Yêu cầu giám định theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Trương Minh Tuỳ| 03/08/2018 08:56
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Một điểm mới rất quan trọng của BLTTHS năm 2015 là quy định quyền của đương sự hoặc người đại diện của họ, tự mình yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận.

Yêu cầu giám định theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015

Ảnh minh họa

Giám định tư pháp là hoạt động đặc biệt, được thực hiện bởi các chuyên gia nhằm kết luận về chuyên môn đối với những vấn đề được trưng cầu. Những kết luận này giúp cơ quan tố tụng đưa ra quyết định đúng đắn về vụ án. Nhiều trường hợp, kết luận giám định còn có nghĩa trực tiếp giúp các cơ quan tố tụng xác định là tội phạm hay không phải tội phạm, xác định tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm làm căn cứ để quyết định hình phạt (giám định thương tích, nguyên nhân chết người, mức độ ô nhiễm môi trường…). Chất lượng giám định liên quan chặt chẽ đến chất lượng và hiệu quả của nền tư pháp. Do đó, hoàn thiện chế định giám định tư pháp là đòi hỏi khách quan của công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.

BLTTHS năm 2003 chỉ dành 5 điều để quy định về giám định là chưa tương xứng với tầm quan trọng và tính chất phức tạp của vấn đề. Việc thiếu quy định về thời hạn là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ trong giám định; thiếu cơ chế giải quyết xung đột trong trường hợp có nhiều kết luận khác nhau về cùng một đối tượng trưng cầu, làm bó tay các cơ quan tố tụng… Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, BLTTHS 2015 đã có những điều chỉnh quan trọng.

Đó là xây dựng 10 điều luật điều chỉnh đầy đủ các nội dung liên quan đến giám định. Bổ sung đầy đủ những vấn đề cần phải trưng cầu giám định nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan, toàn diện trong quá trình chứng minh vụ án. BLTTHS 2015 bổ sung cơ chế nhằm giải quyết xung đột giữa các kết luận giám định, theo đó, quy định trong trường hợp đặc biệt, Viện trưởng VKSNDTC, Chánh án TANDTC có quyền quyết định giám định lại và kết luận giám định trong trường hợp này có hiệu lực để giải quyết vụ án (Điều 212)…

Đặc biệt, Điều 207 BLTTHS năm 2015 về yêu cầu giám định là quy định hoàn toàn mới so với BLTTHS năm 2003. Tại khoản 1 Điều 207 quy định:“Đương sự hoặc người đại diện của họ có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơquan tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định”.

Quy định này quy định quyền của đương sự hoặc người đại diện của họ tự mình yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Quy định quyền này nhằm bảo đảm cho đương sự hoặc người đại diện của họ có điều kiện thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, phù hợp với quy định của Luật giám định tư pháp năm 2012.

Tại khoản 2 Điều 207 quy định: “Người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ theo quy định của Luật giám định tư pháp”. Theo quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật giám định tư pháp năm 2012 thì “Người yêu cầu giám định là người có quyền tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận. Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm... nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo”.

BLTTHS năm 2015 không quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của người yêu cầu giám định mà dẫn chiếu đến Luật giám định tư pháp. Theo quy định của Điều 22 Luật giám định tư pháp năm 2012 thì người yêu cầu giám định có các quyền và nghĩa vụ sau: “1. Người yêu cầu giám định có quyền gửi văn bản yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định. Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không chấp nhận yêu cầu thì trong thời hạn 7 ngày phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản. Hết thời hạn nói trên hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.

2. Người yêu cầu giám định có quyền: a) Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu; b) Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định; c) Đề nghị Toà án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định; d) Yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật này.

3. Người yêu cầu giám định tư pháp có nghĩa vụ: a) Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp; b) Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định. 4. Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu giám định theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015