Hai bộ phim lấy bối cảnh xưa đang “làm mưa, làm gió” ngoài rạp là Đất rừng phương Nam và Người vợ cuối cùng. Một dòng phim khó với cả những nghệ sĩ kỳ cựu, được đào tạo bài bản. Đặc biệt, với diễn viên trẻ thì đây là thử thách không hề nhỏ. Nếu thành công, phim xưa lại là “vùng đất mới” để họ khám phá bản thân, khẳng định tên tuổi bằng chính thực lực của mình.
Cảm xúc đi vay nhưng vai diễn là thật
Việc xây dựng nhân vật cho một tác phẩm điện ảnh là khâu quan trọng của các nhà làm phim. Từ đạo diễn, biên kịch, quay phim, họa sĩ và diễn viên phải đi thực tế trước khi bắt đầu những cảnh quay. Yếu tố này quyết định bộ phim có trở nên gần gũi, sống động với khán giả hay không.
Tuy nhiên, với dòng phim xưa, không phải diễn viên nào cũng có điều kiện được trải nghiệm thực tế. Và những cảm xúc của nhân vật, đôi khi phải đi “vay, mượn”, nhưng vai diễn được đưa tới khán giả lại thật. Do vậy mà với dòng phim xưa, mạch cảm xúc, nét diễn của diễn viên luôn là thử thách.
Một diễn viên có nhiều thành công ở các vai diễn khác nhau, Trung Dũng đã nhận xét thẳng thắn về dòng phim xưa qua nhân vật của mình trong "Lưới trời”. Nam diễn viên đánh giá dòng phim xưa thực sự “khó nuốt” với các diễn viên, nếu không có chuyên môn nhất định.
“Ở Việt Nam, không phải diễn viên nào cũng được đào tạo bài bản. Yêu cầu tiên quyết nhất đối với diễn viên khi nhận vai diễn trong phim xưa là phải thuộc thoại, nắm đài từ cho vững, cho chắc. Thậm chí, diễn viên còn phải thoại với bạn diễn trước để khắc phục những khuyết điểm như: diễn hơi kịch, câu thoại hơi lố cần đổi…
Ở trường quay hiện nay, diễn viên thường được nhắc thoại. Từ sự không chuyên tâm đó dẫn đến đôi mắt họ cứ chao đảo và cảm xúc cũng không liền mạch. Chưa kể, không thuộc thoại thì làm sao diễn viên hiểu được ở phân đoạn đó nên lột tả tâm trạng nhân vật thế nào cho chân thực nhất, đẩy tình huống lên cao trào như thế nào cho tự nhiên.
Đến khi làm hậu kỳ, nhiều diễn viên được hỗ trợ rất lớn từ các diễn viên lồng tiếng để cứu lại phần nào vai diễn. Nhưng vai diễn của chính bạn không thể tròn vì tai bận nghe nhắc thoại thì còn cảm xúc đâu mà diễn”, nam diễn viên chia sẻ.
Khó khăn, thử thách là vậy, nhưng khi đã vượt qua những chướng ngại vật đó thì “quả ngọt” lại vô cùng xứng đáng. Với nền điện ảnh Việt Nam, không ít diễn viên nổi lên từ dòng phim xưa, thậm chí có người còn được khán giả ưu ái với danh xưng “nữ hoàng phim xưa”.
Nhắc đến dòng phim này không thể không nói đến Quỳnh Lam. Ngoại hình sáng, diễn xuất tự nhiên và chân thật - Quỳnh Lam đóng đạt từ vai bi đến vai phản diện trong hàng loạt phim như: “Khóc thầm”, “Vó ngựa trời Nam”, “Lời sám hối”, “Lời nguyền”, “Con gái chị Hằng”…
Bên cạnh Quỳnh Lam còn có Nhật Kim Anh. Tuy không đóng nhiều phim đề tài xưa như Quỳnh Lam, song với “Lời sám hối”, “Tiếng sét trong mưa” và mới nhất là “Lưới trời”, Nhật Kim Anh ghi điểm trong mắt khán giả không chỉ bởi ngoại hình phù hợp, mà còn diễn xuất kinh nghiệm khi đóng dòng phim này.
