TANDTC tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Kế Hùng - Bá Mạnh| 14/08/2014 21:55
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng 14/8, tại Hà Tĩnh, TANDTC tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Tham dự Hội thảo có Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, các Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn, Trần Văn Độ, Thủ trưởng một số đơn vị TANDTC và Chánh án một số tỉnh, thành.

Về phía địa phương, đến dự Hội thảo có ông Nguyễn Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Để bảo đảm TAND là cơ quan thực hiện quyền tư pháp theo Hiến pháp năm 2013, đồng thời tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Dự thảo Luật Tổ chức TAND đã và đang được nghiên cứu sửa đổi một cách toàn diện, tổng thể.  Nội dung hội thảo nhằm quán triệt ý nghĩa quan trọng của việc cần bàn thảo các nội dung của Dự thảo Luật TAND (sửa đổi) để phù hợp Hiến pháp 2013, các Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Đó là các vấn đề về nguyên tắc tổ chức của TAND, vấn đề Tòa án thực hiện quyền tư pháp, nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC, các quy định về chức danh Thẩm phán…

Hội thảo này xem xét bản Dự thảo luật Tổ chức TAND sửa đổi (dự thảo lần thứ 7), sau khi đã tiếp thu ý kiến của Thường vụ Quốc hội và đóng góp của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, của các chuyên gia pháp luật, các ý kiến đóng góp của các Thẩm phán, cán bộ, công chức hệ thống TAND các cấp.

TANDTC tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Phát biểu chỉ đạo buổi Hội thảo, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Hội thảo là việc làm hết sức quan trọng, là cuộc trao đổi dân chủ, công khai để hoàn thành Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Vì vậy, các đơn vị Tòa án cần phải nhận thức đúng nhiệm vụ quan trọng của mình để hoàn tất Dự thảo Luật.

Quy định về nguyên tắc tổ chức của TAND là phù hợp

Tại Hội thảo, đa số ý kiến của các đại biểu đồng tình và đánh giá cao chất lượng nội dung của các điều, khoản tại dự thảo lần thứ 7 này, theo đó đã bám sát các nội dung về chức năng, nhiệm vụ của TAND đã được hiến định trong Hiến pháp 2013 và các Nghị quyết của Bộ Chính trị.

Về nguyên tắc tổ chức của TAND, đa số các đại biểu đồng tình với quy định tại Dự thảo. Ông Trần Quốc Việt, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh nêu ý kiến: Tại Điều 5, Dự thảo Luật quy định: “TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị hành chính”. Theo ông Việt, chỉ nên quy định:“TAND được tổ chức theo thẩm quyền xét xử” là phù hợp. Bởi vì, khi TAND được tổ chức theo bốn cấp (gồm có TANDTC, TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và TAND sơ thẩm khu vực) thì TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn được tổ chức theo đơn vị hành chính cấp tỉnh.

TANDTC tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)

Toàn cảnh hội thảo

Đại diện Đoàn Luật sư Hà Tĩnh, Luật sư Phan Duy Phong đồng tình với quy định về hệ thống TAND được tổ chức theo bốn cấp (TANDTC, các TAND cấp cao; các TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các TAND sơ thẩm khu vực). Ngoài ra, theo ông Phong, cần đưa thêm vào Điều 3 Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) các Tòa Hành chính (vì hiện nay, chúng ta mới có Tòa Hành chính ở cấp tỉnh và Trung ương) để giải quyết các vấn đề liên quan đến chính quyền, vừa đảm bảo tính nghiêm minh, kịp thời, vừa giải tỏa áp lực cho các cấp chính quyền như hiện nay.

Về thẩm quyền thành lập các Tòa án thuộc hệ thống TAND, đại diện Đoàn Luật sư cho rằng, đề nghị của Chánh án TANDTC về việc thành lập, giải thể Tòa án quân sự khu vực, Tòa án quân khu hoặc tương đương do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định cần có điều kiện: “Sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” là chưa phù hợp. Quy định như vậy có sự “lấn sân” quyền hạn của cơ quan hành pháp sang cơ quan tư pháp hay không?

