Đời sống

Hà Nội nâng cấp, phát triển "Công dân Thủ đô số" theo mô hình siêu ứng dụng

Hà An 02/11/2024 - 22:18

Một trong yêu cầu của UBND TP. Hà Nội là nghiên cứu, phát triển iHanoi theo mô hình siêu ứng dụng (super app) để tích hợp đa dạng các dịch vụ, tính năng phục vụ người dân, doanh nghiệp từ các đối tác phù hợp.

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phát triển, nâng cấp, triển khai mở rộng nền tảng “Công dân Thủ đô số” (iHanoi) trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2025-2026.

ung-dung-ihanoi.jpg
Nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân qua iHanoi đã được cơ quan chức năng xử lý

Việc nâng cấp, mở rộng hướng đến mục tiêu iHanoi trở thành nền tảng ứng dụng mạng xã hội tập trung, duy nhất của thành phố nhằm phục vụ tốt nhất người dân, doanh nghiệp với phương châm “Lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm để chính quyền phục vụ”.

Đồng thời, bảo đảm mục tiêu nâng cao trải nghiệm người dùng, tăng cường bảo mật an toàn thông tin cho hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI hỗ trợ cán bộ, công chức tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị nhanh chóng, kịp thời, chính xác; hỗ trợ người dân, doanh nghiệp dễ dàng tương tác, tìm kiếm thông tin trên ứng dụng iHanoi đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng.

Một trong yêu cầu của UBND TP. Hà Nội là nghiên cứu, phát triển iHanoi theo mô hình siêu ứng dụng (super app) để tích hợp đa dạng các dịch vụ, tính năng phục vụ người dân, doanh nghiệp từ các đối tác phù hợp. Ngoài ra cần, bổ sung các tính năng mới nhằm đáp ứng nhu cầu khai thác ngày càng cao của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, đặc biệt là các lĩnh vực Giao thông, Y tế, Giáo dục, Môi trường, Du lịch, Đất đai, Quy hoạch, Trật tự xây dựng, Thanh toán trực tuyến, Dịch vụ công...

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2026 toàn bộ người dân trên 15 tuổi có điện thoại thông minh đều có thể tiếp cận và sử dụng ứng dụng iHanoi. Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp sử dụng ứng dụng sẽ tăng tối thiểu 30% hàng năm. Đồng thời, 100% phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp sẽ được tiếp nhận, xử lý và trả kết quả nhanh chóng, kịp thời thông qua ứng dụng. Thành phố cũng đặt chỉ tiêu tối thiểu 30% các dịch vụ, tiện ích cung cấp trên nền tảng Ứng dụng iHanoi được tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ quản lý, vận hành và phục vụ người dân, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Để đảm bảo tính bảo mật và an toàn thông tin, hệ thống sẽ được trang bị các chức năng bảo mật tiên tiến, ngăn ngừa các đợt tấn công mạng và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thông tin của người dùng. Việc triển khai sẽ được thực hiện theo lộ trình cụ thể, bắt đầu từ Quý IV/2024 với việc xây dựng kế hoạch và phân bổ nguồn vốn, tiếp theo là giai đoạn khảo sát, đánh giá nhu cầu vào tháng 11-12/2024, và triển khai các giải pháp kỹ thuật từ đầu năm 2025.

Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và đường truyền phục vụ ứng dụng hoạt động ổn định, thông suốt 24/7. Đồng thời, các cơ quan chức năng sẽ tích cực phối hợp trong việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả các tính năng của ứng dụng.

Việc phát triển và mở rộng ứng dụng iHanoi không chỉ là bước tiến quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số của Thủ đô, mà còn thể hiện quyết tâm của chính quyền thành phố trong việc nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, hướng tới xây dựng một Hà Nội thông minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Nhiều phản ánh, kiến nghị của người dân qua iHanoi được xử lý

Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết, ứng dụng Công dân Thủ đô số (iHanoi) chính thức vận hành từ ngày 28/6/2024, tính đến ngày 15/8/2024, đã có hơn 130.000 cán bộ, công chức, viên chức cài đặt ứng dụng iHanoi; hơn 545.000 người dân tiếp cận và sử dụng ứng dụng iHanoi; đã có 3.268 ý kiến, phản ánh của người dân gửi qua ứng dụng iHanoi.

Cụ thể, từ khi ứng dụng iHanoi ra mắt đến nay, đã có 2.350 phản ánh kiến nghị hiện trường. Trong đó, 1.654 phản ánh kiến nghị được xử lý, đạt 70,4%; 180 phản ánh kiến nghị đã từ chối (7,6%); 272 phản ánh kiến nghị đang xử lý (11,6%); 244 phản ánh kiến nghị đang chờ xử lý (10,4%).

Về việc giải quyết phản ánh kiến nghị thủ tục hành chính, đến ngày 8/8, có 247 phản ánh kiến nghị. Trong đó, 42 phản ánh chờ xử lý (17%); 99 phản ánh chuyển xử lý (40,1%); 23 phản ánh đã xử lý (9,3%); 83 phản ánh đã từ chối.

Số phản ánh bị từ chối hầu hết do đề nghị giải quyết khiếu nại về thủ tục đất đai; gửi thông tin không rõ ràng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội nâng cấp, phát triển "Công dân Thủ đô số" theo mô hình siêu ứng dụng