Ngoài ra còn có Ngọc Lan, Kim Tuyến, Diệp Bảo Ngọc, Oanh Kiều, Dương Cẩm Lynh, Cao Thái Hà, Thúy Diễm, Vân Trang, Lê Anh Hạ… đều từng bén duyên với ít nhất một bộ phim đề tài xưa. Họ đều là những diễn viên trẻ thử sức thành công với đề tài này.
Diễn hay thôi chưa đủ
Có sẵn lượng khán giả yêu thích, nhưng dòng phim bối cảnh xưa không "đứng yên" trong suốt quá trình phát triển cùng với thị trường phim truyền hình Việt. Dòng phim này cũng dễ bị “soi” các yếu tố liên quan lịch sử, thời gian, bối cảnh, đạo cụ, hình tượng nhân vật, phong cách diễn xuất. Chính vì lẽ đó, khi hoá thân vào các nhân vật thì diễn hay thôi là chưa đủ.
Theo các nhà làm phim xưa, một diễn viên dù ngoại hình đẹp, biết diễn xuất vẫn chưa đủ, diễn viên đóng phim đề tài xưa phải có gương mặt phảng phất nét cổ điển, tác phong nho nhã trong lời nói và cử chỉ, khác biệt với các phim hiện đại. Họ còn phải mất thời gian rất lâu để học thêm về những quy tắc ứng xử, ăn nói sao cho phù hợp với văn hóa người xưa.
Với diễn viên Vũ Ngọc Ánh, đóng phim xưa là một áp lực không nhỏ với cô, bởi: “Tôi gặp áp lực khi phải ghi chú những cử chỉ, cách nói, điệu bộ của người xưa, nó hoàn toàn khác phim hiện đại rất nhiều. Phim hiện đại có thể mang nét trẻ trung ở ngoài đời vào, phim xưa thì khác, từ ánh mắt, cử chỉ, điệu bộ phải hoàn toàn phù hợp với phong cách người xưa”. Tuy nhiên, bù lại khi đóng phim xưa, cô tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng diễn xuất khi thử sức với dạng vai mới.
Diễn viên Lê Hạ Anh thừa nhận, việc khó nhất khi đóng phim xưa là phải hóa thân thành nhân vật, phục trang cách thể hiện nhân vật theo cách tốt nhất. “Vì bây giờ tôi đang sống trong thời đại khác, quay về đóng phim xưa, cách đi đứng, ăn nói như thế nào để phù hợp với bối cảnh nhất” - cô nói.
Mới đây nhất có Kaity Nguyễn. Cô đã dũng cảm 'lột xác' từ một cô gái trẻ, hiện đại để vào vai phụ nữ thế kỷ 19 trong 'Người vợ cuối cùng'. Bộ phim xoay quanh cuộc đời của Linh (Kaity Nguyễn thủ vai), một phụ nữ chân quê sở hữu nhan sắc nổi bật nhưng số phận rất đỗi truân chuyên. Đạo diễn Victor Vũ cho biết, anh muốn kể câu chuyện về thân phận người phụ nữ lạc loài giữa gấm ngọc.
Một vai diễn cảm giác “quá sức” với một cô gái trẻ như Kaity Nguyễn. Đặc biệt khi cô lớn lên ở nước ngoài, đài từ tiếng Việt đôi khi còn chưa rõ ràng, chắc chắn. Sau khi khởi chiếu, cũng có nhiều ý kiến trái chiều về vai diễn Linh trong “Người vợ cuối cùng”.
Khán giả cho rằng, cách diễn của Kaity Nguyễn vẫn hơi đơ, cảm xúc chưa được đẩy lên cao như mong muốn, có nhiều câu thoại vẫn không được rõ lời. Nhưng, để diễn ra cho một nhân vật từ thôn nữ ngây thơ hồn nhiên cho đến bước vào làm dâu nhà hào môn với nhiều xáo động trong tâm can, thì không phải ai cũng làm tròn được.
Đây là cuộc chơi không dễ với các diễn viên trẻ. Nhưng thực tế đã cho thấy, một khi có sự đầu tư bài bản, nghiêm túc với nghề thì không phải điều quá khó. Khán giả càng khó tính bao nhiêu sẽ càng làm cho diễn viên có trách nhiệm với vai diễn của mình bấy nhiêu. Có như vậy, những bộ phim xưa của Việt Nam mới khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong lòng khán giả và trên thị trường.