Văn hóa - Du lịch

Hình thành văn hóa đọc từ hoạt động lì xì sách

Kim Sáng 11/02/2024 - 15:03

"Từ một bạn đọc yêu sách sẽ lan tỏa đến nhiều người yêu sách khác và cứ thế thói quen lì xì sách chắc chắn được lan rộng, văn hóa đọc có thể vì thế mà đi lên", Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng chia sẻ.

Lần đầu tiên Lễ hội đường sách Tết tại TP.HCM tổ chức hoạt động lì xì sách. Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) TP.HCM đã có nhiều chia sẻ về hoạt động ý nghĩa này.

425545304_350572857900625_3261349620596265222_n.jpg
Lãnh đạo tham quan không gian Lễ hội đường sách Tết.

PV: Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của việc lì xì sách trong ngày đầu năm. Vì sao năm nay Ban Tổ chức quyết định đưa lì xì Tết vào chương trình Lễ hội đường sách?

Ông Lâm Đình Thắng: Với quyết tâm đổi mới, phong phú thêm các hoạt động văn hóa mỗi dịp Tết đến xuân về, thời gian qua đã có nhiều đề xuất xây dựng nét văn hóa “Lì xì sách”. Sở TT&TT nhận thấy, đây là một hoạt động ý nghĩa, thiết thực cho mục tiêu phát triển văn hóa đọc của thành phố.

Lì xì là một phong tục truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên đán nhằm trao lộc đầu năm, mong cầu may mắn, hạnh phúc và phát triển.

425499188_350572777900633_8963972725590476135_n.jpg
Ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM.

Cùng với phong tục lì xì Tết, lì xì bằng sách hay còn gọi là “lì xì sách Tết” là một nét đẹp văn hóa đã có từ lâu đời, tuy nhiên theo vòng tuần hoàn của thời gian, tặng sách, lì xì sách đã dần bị mờ nhạt.

Đến nay, văn hóa đọc và phát triển văn hóa đọc ngày càng được quan tâm và được xem là nhiệm vụ quan trọng, có ý nghĩa thiết thực đối với việc đổi mới, nâng cao giá trị tri thức và bản sắc văn hóa, đặc biệt là văn hóa đọc, từ đó, góp phần xây dựng bản sắc của người dân, thanh thiếu niên thành phố.

Lì xì sách không chỉ là một hoạt động truyền thống mà còn là thông điệp về sự trân trọng tri thức, niềm hân hoan và những kỳ vọng cho một năm mới đầy phấn khởi.

Tại Lễ hội đường sách Tết năm 2024, hơn 16.000 bản sách được trao tặng du khách trong ngày khai xuân đầu năm, như lời cảm ơn và lời chúc may mắn, tốt lành của Ban Tổ chức và các đơn vị xuất bản, phát hành gửi đến bạn đọc.

426382767_350991804525397_5062441185593645448_n.jpg
Người dân tham quan Lễ hội đường sách Tết.

PV: Từ hoạt động lì xì sách có thể lan tỏa văn hóa đọc như thế nào thưa ông?

Ông Lâm Đình Thắng: Hành động lì xì sách là một tín hiệu tốt và cần được nhân rộng hơn nữa. Tại Lễ hội đường sách Tết năm nay, Ban Tổ chức rất phấn khởi khi các đơn vị Nhà xuất bản, phát hành đã đồng hành thực hiện hoạt động này.

Những năm gần đây, bạn đọc ở mọi lứa tuổi đã quan tâm nhiều hơn sách, chú trọng sách và trao tặng nhau những quyển sách như một món quà ý nghĩa dịp đầu năm.

Từ một bạn đọc yêu sách sẽ lan tỏa đến nhiều người yêu sách khác và cứ thế thói quen lì xì sách chắc chắn được lan rộng, văn hóa đọc có thể vì thế mà đi lên.

426563743_350991644525413_1381592551713096537_n.jpg
Đường sách thu hút đông đảo người dân, du khách đến tham quan dịp Tết.

Hiện nay ngành xuất bản, phát hành và các hoạt động phát triển văn hóa đọc của thành phố rất phong phú với nhiều chủ đề và nội dung khác nhau, lì xì sách là một nét văn hóa đẹp, vì thế chúng ta nên lựa chọn quyển sách để lì xì cho phù hợp với từng đối tượng, từ đó xây dựng thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phát triển phong trào đọc sách trong người dân, đặc biệt là đối tượng thanh, thiếu nhi góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn.

PV: Vì sao chúng ta cần xây dựng thói quen đọc sách ngay từ khi trẻ còn nhỏ?

Ông Lâm Đình Thắng: Trong giai đoạn nào, văn hóa đọc vẫn chiếm vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển dân trí, thúc đẩy giáo dục nên việc lắng nghe nguyện vọng của các em là điều rất cần thiết.

Các Sở, ban, ngành cần có trách nhiệm, các bậc phụ huynh cần thấu hiểu, lắng nghe nhiều hơn những ý kiến, nguyện vọng và nhu cầu của các em về những vấn đề liên quan đến việc học tập, giải trí, sáng tạo và sự phát triển toàn diện của thiếu nhi.

Cạnh đó, cần đẩy mạnh giải pháp, nâng cao nhận thức thực hiện các quyền trẻ em, đặc biệt quyền được tiếp cận thông tin đầy đủ, kịp thời, phù hợp, về sở thích, loại sách yêu thích để tạo lập thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc ngay từ nhỏ.

Xây dựng, phát triển văn hóa đọc là một trong những chủ trương quan trọng được TP.HCM kiên trì thực hiện, đầu tư trong nhiều năm qua.

Đối với thanh thiếu nhi, lãnh đạo thành phố càng dành sự quan tâm đặc biệt, tạo mọi điều kiện để thanh thiếu nhi có thể phát triển đạo đức, văn hóa, kỹ năng, tri thức từ sách.

12.jpg
Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TP.HCM Lâm Đình Thắng lì xì sách cho bạn đọc.

Những năm qua, Sở TT&TT đã tổ chức ngày càng nhiều, càng rộng các hoạt động xây dựng thói quen đọc sách, phát triển văn hóa đọc trong thanh thiếu nhi thành phố.

Sở cũng tổ chức nhiều hoạt động bổ ích, giới thiệu những tựa sách hay, ý nghĩa được chọn lọc đến bạn đọc nhí, đáp ứng nhu cầu đọc sách của các em thiếu nhi ở tất cả các hoạt động như Lễ hội đường sách Tết, Ngày sách và văn hóa đọc, đặc biệt là Hội sách thiếu nhi hàng năm.

Thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp, chủ động trong phát triển văn hóa đọc cho thiếu nhi trên địa bàn thành phố, tạo sự thống nhất trong chủ trương, công tác triển khai, phương thức thực hiện giữa Sở TT&TT, Sở Giáo dục và Đào tạo, Thành đoàn thông qua kết hợp đa dạng các nội dung chương trình giao lưu, ra mắt sách, điểm nhấn là các sự kiện, chương trình tọa đàm, diễn đàn nhằm lắng nghe, quy tụ, thảo luận về các giải pháp, mô hình góp phần hình thành, tạo lập thói quen đọc sách.

Lễ hội đường sách Tết Giáp Thìn với chủ đề “Xuân yêu thương - Tết sum vầy” diễn ra đến hết ngày 14/2 (Mùng 5 Tết) tại tuyến đường Lê Lợi (từ Nguyễn Huệ đến bùng binh Quách Thị Trang), quận 1.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hình thành văn hóa đọc từ hoạt động lì xì sách