Sau khi loạt phim về kho tàng cổ tích Việt Nam kết thúc, series phim hoạt hình 3D thuần Việt mới - 'Kem và cậu bạn thần kỳ' tiếp tục ra mắt khán giả với hy vọng mang tới nhiều trải nghiệm mới mẻ cho trẻ em. Như vậy, phim hoạt hình Việt Nam đang từng bước có những chuyển mình ấn tượng.
Series phim 3D Kem và cậu bạn thần kỳ đã phát sóng trên THVL1 từ 1/1 và dự kiến kéo dài đến ngày 31/12/2024. Bộ phim do biên kịch Hạnh Ngộ, Vietfilm sản xuất kể về cậu bé Kem 9 tuổi, đang học lớp 3, có tâm hồn nhạy cảm, thích vẽ vời và mơ mộng. Kem là con một trong gia đình đầy đủ cha mẹ, có điều kiện học tập nên có phần ích kỷ…
Theo đơn vị sản xuất, sự đón nhận của khán giả thông qua tỷ lệ rating cũng như lượt xem trên YouTube ngày càng cao. Điều này chứng tỏ, phim hoạt hình Việt Nam đang ngày càng được khán giả nhí đón nhận.
Một dấu son cũng được ghi nhận khi “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” trở thành bộ phim hoạt hình trong nước đầu tiên được công chiếu thương mại, phát hành bởi hệ thống rạp chiếu lớn nhất thị trường Việt Nam hiện nay.
Việc phim hoạt hình “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí” được sản xuất để phát hành thương mại và chính thức ra mắt khán giả toàn quốc từ ngày 13/10 vừa qua là một cột mốc quan trọng, đánh dấu sự chuyển mình của hoạt hình Việt Nam từ sản phẩm trực tuyến và truyền hình sang địa hạt điện ảnh.
Bộ phim là sản phẩm của Sconnect Việt Nam - đơn vị có nhiều năm kinh nghiệm trong việc sản xuất phim hoạt hình trên nền tảng trực tuyến như loạt phim hoạt hình Wolfoo, Clay Mixer, Luka... thu về hàng tỷ lượt xem trên YouTube.
Chú sói nhỏ Wolfoo cùng bộ nhân vật trong phim đã trở thành “người bạn” thân thiết của hàng triệu trẻ em và là một thương hiệu quen thuộc với nhiều gia đình Việt.
Trước “Wolfoo và hòn đảo kỳ bí”, đã từng có những cái tên được đặt nhiều kỳ vọng khi trình làng sẽ thay đổi cục diện của ngành hoạt hình Việt Nam.
Có thể kể đến một số dự án như “Tôi là Bê-tô” (chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh) hay “Dưới bóng cây: Hành trình trở về” (thực hiện bởi Colory Animation Studio).
Tuy nhiên, vì nhiều số lý do mà các tác phẩm này vẫn chưa thể ra mắt trên màn ảnh rộng. Đây thực sự là một khoảng trống, gây hụt hẫng đối với công chúng mong đợi vào sự phát triển của hoạt hình Việt.
Trên thực tế, phim hoạt hình Việt Nam do các đơn vị Nhà nước lẫn tư nhân sản xuất vẫn đều đặn ra mắt trên các nền tảng số. Đồng thời các chương trình chiếu rạp phục vụ thiếu nhi dịp hè, ngày lễ, Tết… cũng được duy trì, song mới chỉ dừng lại ở các phim ngắn hoặc series phim đã chiếu mạng.
Trong khi đó, doanh thu phim hoạt hình chiếm tới 12-15% tổng doanh thu phim chiếu rạp (theo số liệu của CGV Việt Nam) và từ trước đến nay vẫn luôn là sân chơi của các “ông lớn” ngành hoạt hình thế giới như Mỹ, Nhật Bản…
Song song với niềm vui, những người sáng tạo, biên kịch, đạo diễn của Việt Nam cũng đối mặt với những áp lực mới về việc sản xuất thêm nhiều phim hoạt hình có nội dung hấp dẫn và hướng tới mục tiêu chiếu rạp.
Họ không ngừng làm mới mình để cạnh tranh với phim hoạt hình ngoại, đồng thời nâng cao chất lượng, tính nhân văn cũng như bản sắc của hoạt hình Việt Nam.