Chính trị

Hoàn thiện quy định về giải quyết tố cáo trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Duy Tuấn 27/05/2024 - 18:26

Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) về thẩm quyền giải quyết tố cáo về bảo hiểm xã hội để chỉnh lý, bảo đảm rõ ràng.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, chiều 27/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) (sửa đổi).

toancanh4.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

Quy định còn chưa đủ rõ, dẫn đến cách hiểu khác nhau

Về các quy định liên quan đến khiếu nại, tố cáo về BHXH, đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ 6, dự thảo Luật tại các Điều 130, 131 đã được chỉnh lý một bước.

Theo đó, đã phân định rõ hơn và quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, quy trình giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi hành chính trong lĩnh vực BHXH, quyết định, hành vi về BHXH của cơ quan BHXH. Việc chỉnh lý này bảo đảm phù hợp với vị trí pháp lý đặc thù của hệ thống cơ quan BHXH.

Đối với quy định về tố cáo, giải quyết tố cáo về BHXH tại khoản 1 Điều 132 dự thảo Luật quy định: Cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH. Theo đại biểu, quy định này là chưa đủ rõ, dễ dẫn đến cách hiểu khác nhau.

dodcuhien.jpeg
Đại biểu Đỗ Đức Hiển - Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh.

Cụ thể, nếu coi chấp hành quy định pháp luật là hoạt động gắn với chức năng thanh tra chuyên ngành của BHXH thì thẩm quyền giải quyết tố cáo của BHXH là rất hẹp vì dự thảo Luật tại khoản 5 Điều 16 chỉ giao BHXH thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.

“Mặt khác, nếu coi chấp hành quy định pháp luật bao gồm cả hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước thì quy định này có phần trùng dẫm với các quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (khoản 5 Điều 137), của Bộ Tài chính (khoản 2 Điều 138) và của UBND các cấp (điểm d khoản 2 Điều 139). Đồng thời, quy định này cũng chưa thống nhất với quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức quy định tại khoản 1 Điều 41 Luật Tố cáo”, đại biểu Đỗ Đức Hiển phân tích.

Do đó, đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo về BHXH để chỉnh lý, bảo đảm rõ ràng, không trùng dẫm, theo hướng: Việc tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ về BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo. Cơ quan BHXH có trách nhiệm giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc chấp hành quy định của pháp luật về BHXH, trừ hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

toancanh2.jpeg
Các đại biểu tham dự phiên họp.

Đại biểu kỳ vọng, với cách quy định này, “việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm trước năm 1995 sẽ thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện, cần bổ sung quy định giao Chính phủ quy định chi tiết việc tố cáo và giải quyết tố cáo về BHXH của BHXH ”.

Quy định thống nhất với các luật có liên quan

Cùng quan điểm với đại biểu Hiển, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang chỉ rõ, thực tế giải quyết thời gian qua cho thấy, người lao động phải chờ lâu thậm chí phải tạm dừng, không được thụ hưởng chế độ do vướng mắc về hồ sơ, thủ tục xác nhận từ phía cơ quan nhà nước.

dothivietha1.jpeg
Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang.

“Số lượng đối tượng được giải quyết hưởng BHXH hàng tháng trước năm 1995 là 1,2 triệu người, số người lao động có thời gian công tác trước năm 1995 khoảng 2 triệu người. Do đó, dự báo việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến nhóm lao động này sẽ còn tiếp tục phát sinh nếu không có quy định và giải pháp phù hợp, thỏa đáng”, đại biểu Hà nói.

Đại biểu Hà đề nghị tại khoản 1, khoản 2 Điều 130 “quy định rõ việc giải quyết khiếu nại, quyết định việc xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan BHXH được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, trừ trường hợp việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính trong hoạt động thanh tra thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra”.

toancanh3.jpeg
Kết luận nội dung phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, đã có 55 ý kiến ĐBQH phát biểu, trong đó có 2 ý kiến tranh luận. Không khí thảo luận sôi nổi, dân chủ, các đại biểu phát biểu thẳng thắn, sâu sắc, cụ thể, thể hiện trí tuệ và trách nhiệm cao.

Về việc cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh giải quyết tố cáo, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà đề xuất, “không quy định cơ quan BHXH cấp tỉnh là cơ quan tham mưu đang được quy định trong dự thảo Luật lần này”.

Chốt lại, đại biểu Hà, đề nghị “quy định một cách phù hợp, thống nhất với quy định của Luật có liên quan và phải giải quyết được các khó khăn, vướng mắc hiện nay cũng như các vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoàn thiện quy định về giải quyết tố cáo trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)