Thể chế hóa quan điểm phát triển án lệ

Về nhiệm vụ phát triển án lệ của TANDTC, đa số ý kiến đồng tình với việc nghiên cứu để thể chế hóa quan điểm phát triển án lệ theo định hướng đã được nêu trong Nghị quyết số 49 - NQ/TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị. Tuy nhiên ở Việt Nam, án lệ cần phải xác định theo hướng khác với nhiều nước trên thế giới có án lệ. Trong hệ thống pháp luật nước ta, quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC được coi là án lệ, không phải là văn bản quy phạm pháp luật. Các quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC phải đảm bảo tính mẫu mực theo đúng quy định pháp luật để các Toà án nghiên cứu, tham khảo và làm theo. Từ nhiều năm nay, TANDTC đã và đang thực hiện nhiệm vụ tổng kết thực tiễn xét xử của Tòa án các cấp, hướng dẫn các Tòa án áp dụng thống nhất pháp luật dưới hình thức ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TANDTC và được coi là văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước ta. Đây là hình thức rất có hiệu quả, được thực tiễn kiểm nghiệm, cần phải tiếp tục phát huy và quy định trong Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án TAND cấp tỉnh, đa số ý kiến cho rằng cho rằng, nên quy định như luật hiện hành là Chánh án TAND cấp tỉnh có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND sơ thẩm. Mặc dù, theo Dự thảo Luật thì tại TAND cấp tỉnh sẽ không còn Ủy ban Thẩm phán; không thực hiện chức năng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Tuy nhiên, Chánh án TAND cấp tỉnh vẫn chịu trách nhiệm báo cáo công tác của TAND cấp tỉnh và TAND sơ thẩm khu vực trước HĐND cấp tỉnh và TANDTC. Do đó, nếu Dự thảo Luật quy định Chánh án TAND cấp tỉnh chỉ có quyền kiến nghị với Chánh án TAND cấp cao xem xét kháng nghị là không đảm bảo tính kịp thời khắc phục, phòng ngừa các sai sót đối với bản án, quyết định của TAND sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng…

Nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán

Về các quy định chức danh Thẩm phán: Nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán trong Dự thảo Luật so với Luật Tổ chức TAND 2002 tuy có quy định thêm một số điểm mới nhưng theo một số đại biểu cần phải mở rộng thêm quyền hạn của Thẩm phán để bảo đảm thực hiện quyền tư pháp của TAND.

Về các ngạch Thẩm phán: Tại Điều 61 của Dự thảo lần này quy định bốn ngạch Thẩm phán nhưng nhiều ý kiến đồng tình hơn với phương án 1 của Điều 51 Dự thảo trước đây là quy định Thẩm phán chỉ hai ngạch gồm: Thẩm phán TANDTC và Thẩm phán, chứ không nên quy định như Dự thảo lần này.

Về tiêu chuẩn của Thẩm phán, nhiều đại biểu đồng tình với Dự thảo lần này. Điều 62 của Dự thảo đã mở rộng đối tượng bổ nhiệm chức danh Thẩm phán, đó là không chỉ công tác trong TAND mà còn những người có thời gian làm công tác thực tiễn pháp luật và bổ sung thêm tiêu chuẩn “đã trúng tuyển kỳ thi tuyển Thẩm phán quốc gia” nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán.

Về tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán, các đại biểu hoàn toàn đồng ý với Điều 69 của Dự thảo lần này quy định, tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TANDTC là 65 tuổi, còn Thẩm phán khác theo quy định của Bộ luật Lao động. Ngoài ra, Dự thảo xem xét cụ thể tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán Tòa án quân sự theo quy định của Luật Sỹ quan quân đội nhân dân Việt Nam là phù hợp.

