Liên tiếp vi phạm, phạt,... rồi lại tiếp tục vi phạm. “Điệp khúc” ấy của Công ty Cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương (Hải Phòng) cứ lê thê ngay cả khi đoàn thanh tra liên ngành của Bộ NN&PTNT vào cuộc, chỉ rõ.
Điển hình vi phạm
Nhắc tới những tồn tại, vi phạm của Công ty Cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương (Công ty Thái Bình Dương) tại khu vực ven sông Văn Úc (thị trấn Tiên Lãng, huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng), ngay cả lãnh đạo Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ NN&PTNT) cũng cảm thấy ngao ngán, khó hiểu với cách làm của chính quyền TP Hải Phòng.
Trụ sở Công ty cổ phần đóng tầu Thái Bình Dương.
Trong cuộc họp trực tuyến với các tỉnh, thành về việc xử lý vi phạm và bảo vệ đê điều cách đây ít ngày, những vi phạm, tồn tại kể trên được ông Phạm Đức Luận, Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều “xướng” tên như điển hình vi phạm pháp luật đê điều.
Một năm về trước, đoàn thanh tra liên ngành gồm Vụ Pháp chế Thanh tra (Tổng cục Phòng chống thiên tai), Thanh tra Bộ NN&PTNT và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đã tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật đê điều; phòng chống thiên tai trên địa bàn TP Hải Phòng, phát hiện 2 đại công trình quy mô hàng chục nghìn mét vuông chưa xin ý kiến Thủ tướng, vi phạm Luật Đê điều. Một trong 2 đại công trình đó chính là nhà máy đóng tàu trên bãi sông Văn Úc của Công ty Thái Bình Dương.
Kết luận thanh tra, ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh thanh tra Bộ NN&PTNT kiến nghị UBND TP Hải Phòng xem xét, xử lý trách nhiệm các cơ quan tham mưu và cấp giấy phép xây dựng không đúng quy định của pháp luật đê điều. Chỉ đạo Công ty Thái Bình Dương tuân thủ đúng quy định của pháp luật đê điều, xử lý các tồn tại theo đúng quy định; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đê điều, phòng chống thiên tai.
Sau gần một năm kể từ khi Thanh tra Bộ NN&PTNT thanh tra, kết luận và sau đó, Bộ NN&PTNT cũng đã nhiều lần có văn bản kiến nghị, nhưng một số tồn tại, vi phạm của Công ty Thái Bình Dương vẫn lê thê, tới khi nào được xử lý dứt điểm vẫn là một câu hỏi lửng.
Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Phạm Đức Luận xác nhận thông tin trên, đồng thời cho biết, Thanh tra Bộ NN&PTNT vừa quyết định thanh tra diện rộng việc chấp hành pháp luật về đê điều và phòng chống thiên tai tại 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có TP Hải Phòng và nhà máy đóng tàu của Công ty Thái Bình Dương.
“Xé rào” cấp phép
Theo kết luận thanh tra của Thanh tra Bộ NN&PTNT, đại công trình của Công ty Thái Bình Dương nằm ở K11-800 đê hữu Văn Úc, gồm 6 tổ hợp phân xưởng gia công cơ khí, diện tích 23,921m2; 250m cầu tàu (KT 250x20m), trong đó đã xây dựng hoàn thành 200m, 50m đang triển khai xây dựng, kết cấu bằng bê tông cốt thép trên bệ cọc cao; triền đà chiều dài 263m.
6 tổ hợp phân xưởng được xây dựng theo Giấy phép số 18/GPXD ngày 18/3/2016 của Sở Xây dựng TP Hải Phòng. Kết luận của thanh tra Bộ NN&PTNT nêu rõ, Điều 26 Luật Đê điều quy định các hạng mục này phải trình Bộ NN&PTNT thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sau đó UBND TP Hải Phòng mới được cấp giấy phép.
Nhiều hạng mục công trình của Công ty Cổ phần đóng tàu Thái Bình Dương xây dựng chưa phép, sai phép.
Ngoài ra, Quy định số 257/QĐ-TTg ngày 18/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình tại khu vực bãi ngoài đê hữu sông Văn Úc, tương ứng K11+800 (huyện Tiên Lãng, TP Hải Phòng) không thuộc danh mục bãi sông được nghiên cứu xây dựng các hạng mục nêu trên.
Do vậy, việc cấp giấy phép xây dựng đối với hạng mục 6 tổ hợp nhà phân xưởng gia công cơ khí, diện tích 23.921m2 là không đúng quy định của Luật Đê điều.
Còn các hạng mục cầu tàu dài 250m, triền đà chiều dài 263m, tại thời điểm thanh tra, Công ty Thái Bình Dương chưa được UBND TP Hải Phòng cấp giấy phép xây dựng.
Hồ sơ phóng viên có được cho thấy, người “xé rào”, “tuỳ tiện” cấp Giấy phép số 18/GPXD cho Công ty Thái Bình Dương thời điểm đó là ông Đỗ Trọng Đạt, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hải Phòng.
Trước khi đoàn thanh tra Bộ NN&PTNT thanh tra, chỉ ra hàng loạt sai phạm như đã nói trên, năm 2010, Công ty Thái Bình Dương đã tổ chức thi công xây dựng xưởng cơ khí với diện tích 2.400m2, nhà phun sơn diện tích 2.280m2 không có giấy phép xây dựng. Dù vi phạm nghiêm trọng là vậy, song hành vi này của Công ty Thái Bình Dương chỉ bị UBND TP Hải Phòng xử phạt số tiền 30 triệu đồng.
Tháng 4/2015, Công ty Thái Bình Dương tiếp tục tổ chức xây dựng công trình văn phòng làm việc, phân xưởng vỏ không có giấy phép xây dựng, song chỉ bị Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng xử phạt số tiền 40 triệu đồng.
Với những vi phạm rõ ràng như vậy nhưng lại được xử lý kiểu “gãi ngứa” và Công ty Thái Bình Dương dường như nhờn luật nên “điệp khúc” vi phạm cứ ngày một dài hơn khi ngày 27/4/2018, qua kiểm tra, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng phát hiện thêm hàng loạt công trình sai phép, trái phép.
Cụ thể, Công ty Thái Bình Dương đã tổ chức xây dựng tường cao nhà phân xưởng vỏ 1, 2, 3 cao 3m, không có trong thiết kế; thi công cầu cảng, ụ khô, 2 trạm biến áp, triền hạ thuỷ không có giấy phép.
Đối với những công trình không phép, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hải Phòng yêu cầu xin cấp giấy phép xây dựng. Nếu không xin được giấy phép trong thời gian theo quy định thì buộc phải tháo dỡ.
Như đã nói trên, dù Bộ NN&PTNT nhiều lần có văn bản kiến nghị, nhưng tới thời điểm này, một số vi phạm, tồn tại của Công ty Thái Bình Dương vẫn chưa được xử lý dứt điểm.