Theo thống kê của cơ quan chức năng, đến nay vẫn còn hàng nghìn người Thanh Hóa đang cư trú, lao động bất hợp pháp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho chính lao động, khi xảy ra rủi ro sẽ khó được bảo hộ, các nước hạn chế tuyển dụng lao động của các địa phương có tỷ lệ bỏ trốn cao.
Hàng nghìn lao động cư trú, lao động bất hợp pháp
Thời gian qua, nhằm thúc đẩy mở cửa, hội nhập, nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, đơn giản hóa thủ tục hành chính để thu hút khách du lịch, lao động nước ngoài... (đặc biệt là chính sách về xuất nhập cảnh).
Đây là cơ hội để các doanh nghiệp lữ hành, xuất khẩu lao động tăng cường hoạt động mở rộng thị trường, tổ chức cho nhiều lượt công dân xuất cảnh ra nước ngoài du lịch, thăm thân, xuất khẩu lao động... Tuy nhiên, bên cạnh đó đã xuất hiện tình trạng lợi dụng chính sách mới về xuất nhập cảnh để xuất cảnh ra nước ngoài với mục đích trốn ở lại lao động bất hợp pháp thông qua con đường du lịch, thăm thân, xuất khẩu lao động.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Bộ Công an đã phát hiện và xử lý khoảng 20 vụ việc, với hàng chục đối tượng môi giới, tổ chức cho gần 200 trường hợp công dân Việt Nam thông qua con đường du lịch để trốn ở lại nước ngoài. Việc này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ đối ngoại giữa Việt Nam với các nước, dẫn đến việc điều chỉnh các chính sách đối với Việt Nam trên lĩnh vực du lịch và trong việc tiếp nhận lao động.
Trong năm 2023, trên địa bàn Thanh Hóa có gần 1.000 công dân xuất cảnh ra nước ngoài thăm thân, du lịch, giải quyết việc riêng, trên 14.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hơn 2.600 công dân cư trú, lao động bất hợp pháp tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ (tập trung tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và một số nước Châu Âu).
Xử lý nhiều doanh nghiệp, cá nhân vi phạm
Trên địa bàn có 21 công ty du lịch lữ hành có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, hơn 60 doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động. Trong những năm qua, Công an tỉnh đã điều tra, xử lý 1 công ty du lịch và 4 đối tượng tổ chức cho người khác trốn ở lại Hàn Quốc thông qua con đường du lịch; 1 công ty môi giới xuất khẩu lao động và 1 cá nhân có dấu hiệu nghi vấn môi giới đưa người đi làm việc tại các công ty đánh bạc trực tuyến tại Philipines và Thái Lan thông qua con đường du lịch.
Có 4 trường hợp đi du lịch Đài Loan theo chương trình visa đặc biệt năm 2019 trốn ở lại (vụ 148/152 khách du lịch Việt Nam trốn ở lại); 23 trường hợp công dân Thanh Hóa xuất cảnh bằng hình thức du lịch sang Philipines và Myanmar làm việc tại các công ty Trung Quốc bị lừa bán vào các casino; 03 trường hợp lấy danh nghĩa lãnh đạo doanh nghiệp đi theo đoàn công tác của VCCI Thanh Hóa thăm, làm việc tại thành phố Seongnam - Hàn Quốc.
Các đối tượng lợi dụng những kẽ hở trong chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh, du lịch của Việt Nam và các nước như: chính sách miễn thị thực; chính sách visa tiên tiến (Đài Loan); sự đơn giản trong thủ tục xuất cảnh, làm giấy tờ giữa Việt Nam và các nước biên giới giáp nhau (giấy thông hành sang Trung Quốc); đi du lịch sang các nước miễn visa (Thái Lan, Lào) sau đó trốn sang nước thứ 3.
