Hãy ở yên khi Tổ quốc cần

Thanh Phương| 26/07/2021 12:49
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Sao phải xa xứ? Đó là câu hỏi không dễ trả lời. Trong thời điểm bình thường, sự dịch chuyển dân cư tới các đô thị lớn được xem là tất yếu. Đại dịch Covid-19 diễn ra, ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Không ít người đã vội vàng trở về quê hương để tránh dịch. Lựa chọn này có thực sự hợp lý, khả quan?

Trên cộng đồng mạng liên tục đưa các thông tin về những trường hợp éo le như 4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An. Bốn mẹ con từ Nghệ An vào Đồng Nai làm thuê, do dịch bệnh thất nghiệp nên quyết định đi xe đạp về quê. Sau 10 ngày đạp xe, 4 mẹ con đi được gần 300 km từ Trảng Bom (Đồng Nai) đến Ninh Phước (Ninh Thuận). Nếu đạp xe với tốc độ như những ngày qua, họ sẽ mất thêm khoảng 40 ngày nữa mới về đến nhà. Một số mạnh thường quân đã hỗ trợ mua vé tàu cho những người này trở về nhà.

a1roihcm.jpg
Người dân rời TP HCM bằng xe máy

Khi các phương tiện vận tải như máy bay, xe khách đều bị hạn chế tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội thì người dân lựa chọn phương án đi xe máy. Ngày 25/7, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đã phối hợp với các đơn vị bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho đoàn gần 40 người đi xe máy từ thành phố Hồ Chí Minh về quê qua địa bàn. Trong đoàn người này, đa số là người dân ở một số huyện trên địa bàn Nghệ An, Thanh Hóa và một số tỉnh phía Bắc như Nam Định, Thái Bình… Với quãng đường trên dưới 1.300km, thời tiết nắng, mưa thất thường quả là gian nan.

Trong ngày 25/7, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa 99 người Huế đi xe máy từ TP HCM về quê đến cách ly tập trung tại Khung T6 ở KTX Đại học Huế, TP Huế. Những người này đi trên 56 xe máy và cùng nhập với đoàn 130 người, gồm 87 xe máy, trong đó có 1 người tỉnh Quảng Trị, 25 người/14 xe ở Nghệ An, 1 người/1 xe ở Hà Tĩnh cùng nhau trở về từ TP HCM. Hơn 2 ngày di chuyển liên tục trên xe máy đã làm cho nhiều người trong đoàn rất mệt mõi.

Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã dẫn đường, hộ tống những người Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh hành trình qua khỏi địa phận tỉnh Thừa Thiên - Huế để về quê an toàn.

Người dân ở các tỉnh lân cận TP HCM cũng đang tự phát di chuyển về quê bằng các phương tiện cá nhân khiến cho lực lượng chống dịch Covid-19 càng thêm khó khăn. Quá trình điều tra, truy vết khi xuất hiện ca bệnh là rất phức tạp, khó triệt để. Khi trở về địa phương, những người dân này phải đi cách ly tập trung. Với thể trạng đã bị mài mòn trong hành trình dài trên đường rất dễ bị vi rút tấn công. 

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên khẳng định: "Chúng ta đều hiểu trong những ngày giãn cách, đồng bào thành phố nói chung và bà con lao động nghèo nói riêng gặp nhiều biến cố. Ta tập trung đáp ứng nhu cầu thiết yếu của bà con, ở đâu còn người thiếu ăn thiếu mặc là lỗi của Bí thư, Chủ tịch phường đó xã đó".

Qua 16 ngày, TP HCM tập trung đầu tư cho lực lượng truy vết lấy mẫu và hệ thống điều trị, hiện đã có 19 bệnh viện dã chiến, chuẩn bị cho 50.000 ca nhiễm. Huy động các nguồn lực y bác sĩ, với gần 10.000 người và trang thiết bị y tế. Bộ Y tế cũng huy động 4.000 bác sĩ, nhân viên y tế của tuyến trung ương và các tỉnh để chi viện cho thành phố.

Người đứng đầu TP HCM cũng thẳng thắn “trước diễn biến phức tạp của dịch, không thể tránh khỏi những bị động, lúng túng, hạn chế, khuyết điểm cả trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tổ chức thực hiện. Việc giãn cách của người dân có lúc có nơi không nghiêm làm ảnh hưởng đến hiệu quả phòng, chống dịch. Tất cả công sức, hy sinh những ngày qua chỉ nhằm mục tiêu tối thượng là giữ mạng sống con người, giảm tỉ lệ tử vong, bảo vệ hệ thống y tế không bị suy kiệt. Đồng thời bảo vệ sức khỏe của nền kinh tế, hệ thống an sinh xã hội, không để gánh chịu một di chứng lâu dài, để thành phố sớm trở lại nhịp sống bình thường mới.”, ông Nên nói.

Thấu hiểu với những khó khăn của TP HCM đang đối mặt, các địa phương như Thanh Hóa, Nghệ An, Huế… đã quyên góp, ủng hộ hàng nghìn tấn hàng hóa, rau củ, lương thực thết yếu, tiền mặt để gửi vào miền Nam. Các chuyến tàu, máy bay đón người thuộc đối tượng ưu tiên trở về quê hương đã được triển khai ở nhiều tỉnh, thành. Số lượng người chỉ có hạn bởi năng lực, cơ sở vật chất, con người đảm bảo trong khu cách ly tập trung, cách ly tại nhà, đội ngũ y, bác sỹ ở mỗi địa phương khác nhau.

a2roihcm.jpg
Các địa phương ủng hộ TP HCM chống dịch

Trong thời điểm này, ý thức của mỗi người là biện pháp phòng, chống dịch tốt nhất. Người dân cần bình tĩnh tuân thủ các quy định của cơ quan y tế, chính quyền địa phương. Thông qua các đường dây nóng, tổ Covid cộng đồng, Hội đồng hương và nhiều tổ chức khác để nắm bắt thông tin, cần trợ giúp nếu khó khăn hoặc phải đi tới cơ sở y tế. Mong muốn trở về quê của người dân là chính đáng nhưng phải đảm bảo phòng dịch, có trật tự và kế hoạch cụ thể. Việc tự ý di chuyển thời điểm này có thể khiến dịch bệnh lây lan nhanh hơn.

Sẽ không ai bị bỏ lại phía sau và tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 của Chính phủ, chính quyền địa phương. Hãy ở yên khi tổ quốc cần.


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hãy ở yên khi Tổ quốc cần