 Về việc đảm bảo để Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, theo  Luật sư Phan Duy Phong, đại diện Đoàn Luật sư Hà Tĩnh, nguyên tắc độc lập trong xét xử là nguyên tắc nền tảng, là nguyên tắc riêng có của việc thực hiện quyền tư pháp. Vì vậy, ngoài việc cải cách tổ chức hệ thống TAND theo cấp xét xử, không phụ thuộc vào đơn vị và cấp hành chính nhằm giảm thiểu các tác động có thể có từ bên ngoài đến độc lập xét xử của Tòa án thì cần phải có những quy định cụ thể về sự độc lập trong hoạt động xét xử của các Thẩm phán. Cần quy định Thẩm phán có nhiệm vụ, quyền hạn xét xử những vụ án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án theo quy định của pháp luật chứ không cần quy định là theo “sự phân công của Chánh án Tòa án nơi mình công tác hoặc nơi mình được chuyển đến” để thể hiện rỗ nguyên tắc độc lập của Thẩm phán… Tại Điều 13 Dự thảo, theo ông Phong, nên được bổ sung như sau: “Tòa án đảm bảo nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Phán quyết của Tòa án phải căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa”. Ông Phong đề nghị TANDTC tiếp tục nghiên cứu, làm rõ mối quan hệ lãnh đạo, quản lý của Chánh án TAND đối với Thẩm phán, Hội đồng xét xử để thực hiện đúng nguyên tắc: “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”.

Về phương thức tuyển chọn Thẩm phán, ông Phong hoàn toàn đồng tình với Dự thảo lần này vì đã thể hiện sự vượt bậc trong cách tuyển chọn Thẩm phán, đó là kết hợp giữa việc tuyển chọn với thi tuyển, như vậy sẽ nâng cao chất lượng đội ngũ Thẩm phán, mở rộng nguồn để xem xét, đáp ứng yêu cầu nâng cao tiêu chuẩn, trách nhiệm, quyền hạn của Thẩm phán nhằm xây dựng đội ngũ Thẩm phán trong sạch vững mạnh…

Tòa án thực hiện quyền tư pháp như thế nào?

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là Tòa án thực hiện quyền tư pháp. Ông Hồ Đình Trung, Phó Chánh án TAND tỉnh Nghệ An cho rằng, quyền tư pháp rất rộng, từ trước đến nay, quyền tư pháp do Cơ quan điều tra, VKS và Toà án thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng. Tòa án thực hiện quyền tư pháp trong phạm vi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tòa là cơ quan xét xử. Vì thế, Tòa án thực hiện quyền tư pháp trực tiếp thông qua hoạt động xét xử đồng thời gián tiếp thực hiện quyền tư pháp thông qua việc kiểm soát lại việc thực hiện quyền tư pháp của các cơ quan khác. Dự thảo đã thể hiện được tinh thần đó, vì thế, ông Trung nhất trí với quy định của Dự thảo về Tòa án thực hiện quyền tư pháp.

Về quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, theo ông Trung, cần bổ sung từ “dự họp” vào sau đoạn “phải được quá nửa tổng số thành viên” ở dòng cuối cùng trang 6 (khoản 3 Điều 22 Dự thảo). Tương tự, tại khoản 3 Điều 31 Dự thảo (Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao) cũng sửa như thế để phân định rạch ròi, dễ hiểu về tổng số thành viên của Hội đồng Thẩm phán và tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán tự do.

Tại Hội nghị, Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình đã biểu dương các TAND, đại biểu đã tích cực nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)…

 Ngoài những tham luận trên, Hội thảo tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp từ các đơn vị Tòa án khác. Hội thảo diễn ra một cách sôi nổi, đóng góp ý kiến một cách dân chủ, thẳng thắn nhằm xây dựng thành công Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình cảm ơn lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã quan tâm đến công tác của hệ thống TAND; cảm ơn các đại biểu đã có những ý kiến, tham luận cụ thể và ghi nhận để tiếp tục hoàn thiện  Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TANDTC tổ chức Hội thảo về Dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)