Trước đó một ngày, bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ và Nhật Bản, Chính phủ Hàn Quốc đã tuyên bố không gia hạn GSOMIA sau khi nó hết hiệu lực ngày 23/11. Việc kết thúc GSOMIA có thể sẽ làm gia tăng bất đồng giữa Hàn Quốc và Mỹ, vốn muốn hai nước đồng minh châu Á của mình loại bỏ tranh cãi song phương ra khỏi lĩnh vực hợp tác an ninh.
Hàn Quốc và Nhật Bản ký thỏa thuận GSOMIA tháng 11/2016, cho phép hai đồng minh của Mỹ tại khu vực Đông Bắc Á chia sẻ bí mật quân sự, đặc biệt là về năng lực hạt nhân của Triều Tiên. GSOMIA đã được ký kết sau những nỗ lực kéo dài nhiều năm của Hoa Kỳ nhằm đối phó tốt hơn đối với mối đe dọa quân sự đang gia tăng của Triều Tiên.
Seoul đã thông báo cho Tokyo vào tháng 8 về dự định sẽ chấm dứt GSOMIA sau khi Tokyo áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Hàn Quốc về tranh chấp xuất phát từ việc thuộc địa hóa bán đảo Triều Tiên năm 1910-1945.
Thỏa thuận sẽ hết hạn vào nửa đêm thứ bảy (22/11) trừ khi nó được gia hạn. Seoul thúc giục Tokyo dỡ bỏ các quy định thương mại trước tiên. Nhật Bản đã kêu gọi GSOMIA được duy trì.
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono trước đó cho biết việc hết hạn thỏa thuận sẽ không có tác động trực tiếp đến an ninh của Nhật Bản.
Tuy nhiên, với tình hình hiện tại với Bắc Triều Tiên, ông Taro Kono lo ngại rằng điều này có thể gửi một thông điệp nhầm tới Bắc Triều Tiên và các quốc gia khác trong khu vực.