Bào chữa cho thân chủ là bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế, luật sư Trần Nam Long cho biết có 140 đồng nghiệp, trong đó có hơn 40 giáo sư, phó giáo sư đầu ngành, các học trò xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo này. Bên cạnh đó, ông Long cũng đang mắc nhiều bệnh hiểm nghèo.
Luật sư Trần Nam Long, người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, việc ông Long và các bị cáo làm công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế làm sai đều nằm trong bối cảnh đặc thù, đòi hỏi phải có cách xử lý chưa từng có tiền lệ.
Theo luật sư, toàn bộ các sai phạm bị cáo buộc đều diễn ra vào thời điểm tháng 3/2020, khi mà tình hình dịch COVID-19 đã lan rộng ra nhiều nước và một số nước có diễn biến cực kỳ phức tạp.
Liên quan đến sai phạm trong quá trình cấp phép tạm thời, theo luật sư, tại thời điểm đó, ông Nguyễn Thanh Long mới làm việc tại Bộ Y tế với tư cách là Thứ trưởng được khoảng 1 tuần. Do đó, tại thời điểm sự kiện cấp phép tạm thời diễn ra, bị cáo Long không hề tiếp cận hồ sơ cấp phép, không nắm được quy trình cấp phép.
Về vấn đề hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương, luật sư dẫn chứng sự phân công trong Ban cán sự đảng Bộ Y tế, trong lãnh đạo bộ và trong Ban Chỉ đạo Trung ương, việc hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương đã được giao cho Thứ trưởng Trương Quốc Cường phụ trách. Với vị trí là Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, ông Long chỉ là người ký Quyết định thành lập tổ công tác hiệp thương giá.
Với những tình tiết trên, luật sư rất mong HĐXX và VKS xem xét lại cáo buộc thân chủ đã có hành vi “…không chỉ đạo xử lý, ban hành kết luận kiểm tra, rút đăng ký lưu hành”.
Liên quan đến số tiền 2,25 triệu USD bị cáo Long đã nhận từ Phan Quốc Việt, luật sư cho hay căn cứ bối cảnh, thời gian của việc nhận tiền, có cơ sở nhận định rằng bị cáo Nguyễn Thanh Long không có hành vi đòi hỏi, gợi ý, yêu cầu.
Tại tòa, luật sư cho biết ở thời điểm việc cấp kit xét nghiệm tạm thời, chỉ đạo hiệp thương giá và các sự kiện khác diễn ra, bị cáo Long đã thực hiện nhiệm vụ một cách không vụ lợi. Phan Quốc Việt đưa tiền là sự cảm ơn sau khi việc kinh doanh sản phẩm kit xét nghiệm có lợi nhuận.
Liên quan tới các tình tiết giảm nhẹ, luật sư Nam Long nhấn mạnh việc gia đình bị cáo Long đã giao nộp toàn bộ số tiền đã nhận ngay trong giai đoạn điều tra, thể hiện sự ăn năn hối cải, quyết tâm khắc phục hoàn toàn hậu quả.
Ngoài ra, luật sư nêu rõ hiện bị cáo Long mắc nhiều bệnh hiểm nghèo. Luật sư cũng đã nhận được văn bản từ hơn 140 đồng nghiệp thân thiết, trong đó có hơn 40 giáo sư, phó giáo sư đầu ngành hiện nay và đơn giảm nhẹ hình phạt của những người học trò đã được cựu Bộ trưởng chỉ dạy.
Trong phần luận tội và đề nghị mức án trước đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Thanh Long mức án từ 19 – 20 năm tù về tội “Nhận hối lộ”.
Theo VKS, bị cáo Long đã lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp, chỉ đạo tới các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giúp Việt Á xuyên suốt trong quá trình cấp số đăng ký lưu hành tạm thời, chính thức cho kit xét nghiệm trái quy định của pháp luật.
Bào chữa cho bị cáo Chu Ngọc Anh (cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN), luật sư Nguyễn Văn Chiển đề nghị HĐXX cho bị cáo Chu Ngọc Anh được hưởng mức án bằng thời hạn tạm giam. Bị cáo Chu Ngọc Anh bị tạm giam từ ngày 7/6/2022.
Theo luật sư Nguyễn Văn Chiển, bị cáo Chu Ngọc Anh đã thừa nhận hành vi và chỉ mong HĐXX xem xét bối cảnh khách quan, đánh giá toàn diện vụ án.
Trong phần bào chữa, luật sư Chiển cho rằng các hành vi của ông Chu Ngọc Anh đều diễn ra trong tình huống khẩn cấp, mọi việc đều phải giải quyết trong tình huống cấp bách nên tính đúng hay sai rất khó phân định.
Trong vụ án này, theo luật sư, thân chủ của mình có lỗi sai nhưng không nguy hiểm đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo Chu Ngọc Anh được hưởng mức án bằng thời hạn tạm giam.
Trong phần luận tội và đề nghị mức án trước đó, đại diện VKS đã đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Chu Ngọc Anh mức án từ 3 - 4 năm tù về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.