Bộ sách giáo khoa mới được lựa chọn có đảm bảo chất lượng cả về nội dung và hình thức, có phù hợp về giá cả hay không,… là những vấn đề mà giáo viên, nhà trường, các bậc phụ huynh và toàn xã hội đang rất quan tâm, lo lắng.
Lựa chọn SGK mới
Theo quy định của Bộ GD&ĐT, năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 bắt đầu học bộ sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới (thí điểm) gồm 8 môn học bắt buộc và 1 môn tự chọn. Bộ GD&ĐT cũng đã phê duyệt 5 bộ SGK mới gồm bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống”, “Chân trời sáng tạo”, “Cùng học để phát triển năng lực”, “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” của NXB Giáo dục Việt Nam và bộ “Cánh Diều” của NXB Đại học Sư phạm, NXB Đại học Sư phạm TP HCM, Công ty Đầu tư Xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam. Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, mỗi trường sẽ phải lập một hội đồng ít nhất 11 người để chọn SGK, trong đó có ít nhất 2/3 là tổ trưởng chuyên môn và giáo viên.
Tại Hải Phòng, việc triển khai bộ SGK mới cho lớp 1 vừa qua cũng đã thực hiện theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Các trường học đã thực hiện các bước lựa chọn 1 trong 5 bộ SGK trên để đưa vào chương trình lớp 1 năm học 2020-2021. Qua gần 1 năm học, các nhà trường, giáo viên cũng như phụ huynh đã có những nhận xét, đánh giá về các bộ SGK trên.
Đại diện Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo cho biết: Phòng GD&ĐT huyện Vĩnh Bảo đã chỉ đạo, hướng dẫn các trường triển khai việc lựa chọn 1 bộ SGK phù hợp để đưa vào chương trình lớp 1 năm học 2020-2021. Việc này, các trường trên địa bàn huyện đã thực hiện khá nghiêm túc, trách nhiệm đúng theo hưỡng dẫn, chỉ đạo.
Theo đại diện Trường Tiểu học Thị trấn và Trường Tiểu học Trung Lập (huyện Vĩnh Bảo): Sau khi có chỉ đạo của cấp trên, áp dụng các văn bản hướng dẫn, nhà trường đã triển khai theo trình tự và lựa chọn bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” cho chương trình lớp 1 năm học 2020-2021. Đến nay, sau một thời gian triển khai, các trường đã có những nhận xét, đánh giá chung về nội dung, hình thức của các bộ sách. Theo đó, bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống” tuy chưa phải ưu việt nhưng về nội dung, hình thức có phần tốt hơn các bộ sách còn lại.
Về việc lựa chọn bộ SGK cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6 để triển khai trong năm học tới 2021-2022, đại diện các trường tại huyện Vĩnh Bảo cho biết đã tổ chức lựa chọn bộ SGK bảo đảm chặt chẽ, đúng quy trình và niêm phong kết quả gửi về Phòng GD&ĐT theo quy định.
Theo một giáo viên của một trường tiểu học trên địa bàn quận Lê Chân, năm học 2020 -2021, nhà trường và toàn quận Lê Chân đã chọn bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Qua thời gian hơn một học kỳ dạy, học, bộ sách trên đáp ứng được 12 tiêu chí theo quyết định 620 của UBND TP Hải Phòng, chất lượng giáo dục học kỳ 1 đáp ứng được mục tiêu của nhà trường và kỳ vọng của phụ huynh học sinh. Thông qua bộ sách này, giáo viên có điều kiện đổi mới phương pháp giảng dạy, học sinh được phát triển phẩm chất, năng lực, đáp ứng được yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Những lo lắng, trăn trở
Năm học 2021-2022, bộ SGK mới cho lớp 1, lớp 2 và lớp 6 sẽ chính thức triển khai. Đối với SGK lớp 1 đang được thí điểm, không ít nhà trường đã yêu cầu giáo viên đọc hết cả 38 cuốn để giúp hội đồng nhà trường chọn ra bộ SGK có ưu điểm nhất. Bằng tất cả tâm huyết của mình, giáo viên, nhà trường và các bậc phụ huynh cũng đã giành thời gian nghiên cứu, nhận xét và lựa chọn bộ SGK mới. Thế nhưng, quyết định lựa chọn bộ SGK nào thuộc về Hội đồng lựa chọn SGK thành phố. Vì vậy, trách nhiệm của Hội đồng lựa chọn SGK thành phố là đầy khó khăn, nằng nề, từng thành viên sẽ phải rất tâm huyết và khách quan khi đưa ra quyết định của mình.
