Ngày 24/8, ngọn lửa Paralympic Paris được thắp sáng, chuẩn bị cho hành trình dưới biển và trên đất liền, từ một ngôi làng nước Anh.
Ngày 24/8, 4 ngày trước khi Thế vận hội Paralympic Paris 2024 bắt đầu, ngọn lửa Paralympic đã được thắp sáng gần một bệnh viện ở ngôi làng Stoke Mandeville của Anh. Một nhóm vận động viên người Anh bắt đầu hành trình dưới mặt nước biển, qua Đường hầm eo biển Manche, vào 25/8. Đi được nửa đường hẩm, họ sẽ trao nó cho 24 vận động viên rước đuốc người Pháp, những người sẽ mang nó đến thành phố ven biển Calais của Pháp.
Hai tuần sau khi ngôi sao bơi lội người Pháp Léon Marchand dập tắt ngọn lửa Olympic để khép lại Thế vận hội Paris, sự chú ý giờ đây đổ dồn về thế vận hội dành cho người khuyết tật Paralympic.
Hai vận động viên Paralympic người Anh Helene Raynsford và Gregor Ewan đã thắp ngọn lửa tại Stoke Mandeville, một ngôi làng ở phía tây bắc London, nơi khai sinh ra Thế vận hội Paralympic.
Ngọn lửa sẽ được đưa đến Pháp qua eo biển Manche trong hành trình kéo dài bốn ngày từ bờ biển Đại Tây Dương đến các bãi biển Địa Trung Hải, từ dãy núi Pyrenees đến dãy Alps.
Hành trình của nó sẽ kết thúc tại Paris vào thứ Tư (28/8) trong lễ khai mạc Thế vận hội dành cho người khuyết tật, với nghi lễ thắp sáng chiếc vạc Olympic độc đáo được gắn vào khinh khí cầu bay qua thủ đô nước Pháp vào mỗi buổi tối trong suốt 11 ngày diễn ra cuộc thi.
Lễ thắp sáng Ngọn lửa Di sản Paralympic được tổ chức tại Buckinghamshire, nơi Thế vận hội Stoke Mandeville lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1948 cho một nhóm nhỏ các vận động viên ngồi xe lăn bị thương cột sống trong Thế chiến thứ II.
Ý tưởng này của Ludwig Guttmann, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh người Do Thái chạy trốn khỏi Đức Quốc xã và làm việc tại bệnh viện Stoke Mandeville của Anh. Vào thời điểm đó, bị thương ở cột sống được coi là án tử hình và bệnh nhân không được phép di chuyển. Bác sĩ Guttmann đã bắt bệnh nhân ngồi dậy và vận động cơ, và đưa ra ý tưởng về cuộc thi như một cách để giữ động lực cho họ.
Andrew Parsons, Chủ tịch Ủy ban Paralympic quốc tế phát biểu tại lễ thắp sáng hôm 24/8 đã nhắc đến bác sĩ Guttmann: "Tôi không biết các bạn thế nào, nhưng tôi có thể cảm nhận được sự hiện diện của ông ấy ở đây hôm nay, rất rõ ràng".
Chủ tịch Ủy ban tổ chức Paris 2024 Tony Estanguet cho biết, 2 tuần sau khi bế mạc Thế vận hội, thủ đô nước Pháp "tự hào và phấn khích" khi đăng cai tổ chức kỳ Paralympic thứ 17 - lần đầu tiên tại Pháp.
Estanguet cho biết: "Chúng tôi "sẵn sàng biến sự kiện này trở nên độc đáo và đáng nhớ đối với nước Pháp và toàn thế giới".
Thế vận hội Stoke Mandeville sau đó phát triển thành Thế vận hội dành cho người khuyết tật đầu tiên, diễn ra tại Rome vào năm 1960. Lễ trao Ngọn lửa di sản tại Stoke Mandeville lần đầu tiên được tổ chức trước Thế vận hội dành cho người khuyết tật London vào năm 2012.
Ngọn lửa sẽ vượt biển vào ngày 25/8 giống như ngọn lửa Olympic đã từng đến Pháp từ Hy Lạp vào tháng 5, nhưng lần này sẽ đi qua Đường hầm eo biển Manche để đánh dấu sự khởi đầu của cuộc tiếp sức Paralympic.
