Hạn chế tai nạn lao động: Cần chế tài đủ mạnh

Nguyễn Phương| 14/11/2014 09:25
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Vụ tai nạn lao động xảy ra tại khu vực công trường dự án đường sắt trên cao Hà Đông - Cát Linh vào sáng 6/11, khiến một người tử vong và hai người bị thương chỉ là một trong nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra gần đây.

Thực tế này đòi hỏi cần có công cụ pháp lý và chế tài đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm an toàn lao động.

1.700 người chết vì tai nạn lao động mỗi năm

Theo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, tai nạn lao động có xu thế tăng, số liệu thống kê báo cáo chủ yếu được thu thập từ các doanh nghiệp lớn. Vì vậy, còn rất nhiều trường hợp tai nạn và tử vong tại nơi làm việc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa được thống kê. Bình quân giai đoạn 1992-2000, mỗi năm xảy ra 3.000 vụ tai nạn lao động, làm chết 350 người. Giai đoạn sau số vụ tai nạn lao động tăng gấp đôi, làm gần 600 người chết.

Số liệu thống kê tại các bệnh viện, cơ sở y tế về số người nhập viện do tai nạn lao động thường nhiều gấp 20 lần số liệu được báo cáo về Bộ Lao động. Cụ thể, mỗi năm có khoảng 160.000-170.000 người bị tai nạn lao động phải đến bệnh viện và có khoảng 1.700 người chết. Tình trạng người sử dụng lao động, chủ các cơ sở sản xuất kinh doanh không khai báo, điều tra tai nạn lao động chết người để tìm nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục còn khá phổ biến.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhưng chủ yếu là ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động của chủ đầu tư và người lao động còn hạn chế...

Hạn chế tai nạn lao động: Cần chế tài đủ mạnh

Cần nâng cao ý thức chấp hành quy định về an toàn lao động của chủ đầu tư và người lao động 

 

Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, khi thực hiện dự án, công tác đảm bảo an lao động bao giờ cũng được đặt lên trên hết. Các công nhân, cán bộ phải được tập huấn đầy đủ và phải có thiết bị cảnh báo, những pano, áp phích để hướng dẫn cho người tham gia giao thông và người lao động. Tuy nhiên, quá trình triển khai, nhiều chủ đầu tư đã phớt lờ quy định này.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Lê Toàn Khang cho rằng công tác tuyên truyền phổ biến các quy định về an toàn lao động trong thời gian qua chưa được thường xuyên. Tại các đơn vị, doanh nghiệp mới chỉ chủ yếu đi vào việc khắc phục hậu quả sau mỗi đợt kiểm tra hoặc có khuyến cáo của cơ quan chức năng. Bản thân các đơn vị cũng chưa coi trọng thực hiện các quy định về biển báo, chỉ dẫn hoặc thiết lập các liên hệ để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp, đơn vị còn chưa tự giác thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, chưa chú trọng tới việc tập huấn đội ngũ kỹ thuật viên an toàn, không bố trí cán bộ chuyên trách nên đã dẫn tới tình trạng mất an toàn lao động tại các công trường.

Tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương

Dự án Luật An toàn vệ sinh lao động đã được trình và thẩm tra tại Quốc hội sáng 12/11. Trước đó, tại buổi họp thẩm tra dự thảo luật An toàn vệ sinh lao động ngày 26/9, Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội thừa nhận, công tác an toàn vệ sinh lao động hiện còn một số yếu kém. Việc tuân thủ luật pháp về an toàn vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, một số cơ sở thực hiện chỉ nhằm đối phó với sự kiểm tra của cơ quan chức năng. Nhiều nơi môi trường sản xuất ô nhiễm gây bệnh tật, suy giảm sức khỏe cho người lao động. Chỉ 15% người lao động được huấn luyện về an toàn lao động.

Việc đo kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động còn rất hạn chế. Số vụ tai nạn lao động chết người có quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự rất thấp, chỉ khoảng 2%. Vì thế, rất cần có một luật riêng quy định về vấn đề an toàn vệ sinh lao động. Điểm mới trong dự luật này là mở rộng đối tượng điều chỉnh ra cả nhóm không có quan hệ lao động (không ký kết hợp đồng lao động) - hiện chiếm đến 67%.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội, cho biết Ủy ban đồng tình với việc điều chỉnh đối tượng ra cả nhóm không có quan hệ lao động, nhưng băn khoăn về tính khả thi. Chỉ với 33% người có quan hệ trong lao động mà cơ quan chức năng chưa nắm được tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hiện chỉ có 7% doanh nghiệp báo cáo tai nạn lao động, tần suất tử vong bình quân 5,5/100.000 người lao động. Một năm có 600 vụ tai nạn chết người, thực tế con số ngành y tế báo cáo gấp 20 lần.

Thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng để đảm bảo việc tổ chức thực hiện pháp luật không chỉ riêng lực lượng thanh tra mà còn phải tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương với vấn đề này.

Theo ông Lê Toàn Khang, chế tài xử phạt các chủ sử dụng lao động vi phạm về an toàn lao động hiện nay là quá thấp, chưa đủ sức cảnh cáo, răn đe. Các mức xử phạt chủ yếu là phạt tiền, không có tác dụng phòng ngừa hữu hiệu, dẫn đến việc coi thường tính mạng của người lao động. Thêm vào đó, công tác hậu thanh tra xử lý chưa phát huy tác dụng cao, khiến cho các đơn vị doanh nghiệp chưa thực sự nghiêm túc trong việc triển khai thực hiện những chấn chỉnh vi phạm này. Mặt khác, cũng phải nhìn nhận là việc xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm chưa được các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi để cảnh cáo, răn đe những hành vi vi phạm tương tự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hạn chế tai nạn lao động: Cần chế tài đủ mạnh