Một vị lãnh đạo Trường THCS trên địa bàn quận Kiến An cho biết: Nhận được chỉ đạo của Sở GD&ĐT, nhà trường đã giao cho các giáo viên chuyên môn và đại diện cha mẹ học sinh nghiên cứu, thảo luận, đánh giá ưu, nhược điểm của ba bộ sách được giới thiệu. Sau đó, nhà trường đã thống nhất và có kết quả lựa chọn bộ SGK gửi về Sở. Việc lựa chọn bộ SGK nào là do Hội đồng thành phố, nhà trường phải chấp hành nhưng giáo viên và cha mẹ học sinh lo lắng không biết có được dạy, học bộ SGK mình đã lựa chon.
Anh Lê Văn Cường, có con đang họp lớp 1 tại quận Hải An chia sẻ: Năm học 2020-2021, con anh Cường học thí điểm bộ SGK “Cánh diều”. Có chuyên môn sư phạm, anh Cường đánh giá bộ SGK này có nhiều từ ngữ không phổ thông, mang tính thị trường. Trong khi ở lửa tuổi như lớp 1, lớp 2, trẻ cần những thứ mộc mạc, dễ hiểu. Anh Cường cũng tìm hiểu trên báo, đài thông tin về bộ sách Cánh diều và những bộ sách khác. Anh Cường bày tỏ quan tâm, lo lắng về việc bộ SGK mới nào sẽ được lựa chọn, có đảm bảo chất lượng, có kế thừa những giá trị của những bộ sách cũ không…
Chị Ngô Thị Thường có con đang họp lớp 1 tại quận Lê Chân cho biết: Năm học vừa qua, con chị Thường học thí điểm bộ SGK “Kết nối tri thức với cuộc sống”. Quá trình kèm con học tại nhà, chị Thường nhận thấy nội dung bộ SGK này cũng dễ hiểu, con chị học và bắt nhịp được nội dung của sách. Tuy nhiên, chị Thường cũng rất lo lắng là năm tới, liệu bộ SGK nào sẽ được lựa chọn, có phù hợp để học sinh bắt nhịp hay không.
Chị Phạm Thị Thương, có con đang họp lớp 5 tại quận Lê Chân cho biết: Chị chưa được thông báo gì từ phía nhà trường, giáo viên hay hội phụ huynh về việc năm học tới con chị sẽ học bộ SGK mới. Tuy nhiên, theo dõi thông tin trên báo chí, chị Thương cũng nắm được những thông tin về việc triển khai bộ SGK mới và bày tỏ quan tâm, lo lắng.
Một phụ huynh cũng là giáo viên ở quận Ngô Quyền cho biết, 1 bộ SGK lớp 1 những năm học trước chỉ khoảng 54.000 đồng nhưng bộ SGK mới hiện có giá lên đến gần 200.000 đồng/bộ. Nhiều người phàn nàn, đây là mức giá khá cao, đặc biệt là đối với các gia đình nghèo tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Theo nhiều giáo viên, bộ SGK lớp 1 đã được thí điểm trong năm học vừa qua nên sẽ đánh giá được chất lượng cả về nội dung và hình thức trình bày. Tuy nhiên, bộ SGK lớp 2 và lớp 6 chỉ được xem trên đường link của Sở GD&ĐT, chưa có thực tế nên việc đánh giá về những bộ SGK này chỉ là cảm quan, mang tính đại khái, không tối ưu.
Được biết, UBND TP. Hải Phòng đã ban hành quyết định về việc thành lập Hội đồng lựa chọn SGK trên địa bàn thành phố gồm lãnh đạo Sở GD&ĐT, đại diện phòng chuyên môn của Sở GD&ĐT, đại diện phòng GD&ĐT và giáo viên ở các quận/huyện. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng liệu Hội đồng lựa chọn SGK có đảm bảo khách quan, công bằng khi các thành viên trong Hội đồng không có mặt đầy đủ đại diện các địa phương. Có quận, huyện thì nhiều thành viên, có quận, huyện lại không có thành viên nào. Với Hội đồng như vậy liệu việc lựa chon sách ở các cơ sở có đảm bảo được thực hiện. Báo Công lý sẽ tiếp tục tìm hiểu sự việc, thông tin đến bạn đọc.