Một nhóm gồm 24 vận động viên người Anh sẽ bắt đầu hành trình dưới nước qua đường hầm dài 50k. Giữa chặng đường, họ sẽ trao ngọn lửa cho 24 vận động viên người Pháp, những người sẽ mang nó vào bờ ở Calais. Ngọn lửa sẽ được dùng để thắp sáng 12 ngọn đuốc, tượng trưng cho 11 ngày thi đấu và lễ khai mạc.
Khi đến đất Pháp, 12 nhánh của ngọn lửa sẽ hướng về những hướng khác nhau để khởi động lại Thế vận hội Paris và hướng đến mục tiêu khơi dậy lại lòng nhiệt thành dành cho Thế vận hội.
Trong số 1.000 người cầm đuốc sẽ có các cựu vận động viên Paralympic, các vận động viên khuyết tật trẻ, các tình nguyện viên từ liên đoàn Paralympic, những người sáng tạo công nghệ hỗ trợ tiên tiến, những người cống hiến cuộc đời mình cho những người khuyết tật và những người làm việc trong lĩnh vực phi lợi nhuận để hỗ trợ người chăm sóc.
Họ sẽ mang ngọn lửa đến 50 thành phố trên khắp cả nước để tôn vinh những cộng đồng cam kết thúc đẩy sự hòa nhập trong thể thao và nâng cao nhận thức về cuộc sống của người khuyết tật.
Một ngọn lửa đặc biệt được thắp sáng tại Paris vào ngày 25/8 để kỷ niệm 80 năm ngày giải phóng thủ đô nước Pháp khỏi sự chiếm đóng của Đức Quốc xã trong Thế chiến II.
Lễ rước đuốc sẽ làm đi qua những địa điểm cam kết phát triển thể thao dành cho người khuyết tật, cũng như những nơi mà các vận động viên Paralympic nổi tiếng lớn lên, chẳng hạn như Lorient, quê hương của vận động viên đua thuyền giành huy chương vàng Paralympic hai lần Damien Seguin. Nó cũng sẽ dừng lại ở Blois, nơi có một khu liên hợp thể thao được đặt theo tên của vận động viên điền kinh Paralympic Marie-Amélie Le Fur, người đã giành được 2 huy chương, bao gồm 2 huy chương vàng tại Paralympic năm 2016 được tổ chức taị Rio de Janeiro.
Cuộc chạy tiếp sức sẽ đi qua Châlons-en-Champagne, nơi có phòng tập thể dục duy nhất tại Pháp được thiết kế để tạo điều kiện tiếp cận thể thao cho những người khuyết tật trí tuệ. Và Rouen, Chartres và Troyes, nơi cung cấp nhiều môn thể thao, từ khúc côn cầu trên băng đến quần vợt dành cho người khuyết tật, ba môn phối hợp dành cho người khuyết tật, bóng chày thích nghi và leo núi dành cho người khuyết tật.
Ngọn lửa sẽ dừng lại ở Chambly, nơi có 3 cơ sở thể thao được cải tạo cho thể thao dành cho người khuyết tật và từng là địa điểm trại huấn luyện bên cạnh Deauville và Antibes.
Vào ngày 28/8, 12 ngọn lửa sẽ lại hợp nhất khi cuộc rước đuốc kết thúc tại trung tâm Paris sau khi ghé thăm các di tích lịch sử dọc theo các đại lộ và quảng trường nổi tiếng của thành phố trước khi thắp sáng ngọn lửa trong chương trình khai mạc kéo dài 3 tiếng.
Chiếc vạc này là chiếc vạc đầu tiên trong lịch sử Olympic được thắp sáng mà không cần sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nó sử dụng nước và ánh sáng điện và được gắn vào một quả bóng bay. Nó đã có chuyến bay đầu tiên tuyệt đẹp tại lễ khai mạc Olympic.
Mỗi ngày của Thế vận hội dành cho người khuyết tật, chiếc vạc sẽ bay cao hơn 60m trên vườn Tuileries từ lúc hoàng hôn cho đến 2 giờ sáng.