Chính sách ngầm của một số nước “cho phép” khách du lịch được trốn ở lại một lượng nhất định do sự thiếu hụt về lao động. Quá trình thực hiện các đối tượng môi giới hoặc thân nhân của công dân đang cư trú tại nước ngoài xin visa du lịch để tạo dựng hồ sơ tham dự các chương trình, sự kiện tại nước ngoài trốn ở lại lao động,
Làm giả sao kê, tài khoản ngân hàng, giả sổ đỏ nhằm chứng minh nhân thân; làm giả giấy tờ để được cấp hộ chiếu, thị thực hoặc sử dụng hộ chiếu, thị thực giả; mua lại các công ty để khách đứng tên đại diện pháp luật để tham dự các đoàn doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư của cơ quan nhà nước.
Lợi dụng việc xuất khẩu lao động trốn ra ngoài lao động tự do hoặc trốn ở lại tiếp tục lao động khi hết thời hạn lao động. Trong quá trình xuất nhập cảnh, số này hướng dẫn nội dung trả lời nhằm đối phó với cơ quan chức năng. Sau khi xuất cảnh thành công, các đối tượng môi giới sẽ bố trí người đón, đưa đến nơi cư trú và làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài.
Cần có giải pháp bài bản, quyết liệt
Dự báo trong thời gian tới, hoạt động lợi dụng du lịch, thăm thân, xuất khẩu lao động... để xuất cảnh ra nước ngoài trốn ở lại lao động bất hợp pháp nhằm né tránh các yêu cầu về đào tạo, cấp chứng chỉ nghề, ngoại ngữ, không phải chứng minh tài chính, thủ tục nhanh gọn... sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là trong bối cảnh nhu cầu lao động phổ thông ngày càng tăng tại một số nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Úc...
Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động lợi dụng du lịch, thăm thân, xuất khẩu lao động xuất cảnh ra nước ngoài trốn ở lại lao động bất hợp pháp. Quản lý chặt các công ty lữ hành, công ty xuất khẩu lao động, các tổ chức, cá nhân tiếp tay công dân xuất cảnh ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.
Tình trạng xuất cảnh ra nước ngoài cư trú, lao động trái phép chỉ được giải quyết triệt để khi giải quyết được đồng thời 3 vấn đề. Thứ nhất, người dân phải có công ăn, việc làm ổn định tại địa phương, nguồn thu nhập đủ để trang trải cuộc sống và có tích lũy.
Ai cũng có khát vọng làm giàu và gần gũi với gia đình thì càng là điều tuyệt vời nhất. Cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư có năng lực vào địa phương triển khai dự án. Đi kèm với đó là chuyển đổi nghề, đào tạo nghề phù hợp với đơn vị tuyển dụng. Khi hai bên gặp nhau sẽ giải quyết được bài toán công ăn việc làm.
Thứ hai, tuyên tuyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng môi giới đưa người đi lao động trái phép theo con đường du lịch, thăm thân, xuất khẩu lao động và những hệ lụy của việc xuất cảnh trốn ở lại nước ngoài lao động bất hợp pháp, không để các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo.
Khi công dân có nhu cầu xuất cảnh ra nước ngoài cần liên hệ với cơ quan chức năng có thẩm quyền, các công ty du lịch, xuất khẩu lao động uy tín, có giấy phép hoạt động để được hướng dẫn, tư vấn về thủ tục. Kịp thời thông báo, tố giác các đối tượng có hoạt động dụ dỗ, lôi kéo tổ chức đưa người xuất cảnh ra nước ngoài lao động bất hợp pháp để cơ quan chức năng có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp xuất khẩu lao động để đấu tranh với các hành vi lừa đảo, tiếp tay cho công dân trốn ra ngoài khi đi du lịch. Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi dụ dỗ, lôi kéo, đưa người dân ra nước ngoài lao động bất hợp pháp.
Huy động sự vào cuộc của chính quyền cấp cơ sở và các ban, ngành, liên quan trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với lực lượng Công an để làm tốt công tác quản lý Nhà nước về cư trú, quản lý. Khi có các bản án nghiêm minh của Tòa án cần tuyên truyền cho người dân biết, nắm được quy định của pháp luật về chế tài xử lý. Từ đó chuyển biến nhận thức của người dân.