Trước tầm quan trọng của ngành du lịch Thủ đô, Sở TT&TT đã đề xuất với Sở Du lịch TP Hà Nội về việc gánh vác một phần trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thành phố.
Sáng 24/3, Sở Du lịch TP Hà Nội tổ chức Lễ ký kết với Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) về việc nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền, quảng bá; ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch Thủ đô giai đoạn 2021-2025.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, ngành du lịch đã đóng góp 12,54% GDP của Hà Nội trong năm 2019. Tuy nhiên, con số này đã sụt giảm xuống chỉ còn 3,54% GDP trong năm 2020.
Để giải quyết tình trạng trên, ngoài việc chuyển đổi số và ứng dụng CNTT, Sở Du lịch sẽ tổ chức nhiều hoạt động kích cầu và tuyên truyền để quảng bá cho ngành du lịch của thành phố.
Bà Giang cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành du lịch hiện đã sẵn sàng cho việc chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số chính là ứng dụng các công nghệ số để số hóa, từ đó giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí hơn và cung cấp các dịch vụ hoàn hảo hơn cho du khách.
Thành phố rất ủng hộ việc chuyển đổi số và xây dựng môi trường du lịch xanh, sạch, thân thiện, an toàn, hấp dẫn, mang tới những trải nghiệm khó quên để có thể níu chân du khách.
Theo ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Sở TT&TT TP Hà Nội, trước tầm quan trọng của ngành du lịch Thủ đô, Sở TT&TT đã đề xuất với Sở Du lịch TP Hà Nội về việc gánh vác một phần trách nhiệm tuyên truyền, quảng bá hình ảnh thành phố. Sở TT&TT cũng sẽ hỗ trợ Sở Du lịch TP Hà Nội trong việc chuyển đổi số hoạt động du lịch.
Hiện tại, Hà Nội đã tổ chức lắp đặt 25 điểm phát WiFi miễn phí theo hình thức xã hội hoá, người dân đến các điểm du lịch nổi tiếng sẽ được sử dụng WiFi miễn phí. “Dự kiến, Hà Nội sẽ tăng thêm 9 điểm phát WiFi miễn phí trong năm 2021. Những nỗ lực này được thực hiện nhằm giúp du khách có trải nghiệm tốt nhất khi đi du lịch trên địa bàn Thủ đô”, ông Nguyễn Thanh Liêm cho biết.
Theo đánh giá mới nhất của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), ngành du lịch thế giới sẽ có bước hồi phục chậm vào đầu năm và lấy đà tăng trưởng vào nửa cuối năm 2021, do sự hiệu quả đến từ hoạt động tiêm chủng vắcxin phòng dịch Covid-19 của các quốc gia trên thế giới.
Tổ chức UNWTO cho rằng, du lịch nội địa vẫn là xu hướng chính trong năm nay (chiếm 90%), du khách sẽ có xu hướng đi du lịch gần nơi cư trú, những điểm đến gần gũi với thiên nhiên (chiếm 60%) và đi theo nhóm nhỏ hoặc gia đình; hoạt động du lịch quốc tế khả năng sẽ được mở lại từ cuối quý III/2021…
Đối với du lịch Việt Nam, theo thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch), du lịch nội địa sẽ vẫn là nhân tố chủ chốt trong năm nay, với sự kiểm soát tốt của Chính phủ. Đây là những tín hiệu tốt cho ngành du lịch Việt Nam, trong đó có du lịch Thủ đô để kích cầu phát triển du lịch trong năm 2021.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và thành phố về thực hiện mục tiêu kép vừa thực hiện nghiêm túc biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vừa đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội; Sở Du lịch TP Hà Nội đã chủ động thực hiện kết nối giữa cơ quan quản lý - hiệp hội, câu lạc bộ doanh nghiệp du lịch - các đơn vị dịch vụ: Hàng không, đường sắt, ô tô, khách sạn, lữ hành, điểm đến..., hưởng ứng xây dựng sản phẩm kích cầu du lịch, triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến, thu hút khách du lịch nhằm đẩy mạnh hoạt động du lịch của Thủ đô.
Qua theo dõi, hoạt động du lịch Thủ đô đã có dấu hiệu phục hồi, các điểm đến di tích từ khi mở cửa lại (vào ngày 08/3 hoặc ngày 13/3/2021), như: Chùa Hương, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn, Làng cổ ở Đường Lâm… đã đón một lượng khách du lịch khá đông, nhất là vào dịp cuối tuần.
Trong khuôn khổ Lễ hội kích cầu du lịch và giới thiệu văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2021, dự kiến vào ngày 16/4, Sở Du lịch sẽ tổ chức sự kiện “Công bố sản phẩm kích cầu du lịch nội địa năm 2021” thu hút sự tham gia của rất nhiều doanh nghiệp lữ hành, vận chuyển, khách sạn, điểm đến lớn trên địa bàn, thông qua đó nhằm tạo không khi sôi nổi cho du lịch Hà Nội phục hồi và phát triển trong thời gian tới.