Chuyện về những nữ thẩm phán

Huy Bình| 14/09/2020 15:53
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Nữ giới, với đặc tính mềm mại, bền bỉ, hiền hòa, tưởng như khó có thể phù hợp với các công việc cần sự quyết đoán, mạnh mẽ, cứng cỏi của nam giới như nghề Thẩm phán.

Nhưng những nữ Thẩm phán hiện đang làm việc trong hệ thống TAND Việt Nam đã và đang chứng minh rằng, họ luôn bình đẳng với nam giới cả về năng lực trí tuệ cũng như bản lĩnh chính trị.

Nghề chọn người

Người xưa thường nói “Nghề chọn người chứ không phải người chọn nghề” hoặc câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” để nói về sự phù hợp, đam mê của bản thân trong công việc đang làm. Điều quan trọng hơn khi “nghề chọn người” với chuyên môn trong chuyên ngành nào đó càng vững, khả năng thành công cao và đem đến cơ hội thăng tiến.

Chuyện về những nữ thẩm phán

Thẩm phán Trần Thị Minh Tâm -  Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh 

Câu chuyện đầu tiên về “Nghề chọn người”, của chị Trần Thị Minh Tâm công tác tại TAND tỉnh Hà Tĩnh, người đã có những thành công trong công việc. Sau 14 năm phấn đấu, trải qua nhiều vị trí công tác để trau dồi kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh, chị được bổ nhiệm làm Phó Chánh án (năm 2015) rồi Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên (năm 2018).

Dưới sự lãnh đạo của  Chánh án Trần Thị Minh Tâm, từ năm 2015 – 2019, Tòa án huyện Cẩm Xuyên đã giải quyết 676 vụ, việc các loại; trong đó, 373 vụ do chị trực tiếp xét xử (72 vụ án hình sự; 254 án hôn nhân và gia đình; 35 vụ án dân sự; xử lý hành chính 54 vụ việc…). Đặc biệt là không có vụ việc nào bị hủy án; tỷ lệ vụ việc bị sửa chỉ chiếm 1,26%; tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành trong các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính đạt kết quả cao.

Không ngừng trau dồi kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động xét xử, Thẩm phán Minh Tâm còn tham gia nghiên cứu khoa học với đề tài: “Khắc phục những khó khăn vướng mắc trong giải quyết án hôn nhân gia đình”, được đánh giá cao trong việc đưa ra những sáng kiến, kinh nghiệm nhằm phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng các vụ án phức tạp, đảm bảo giải quyết vụ án trong hạn luật định, tránh đùn đẩy, kéo dài thời gian xác minh. Năm 2019, chị được vinh danh “Thẩm phán giỏi toàn quốc năm 2019”.

Cũng thành công như Thẩm phán Minh Tâm, làm việc trên địa bàn có tỉ lệ án xét xử chiếm tỉ lệ cao nhất tỉnh, Thẩm phán Đỗ Thị Thúy Hằng, Chánh án TP. Tuy Hòa (Phú Yên) cũng như nhiều Thẩm phán khác, hàng tháng phải xét xử rất nhiều vụ án. Bình quân mỗi tháng, chị phải giải quyết 10 vụ và đều đạt chất lượng khá cao, nhất là không có án để quá hạn luật định. Thẩm phán Đỗ Thị Thúy Hằng tâm sự: “Bản thân tôi cố gắng, nỗ lực, luôn xem vụ việc của người dân là việc của chính mình. Khi tiếp nhận hồ sơ vụ án do lãnh đạo phân công, tôi lên kế hoạch mời đương sự đến làm việc, luôn giải thích cho người dân hiểu để chấp hành đúng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó, người dân tin tưởng vào pháp luật, tự họ thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thi hành án dân sự, góp phần tuyên truyền pháp luật sâu rộng trong nhân dân”.

Thẩm phán Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Chánh án TAND TP. Phúc Yên (Vĩnh Phúc) khiến nhiều đồng nghiệp phải nể phục bởi thành tích đáng nể của chị. Không chỉ có tỷ lệ án giải quyết cao, đạt tỷ lệ hơn 98% hằng năm, chị còn là một trong những Thẩm phán có tỷ lệ án hòa giải thành cao nhất của TAND TP. Phúc Yên, với tỷ lệ 73% đối với án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại. Điều đáng nói là các vụ án đã giải quyết đều đảm bảo đúng người đúng tội, thấu tình đạt lý, không có vụ nào bị kháng nghị hay bị sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán.

Khen các chị giỏi, các chị khiêm tốn bảo: “Đó là nghề ưu ái cho tôi, chọn tôi đó thôi.”

Bản lĩnh trước những áp lực

Để làm tròn vai trò của một Thẩm phán, giải quyết thấu tình đạt lý các vụ án, mỗi nữ Thẩm phán đều có các bí quyết khác nhau. Nhưng đều chung một ý chí - tinh thần trách nhiệm cao, say mê công việc, đặc biệt, với tinh thần độc lập, bằng cái tâm liêm chính, các chị đã nỗ lực tìm ra cách giải quyết phù hợp với tính chất của vụ việc.

