Khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng lớn

Mai Thoa - Mạnh Hùng| 29/07/2020 18:32
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sáng nay 29/7, tại trụ sở TANDTC đã diễn ra Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế điển hình. Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Bộ Công an, VKSNDTC; các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đã trực tiếp tham gia các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử những vụ án kinh tế, tham nhũng điển hình trong thời gian vừa qua.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng lớn

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC phát biểu tại Hội nghị

Xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn

Thực hiện Chương trình công tác năm 2019 và năm 2020 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Kế hoạch tổng kết, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc rút kinh nghiệm một số vụ án tham nhũng, kinh tế điển hình, TANDTC phối hợp với Ban Nội chính Trung ương tổ chức “Hội nghị tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế điển hình”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết: Những năm qua, tình hình tham nhũng, tiêu cực ở nước ta diễn ra rất phức tạp, tham nhũng có dấu hiệu gia tăng về số lượng; quy mô lớn, tính chất phức tạp và thủ đoạn ngày càng tinh vi, diễn ra khá phổ biến ở các cấp, các lĩnh vực. Thực trạng tham nhũng đã gây nên nhiều bức xúc trong xã hội.

Tham nhũng thường xảy ra trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai, ngân hàng, tài chính, phát triển dự án xây dựng đô thị, giao thông, công nghiệp, mua sắm tài sản công…, có tổ chức chặt chẽ và hình thành đường dây, kéo dài trong nhiều năm.

Đặc biệt, có sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội, chủ trương đầu tư, bố trí nhân sự, phân bổ nguồn lực tài chính, phê duyệt dự án và chủ trương mua sắm công.

Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tăng cường phát hiện và điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng lớn

Đồng chí Nguyễn Thái Học , Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị

Chính vì vậy, hàng loạt các vụ án tham nhũng lớn đã bị phát hiện, làm sáng tỏ và lần lượt đưa ra xét xử. Điển hình như vụ án Trịnh Xuân Thanh, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út Trọc); AVG,…

Đây là những vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt lớn, tồn tại nhiều năm, gắn với các quyền lực cao cấp, gây ra các tổn thất to lớn về tài sản, cán bộ và uy tín của Đảng, Nhà nước. Việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án này đã khẳng định những thành tựu nổi bật của công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng; khẳng định vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong công tác phòng chống tham nhũng và tội phạm tham nhũng, kinh tế.

Sự quyết tâm của lãnh đạo Đảng và Nhà nước

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, có được kết quả đó là nhờ quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, bài bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo.

Tiếp đó là những nỗ lực rất đáng hoan nghênh của các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Cán bộ các cơ quan chức năng phòng, chống tham nhũng đã hoạt động tuân thủ pháp luật, kiên trì và sáng tạo, trách nhiệm và chuyên nghiệp, nghiêm túc và không quản khó khăn, thách thức; phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ và hiệu quả.

Nhiều vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, thậm chí cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, xử lý nghiêm minh theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước...

Khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng lớn

Toàn cảnh Hội nghị

Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đại biểu phát biểu ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm để Hội nghị thu được nhiều kinh nghiệm quý báu sẽ góp phần thúc đẩy hiệu quả hoạt động điều tra, xét xử đối với các vụ án tham nhũng trong thời gian tới đây.

Báo cáo tổng kết của các cơ quan Tư pháp Trung ương cũng đánh giá: Kết quả có được trong điều tra, truy tố, xét xử những vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian qua là nhờ sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa các cơ quan chức năng nhằm giải quyết dứt điểm, nghiêm minh các vụ án.

Từ ngày 01/01/2013 đến ngày 31/5/2020, trên cơ sở kết quả điều tra, truy tố của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, các Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý 13.599 vụ án / 26.621 bị can, xét xử 10.917 vụ án / 19.406 bị cáo về các tội phạm kinh tế, tham nhũng;

Xử lý nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kể cả cán bộ cao cấp, khẳng định quan điểm “ không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” (vụ án Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son...); công khai các cán bộ vi phạm, nhất là cán bộ cấp cao, cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, cả đương chức và đã nghỉ hưu, cả cán bộ liên quan đến nhân sự Đại hội Đảng các cấp.

Làm rõ bản chất tư lợi qua các vụ án và thu hồi được lượng tài sản tham nhũng lớn (Vụ án Nguyễn Bắc Son, Phạm Nhật Vũ…). Đã tuyên hình phạt tiền bổ sung ở mức cao nhất của khung luật định đối với nhiều bị cáo, nhất là các bị cáo đầu vụ, các bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiếp tay cho tội phạm; đã tuyên rõ người phải chịu trách nhiệm đối với khối tài sản đã bị chiếm đoạt, bị xâm hại; đã áp dụng nhiều biện pháp mới để tăng cường thu hồi tải sản tham nhũng, tài sản do phạn tội mà có như: kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản để bảo đảm thi hành án của bị cáo...

Những kết quả đạt được đã tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, góp phần nâng cao uy tín, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực mới, khí thế mới để toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Hội nghị tiến hành tổng kết thực tiễn hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế tham nhũng điển hình để nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được, những kinh nghiệm hay, bài học tốt; đồng thời, nhìn nhận thấu đáo những tồn tại, hạn chế để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Các đại biểu cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tổng kết, rút kinh nghiệm, đó là: Các hoạt động phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm; truy bắt đối tượng tham nhũng, vận dụng pháp luật; phong tỏa, truy nguyên tài sản có được từ tham nhũng.

Đồng thời, các đại biểu cũng nêu kinh nghiệm giải quyết vấn đề dân sự trong quá trình xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế; Công tác phối hợp và vấn đề tương trợ tư pháp trong quá trình phát hiện và xử lý các vụ án này; các biện pháp thu hồi tài sản tham nhũng…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao các tham luận, các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Các ý kiến đề cập đến nhiều nội dung khác nhau nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, góp phần quan trọng trong việc đẩy nhanh tiến độ trong quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế trong thời gian tới.

10 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp được được lựa chọn để nghiên cứu tổng kết, rút kinh nghiệm tại Hội nghị gồm:

Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Xây dựng Việt Nam, gồm giai đoạn I và giai đoạn II: tổng cộng có 82 bị cáo bị kết án về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Vụ án Hứa Thị Phấn và đồng phạm xảy ra tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Tín: có 28 bị cáo bị kết án về các tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương: có 92 bị cáo bị kết án về các tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”; “Tổ chức đánh bạc”; “Đánh bạc”; “Mua bán trái phép hóa đơn”; “Rửa tiền” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Vụ án Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm xảy ra tại Tổng công ty Thái Sơn Bộ Quốc phòng: có 07 bị cáo bị kết án về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”; “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ”; “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức”.

Vụ án Phan Văn Anh Vũ và đồng phạm xảy ra tại Đà Nẵng và một số địa phương: có 05 bị cáo bị kết án về các tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PVN vào Ngân hàng Đại Dương Oceanbank: có 07 bị cáo bị kết án về các tội “Tham ô tài sản” và “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam - PVP Land: có 08 bị cáo bị kết án về tội “Tham ô tài sản”.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh, Đinh La Thăng và đồng phạm xảy ra tại Tổng Công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam PVC: có 22 bị cáo bị kết án về các tội “Tham ô tài sản”, “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

Vụ án Châu Thị Thu Nga và đồng phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Nhà đất  Housing Group: có 10 bị cáo bị kết án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt và đồng phạm xảy ra tại tập đoàn Vinashine: có 04 bị cáo bị kết án về các tội “Tham ô tài sản” và “Rửa tiền".

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án tham nhũng lớn