Thực hiện tăng cường hội nhập và hợp tác quốc tế và triển khai chiến lược cải cách tư pháp và cải cách hành chính, trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều luật, văn bản dưới luật, văn bản áp dụng pháp luật để điều chỉnh hoạt động dẫn độ.
Theo thống kê, đến hết tháng 5/2019, số đối tượng có lệnh truy nã đỏ của Interpol có thông tin lẩn trốn vào Việt Nam là 317 đối tượng. Căn cứ quy định của Luật TTTP năm 2007, áp dụng điều ước quốc tế (ĐƯQT) và áp dụng pháp luật có liên quan, Bộ Công an đã tiếp nhận và xử lý 23 yêu cầu dẫn độ (YCDĐ) của nước ngoài. Đã chuyển TAND có thẩm quyền xem xét, giải quyết 17 YCDĐ.
Tính đến tháng 5/2019, Việt Nam hiện có trên 1200 đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài, trong đó có 235 đối tượng đã bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ, nhiều đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Bộ Công an đã lập và chuyển 35 hồ sơ YCDĐ đến cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
Theo thống kê của Bộ Công an, tính đến tháng 7/2019, Việt Nam là thành viên của 22 ĐƯQT đa phương, 11 hiệp định TTTP song phương có quy định về dẫn độ và 12 hiệp định song phương chuyên biệt về dẫn độ. Việt Nam hiện đang tuyên bố không coi 10/22 ĐƯQT đa phương nêu trên là cơ sở pháp lý trực tiếp về dẫn độ. Cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện có hiệu quả các ĐƯQT về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên, minh chứng bằng số lượng các YCDĐ trên cơ sở ĐƯQT đã giải quyết thành công chiếm tỷ lệ cao trong tổng số các YCDĐ.
Ảnh minh họa
Trên thực tế, các ĐƯQT nói chung và các hiệp định về dẫn độ nói riêng có vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xung đột pháp luật giữa các quốc gia, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia có thể căn cứ để triển khai thực hiện các nhiệm vụ hợp tác trong hoạt động dẫn độ. Vì vậy, cần tăng cường ký kết và áp dụng các ĐƯQT song phương về dẫn độ đã, đang và sẽ là yêu cầu tất yếu nhằm củng cố cơ sở pháp lý hợp tác cho hoạt động này. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hơn nữa các quy định của pháp luật trong nước liên quan đến công tác dẫn độ nhằm phù hợp với các công ước quốc tế, ĐƯQT về dẫn độ mà Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.
Các quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục dẫn độ theo pháp luật Việt Nam được quy định cụ thể tại Bộ Luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và Luật TTTP. Tuy nhiên, hoạt động dẫn độ còn chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản pháp luật khác như Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 quy định về tội phạm và hình phạt, Luật Thi hành án hình sự năm 2010, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Khiếu nại năm 2011, Luật Tố cáo năm 2011, Luật Quốc tịch năm 2008, Luật Đặc xá năm 2018, Luật Cư trú năm 2006… và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Luật TTTP dành riêng một chương (Chương IV), gồm 17 điều (từ Điều 32 đến Điều 48) quy định về dẫn độ, từ phạm vi và các trường hợp bị dẫn độ, các trường hợp từ chối dẫn độ, trình tự, thủ tục YCDĐ và thực hiện YCDĐ, hoãn thi hành dẫn độ và dẫn độ tạm thời, dẫn độ lại, chuyển giao đồ vật, vật chứng liên quan đến vụ án, quá cảnh, chi phí… Luật TTTP đã quy định chi tiết, cụ thể hơn về trình tự, thủ tục thực hiện dẫn độ tại Việt Nam cũng như phân công trách nhiệm của các bộ, ngành hữu quan nhằm bảo đảm hiệu quả, chất lượng công tác.
Tuy nhiên, thực tiễn triển khai cho thấy, nhiều quy định của Luật TTTP chưa phù hợp với các ĐƯQT đa phương và song phương có quy định về dẫn độ mà Việt Nam là thành viên, thông lệ pháp lý quốc tế cũng như thực tiễn xử lý các vụ việc dẫn độ của Việt Nam. Nhiều trường hợp chưa được quy định trong Luật dẫn đến việc các cơ quan có thẩm quyền khó khăn, lúng túng trong xử lý.
BLTTHS năm 2015 có một phần riêng về hợp tác quốc tế (Phần thứ tám) gồm 02 chương (Chương XXXV và XXXVI), 18 điều (từ Điều 491 đến Điều 508), trong đó quy định về phạm vi và nguyên tắc hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, xử lý trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn để bảo đảm cho việc xem xét YCDĐ hoặc thi hành quyết định dẫn độ.
Đặc biệt, Điều 493 quy định: “Bộ Công an là Cơ quan trung ương của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong hoạt động dẫn độ” đã tạo cơ sở pháp lý xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động dẫn độ.
BLHS năm 2015 quy định về tội phạm và hình phạt, làm cơ sở xem xét các YCDĐ. Pháp luật Việt Nam không quy định cụ thể các tội phạm bị dẫn độ mà quy định theo hướng chỉ dẫn độ trong trường hợp hành vi phạm tội bị YCDĐ được BLHS quy định hình phạt tù có thời hạn, chung thân hoặc tử hình, do vậy, khi xem xét các YCDĐ, cần căn cứ vào các quy định của BLHS để xác định hình phạt áp dụng đối với hành vi phạm tội bị YCDĐ có đáp ứng yêu cầu này hay không, hành vi phạm tội được thực hiện ở nước ngoài có cấu thành tội phạm theo quy định trong BLHS của Việt Nam hay không (nghĩa là có bảo đảm nguyên tắc tội phạm kép hay không). Đồng thời, BLHS cũng quy định về thời hiệu, thẩm quyền tài phán, phạm vi áp dụng… là các cơ sở quan trọng để xem xét và thực hiện YCDĐ.