Nữ Thẩm phán Trần Thị Minh Tâm, Chánh án TAND huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) cho biết: Có những vụ án xét xử mà chính tâm can của người phán xử cũng đau xót, trăn trở. Đó là những vụ án ly hôn, chia con giữa phiên tòa. Những đứa trẻ tội nghiệp chưa hiểu hết được những điều khoản trong luật định, sự giằng co nhau giữa một bên là bố, bên kia là mẹ… Rồi, những vụ án liên quan đến sự thiếu hiểu biết quy định pháp luật dẫn đến phạm tội… Mỗi vụ có những tình tiết khác nhau, đằng sau những vụ án ấy cũng có những câu chuyện, số phận khác nhau. Bởi thế, đòi hỏi người Thẩm phán phải dày công nghiên cứu hồ sơ, đồng thời mở rộng tìm hiểu nguồn gốc sự việc, lắng nghe tâm tư của từng người, tìm hiểu nguyên nhân mối xung đột… Có như thế, mới đủ bản lĩnh, tự tin để đưa ra lời tuyên án và phán quyết chính xác, thượng tôn pháp luật nhưng cũng phải đạt tình.

Chuyện về những nữ thẩm phán

Đồng chí Phạm Tấn Hoàng, Chánh án TAND tỉnh Phú Yên trao các Quyết định của Chánh án TANDTC bổ nhiệm đồng chí Đỗ Thị Thúy Hằng giữ chức vụ Chánh án TAND thành phố Tuy Hòa

Còn quan điểm của Thẩm phán Đỗ Thị Thúy Hằng, Chánh án TAND TP.Tuy Hòa đối với án dân sự, nhất là các vụ việc ly hôn, khâu hòa giải có yếu tố đặc biệt quan trọng, bởi hòa giải sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các đương sự và góp phần ổn định xã hội. Bí quyết là người Thẩm phán có thể tìm cách khơi gợi về những kỷ niệm của một thời vợ chồng gắn bó, hay nhắc về những đứa con - sợi dây gắn bó tình cảm giữa hai người, cũng có khi dựa vào phân tích về bản năng của người phụ nữ. Tuy nhiên, không phải lúc nào những nỗ lực của các Thẩm phán cũng mang lại kết quả tích cực, nhất là khi các bên đương sự tỏ thái độ không đồng tình và bất hợp tác.

Không chỉ trong các vụ án ly hôn, công tác hòa giải cũng giúp giải quyết nhiều vụ án xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình. Thẩm phán Nguyễn Thị Mỹ Hạnh, Phó Chánh án TAND TP. Phúc Yên kể một vụ việc mới hòa giải thành: Ông Bắc và ông Giải là hai anh em ruột, trú tại phường Phúc Thắng, do tranh chấp tài sản thừa kế là đất và nhà ở. Vụ việc trở nên phức tạp khi vụ án còn chưa ngã ngũ thì ông Bắc và ông Giải đột ngột qua đời. Bà Điền (vợ ông Giải) và bà Yến (vợ ông Bắc) tiếp tục đâm đơn kiện. Với sự công tâm, lý lẽ và kiến thức pháp luật cùng sự hiểu biết xã hội, nắm bắt diễn biến tâm lý, Thẩm phán đã giải thích cặn kẽ cho từng đương sự hiểu về quyền lợi, nghĩa vụ của họ trong từng vụ án, khi họ nhận thấy đúng sai, tự thỏa thuận hoặc rút đơn kiện…Cuối cùng, chị đã hoà giải thành công và hai bên đã đi đến thỏa thuận và tự rút đơn, tình cảm gia đình được gắn kết, anh em hòa thuận như xưa.         

Ngoài những thành công trong nghề, các nữ Thẩm phán cũng đối mặt với không ít khó khăn, vất vả. Án dân sự không chỉ nhiều mà phần lớn các vụ việc được đều có tính chất phức tạp. Bởi vậy, không chỉ áp lực về tiến độ, thời gian, các nữ Thẩm phán phải áp dụng đúng kiến thức pháp luật, vận dụng linh hoạt các tình tiết, chứng cứ của vụ việc để đưa ra những phán quyết vừa thấu tình, đạt lý...

Dành nhiều thời gian cho công việc ở Tòa đồng nghĩa với việc sẽ hạn chế thời gian dành cho gia đình. Thậm chí, có nhiều lần các chị thường phải mang công việc về nhà. Các chị vừa chăm sóc con, vừa viết bản án. May mắn thay, các chị luôn có được sự chia sẻ, hậu thuẫn lớn lao của các thành viên trong gia đình.

Áp lực từ công việc, từ xã hội đã không làm các nữ Thẩm phán chùn bước. Họ luôn làm việc với tinh thần độc lập với cái tâm chính trực. Bằng tình yêu nghề, với bản lĩnh và trí tuệ, dám đối mặt với hiểm nguy, vượt qua những cám dỗ về vật chất để đem công lý đến với mọi người.

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện về những nữ thẩm phán