Các đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 28/10 đã lên tiếng phản đối việc Triều Tiên phóng hai tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) ra vùng biển phía Đông nước này trước đó cùng ngày.
Theo đó, đặc phái viên về vấn đề hạt nhân của 3 nước đã có các cuộc điện đàm liên quan đến vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên, và là vụ phóng tên lửa thứ 28 kể từ đầu năm 2022 của nước này.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết, các đặc phái viên đã nhấn mạnh rằng việc Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân và tên lửa sẽ càng củng cố hợp tác an ninh khu vực.
Trong tuyên bố riêng rẽ, Hội đồng An ninh quốc gia Hàn Quốc (NSC) nêu rõ vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên này tiếp tục gây căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên và trong khu vực. NSC khẳng định quân đội Hàn Quốc luôn duy trì trạng thái sẵn sàng cho mọi tình huống khẩn cấp.
Trong khi đó, cùng ngày 28/10, Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ ra thông cáo báo chí, đánh giá vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên “không gây ra mối đe dọa tức thời” đối với Mỹ và các đồng minh. Thông cáo lưu ý Mỹ đang "tham vấn chặt chẽ" với các đồng minh và đối tác.
Phía Mỹ cũng nhấn mạnh rằng, các vụ phóng tên lửa cho thấy tác động gây mất ổn định của các chương trình phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.
Hãng thông tấn Yonhap trước đó cùng ngày thông báo Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) cho biết, tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Triều Tiên phóng về phía vùng biển phía Đông nước này đã bay xa 230 km, đạt độ cao 24 km với vận tốc tương đương vũ khí siêu thanh Mach 5 (lớn hơn 5 lần vận tốc âm thanh).
Đây là vụ phóng thứ 28 kể từ đầu năm đến nay, trong đó có những tên lửa hành trình, và diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc đang tiến hành cuộc tập trận hải quân Hoguk 22 kéo dài 2 tuần và sẽ tiến hành cuộc tập trận không quân chung thường niên Vigilant Storm vào tuần tới.
Các cuộc diễn tập và thử nghiệm vũ khí của hai bên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và các đồng minh cho rằng, Triều Tiên có thể sắp tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 7, cũng là vụ đầu tiên kể từ năm 2017.
Ở một diễn biến khác, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol ngày 28/10 đã bổ nhiệm một cựu công tố viên làm Phó giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia (NIS).
Ông Kim Nam-woo đã làm việc với vai trò là một luật sư sau khi rời khỏi văn phòng công tố vào năm 2020. Ông Kim được bổ nhiệm làm phó giám đốc mới chịu trách nhiệm về lập kế hoạch và điều phối của NIS, ba ngày sau khi ông Jo Sang-jun từ chức vì lý do sức khỏe và cá nhân.