Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội cho biết, theo Quy hoạch đã được phê duyệt, thành phố sẽ có thêm 7 tuyến xe buýt nhanh BRT nữa. Và tùy thuộc vào nhu cầu cũng như khả năng tài chính, thành phố sẽ quyết định triển khai tuyến BRT nào trước.
Thông tin từ Xí nghiệp buýt nhanh BRT, 10 ngày đầu tiên vận hành chính thức, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe yên Nghĩa đã thực hiện được 3.391 lượt xe, vận chuyển 127.163 lượt khách; bình quân 37,4 khách/lượt; lượng khách tại các nhà chờ đạt 5.520 người/nhà chờ.
Ngoài tuyến buýt nhanh BRT số 01 Bến xe Kim Mã – Bến xe Yên Nghĩa đã đưa vào vận hành, theo Quy hoạch đã được phê duyệt thành phố sẽ có thêm 7 tuyến xe buýt nhanh BRT nữa.
Hà Nội nghiên cứu triển khai thêm 7 tuyến buýt nhanh BRT mới (Ảnh Mai Đỉnh)
Trong đó, bao gồm: Tuyến 02 Ngọc Hồi - Phú Xuyên (đi theo Quốc lộ 1 cũ), chiều dài khoảng 27 km; 03 Sơn Đồng - Ba Vì, chiều dài khoảng 20 km; 04 Phù Đổng - Bát Tràng - Hưng Yên, chiều dài khoảng 15 km; 05 Gia Lâm - Mê Linh (Vành đai 3), chiều dài khoảng 30 km; 06 Mê Linh - Sơn Đồng - Yên Nghĩa - Ngọc Hồi - Quốc Lộ 5 - Lạc Đạo (Vành đai 4), chiều dài khoảng 53 km; 07 Ba La - Ứng Hòa chiều dài khoảng 29 km; 08 Ứng Hòa - Phú Xuyên, chiều dài khoảng 17 km.
Theo Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng tài chính, thành phố sẽ quyết định triển khai tuyến BRT nào trước. Trong năm nay, Sở sẽ tiếp tục nghiên cứu để triển khai thêm các tuyến theo đúng quy hoạch.
Mới đây, ngày 6/1/2017, tại Hội nghị tổng kết năm 2016 của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thành phố đã nhận được đề xuất mở tuyến buýt nhanh số 02 của Transerco lộ trình Kim Mã - Hòa Lạc.
Ông Hùng khẳng định: "Thành phố chắc chắn sẽ có quyết định đầu tư, mở tuyến buýt nhanh số 02 trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc vận hành tuyến buýt nhanh số 01 hiện nay".