biệt là tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm; đáp ứng yêu cầu quản lí và giáo dục học sinh của gia đình và xã hội; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Ở cấp Tiểu học, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện có trên 80% số học sinh trong cả nước đang được học 2 buổi/ngày. Nguyên nhân một số địa phương chưa tổ chức được cho học sinh học 2 buổi/ngày là khó khăn về quỹ đất, kinh phí và điều kiện sống của người dân. Để thực hiện được quy định của chương trình mới, bảo đảm cho con em địa phương không thiệt thòi so với học sinh những nơi khác, các địa phương có thể chọn một trong các giải pháp sau:
Cân đối quỹ đất, kinh phí để mỗi năm thực hiện dứt điểm việc dạy học 2 buổi/ngày ở một lớp học theo lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông như quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội: năm học 2020 – 2021ở lớp 1; năm học 2020 – 2021ở lớp 2; năm học 2020 – 2021ở lớp 3; năm học 2020 – 2021ở lớp 4; năm học 2020 – 2021ở lớp 5.
Bố trí thêm buổi học thứ 6 trong tuần để bảo đảm hoàn thành chương trình các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc; không dạy các môn học tự chọn (Tiếng dân tộc thiểu số; Ngoại ngữ 1 ở lớp 1, lớp 2).
Các trường đủ điều kiện dạy học 2 buổi/ngày cần có kế hoạch sử dụng thời gian ngoài chương trình các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc một cách hợp lí để dạy các môn học tự chọn cho học sinh có nguyện vọng học; bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn những học sinh chưa đáp ứng các yêu cầu cần đạt; tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh.
Ở các cấp THCS, THPT, việc tổ chức buổi học thứ hai cần dựa trên sự tự nguyện của học sinh và cha mẹ học sinh. Cũng như ở cấp tiểu học, buổi học thứ hai có thể được sử dụng để dạy các môn học tự chọn cho học sinh có nguyện vọng học; bồi dưỡng học sinh giỏi, hướng dẫn những học sinh chưa đáp ứng các yêu cầu cần đạt; tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hoá - nghệ thuật, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh. Trường hợp tổ chức chương trình liên kết quốc tế, cần thực hiện theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục.