Trong tâm thức của người Việt Nam từ bao đời nay, Tết không chỉ mang ý nghĩa tạm biệt năm cũ, chào đón năm mới mà còn mang đậm tính tâm linh, tín ngưỡng. Ngoài phong tục thờ cúng tổ tiên, người dân thường đi lễ Đền, chùa để cầu may mắn, bình an cho gia đình với mong muốn những điều tốt đẹp nhất trong năm mới. Đây được xem là một trong những nét đẹp văn hóa mà dân gian đã gìn giữ và lưu truyền trong suốt ngàn năm qua.
Đền ông Hoàng Mười không chỉ là một trong những ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ, mà còn là điểm du lịch tâm linh thu hút đông đảo du khách. Những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024 Đền ông Hoàng Mười tại làng Xuân Am, xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (tỉnh Nghệ An) đón rất đông du khách tới lễ cầu may, xin lộc.
Năm nào cũng vậy, hoàn tất việc cúng gia tiên, gia đình chị Hoàng Thị Ly, xã Hưng Phúc Hưng Nguyên đều đến dâng hương, dâng hoa tại Đền ông Hoàng Mười cầu sức khỏe, bình an và may mắn cho năm mới. Chị Hoàng Thị Ly chia sẻ: “Sau khi chúc Tết cha mẹ, cả gia đình mình đến lễ Đền ông Hoàng Mười. Đây là nét văn hóa rất đẹp của người Việt nên được duy trì, phát huy vì hướng con người ta hướng đến sự thanh tịnh, chỗ dựa về tâm lý để cả năm vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Đến đây, gia đình mình cầu sức khỏe, bình an, may mắn”.
Đền ông Hoàng Mười thuộc địa phận làng Xuân Am tại xã Hưng Thịnh, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) đã tồn tại hơn 400 năm. Đền thờ chính Quan Hoàng Mười cùng các vị Phúc Thần như Thánh Mẫu Liễu Hạnh, Mẫu Tứ phủ, Song Đồng Ngọc Nữ, Lê Khôi, Quận công Trịnh Trung.
Tích xưa kể rằng ông Hoàng Mười là một vị thần xuống nhân gian giúp đời. Theo nhân gian kể lại, ông Hoàng Mười là nhân vật huyền thoại, được giáng trần để giúp đời. Người dân xứ Nghệ cũng lưu truyền các truyền thuyết về lai lịch, thân thế, sự nghiệp của ông Hoàng Mười với những nhân vật có thật trong lịch sử Việt Nam.
Đền ông Hoàng Mười được xây dựng năm 1634 từ thời hậu Lê, với diện tích trên 1 ha với những kiến trúc độc đáo. Công trình được chạm trổ công phu, các chi tiết long, lân, quy, phụng được chạm khắc sinh động, phản ánh được tư duy sáng tạo, sự tài hoa của nghệ nhân xứ Nghệ.
Đây là một công trình văn hóa tâm linh có quy mô bề thế, với nhiều công trình kiến trúc có giá trị, đúng với quy mô truyền thống, gồm có tam quan, tắc môn, đài trung thiên, lầu cô, lầu cậu, tòa hạ điện, trung điện, thượng điện, khu vực miếu mộ. Nét đặc sắc nhất của di tích chính là giá trị lịch sử - văn hóa gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu- một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.
Với quyền uy và địa vị cao quý ấy, người ta luôn tin tưởng rằng ông Hoàng Mười chính là vị thần sẽ mang đến sự thăng tiến trong con đường công danh sự nghiệp cho bản thân mình. Vì vậy, từ nhiều năm nay, Đền ông Hoàng Mười là điểm đến tâm linh của hàng nghìn người dân vào dịp đầu xuân, năm mới. Hầu hết những người đến ngôi đền này xin lộc đều cầu mong được quan Hoàng Mười phù hộ độ trì cho học hành giỏi giang, thi cử đỗ đạt, bình an trong cuộc sống.
Theo Ban quản lý Di tích Đền ông Hoàng Mười cho biết từ ngày 10 đến 15.2 (tức mùng 1 đến mùng 6 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), di tích Đền Ông Hoàng Mười đón hơn 45.000 du khách.
Chị Nguyễn Thu Hoài, đến từ Hà Nội chia sẻ, năm nào dịp đầu năm gia đình chị cũng đến đền ông Hoàng Mười để thắp hương, dâng lễ cầu bình an, mong một năm nhiều sức khỏe, tài lộc.
Đi lễ đền, chùa đầu năm đã trở thành nét đẹp trong truyền thống văn hoá của người Việt, không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hoà mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả, lo toan. Đến đền, chùa dâng hương cầu an là nét đẹp truyền thống của người Việt. Hoạt động tín ngưỡng này góp phần giúp con người hướng thiện, giữ gìn sự tốt đẹp của tâm hồn và an nhiên trong cuộc sống.