Khu "đất vàng" 87 Nguyễn Thái Học cùng tài sản trên đất là khách sạn 9 tầng dễ dàng được Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP. Hà Nội cho Công ty TNHH kinh doanh tổng hợp Huy Hùng (Công ty Huy Hùng) thuê 50 năm.
Cơ sở nhà, đất số 87 Nguyễn Thái Học (phường Văn Miếu, quận Đống Đa, TP Hà Nội) có diện tích 451,1m2, trước đây do Công ty Dịch vụ du lịch Ba Đình (nay là Công ty Ăn uống dịch vụ du lịch Ba Đình – Công ty Ba Đình) quản lý, sử dụng.
Năm 1992, Công ty Ba Đình liên doanh với Công ty Vật tư Quận 3, TP. Hồ Chí Minh (sau đổi thành Công ty Thương mại Vật tư Quận 3) để đầu tư xây dựng khách sạn Bàn Cờ cao 9 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng là 2.921m2. Nguồn vốn xây dựng khách sạn do Công ty Vật tư Quận 3 vay của Ngân hàng ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).
Khách sạn Bàn Cờ 87 Nguyễn Thái Học, phường Văn Miếu, quận Ba Đình, TP Hà Nội.
Hồ sơ phóng viên có được thể hiện, Công ty Vật tư Quận 3 được quyền quản lý, khai thác tài sản là khách sạn Bàn Cờ trong thời gian là 18 năm (đến hết ngày 31/12/2012). Sau 18 năm, Công ty Vật tư Quận 3 phải bàn giao toàn bộ công trình khách sạn Bàn Cờ cho Công ty Ba Đình.
Năm 1996, Công ty Vật tư Quận 3 cam kết mang toàn bộ giá trị công trình khách sạn Bàn Cờ đã xây dựng xong để thế chấp cho ngân hàng Vietcombank.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng TP. Hà Nội tại Văn bản số 2049/SXD-PC, ngày 14/3/2019: “Năm 2007, Công ty Vật tư Quận 3 làm thủ tục phá sản, theo Quyết định số 19/2007/QĐ-TLTS ngày 20/9/2007 của TAND TP. Hồ Chí Minh. Vì vậy, quyền quản lý và khai thác, sử dụng khách sạn Bàn Cờ của Công ty Vật tư Quận 3 được giao cho ngân hàng Vietcombank tiếp tục quản lý, khai thác đến hết ngày 31/12/2012”.
Và để thu hồi nợ của Công ty Vật tư Quận 3 vay, năm 2010, ngân hàng Vietcombank làm thủ tục bán đấu giá tài sản bảo đảm là quyền quản lý, khai thác tài sản khách sạn Bàn Cờ đến hết ngày 31/12/2012. Đơn vị trúng đấu giá khoản nợ này là Công ty Huy Hùng.
Trong một diễn biến khác: “Năm 1998, Công ty Ba Đình thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhưng không đưa tài sản là khách sạn Bàn Cờ vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Vì vậy, sau 31/12/2012, giá trị còn lại của khách sạn Bàn Cờ thuộc sở hữu của Nhà nước”, Sở Xây dựng TP. Hà Nội khẳng định.
Thứ nữa, khách sạn Bàn Cờ đang được Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Vinh Minh Quân quản lý, sử dụng xuất phát từ hợp đồng thuê toàn bộ khách sạn Bàn Cờ với Công ty Vật tư Quận 3 ngày 1/5/2003.
Như vậy, có thể thấy Công ty Huy Hùng chỉ được quản lý, khai thác khách sạn Bàn Cờ tới ngày 31/12/2012 và trên thực tế, khách sạn này đang do một đơn vị khác quản lý, khai thác. Tuy nhiên, ngày 29/11/2013, Sở TNMT lại có Tờ trình số 6597/TTr-STNMT-ĐKTK đề nghị UBND TP. Hà Nội có quyết định: “Thu hồi 451,0m2 đất tại số 87 Nguyễn Thái Học cho Công ty Huy Hùng thuê để tiếp tục sử dụng cùng công trình đã xây dựng là khách sạn…”.
Chưa tới một tháng sau (ngày 27/12/2013), UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 7868/QĐ-UBND, về việc thu hồi 451,1m2 đất tại số 87 Nguyễn Thái Học để giao cho Công ty Huy Hùng thuê, tiếp tục sử dụng cùng với công trình đã xây dựng làm khách sạn.
Được sự ủy quyền của UBND TP. Hà Nội, ngày 29/01/2015, Sở TNMT TP. Hà Nội đã ký Hợp đồng thuê đất số 17/HĐTĐ với Công ty Huy Hùng. Ngày 09/10/2015, Sở TNMT dễ dàng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số CC175856 cho Công ty Huy Hùng và ngày 29/01/2016, Sở TNMT đã chứng nhận bổ sung quyền sở hữu đối với công trình cho Công ty Huy Hùng trong thời hạn 50 năm.
Câu hỏi được đặt ra là Công ty Huy Hùng có phải đối tượng được Nhà nước cho thuê đất theo Luật Đất đai, Quyết định số 49/2008/QĐ-UBND ngày 25/11/2008 của UBND TP. Hà Nội và việc dễ dàng cho Công ty Huy Hùng thuê đất trong khi đơn vị khác đang quản lý, khai thác có đúng với quy định của pháp luật?
Báo Công lý sẽ tiếp tục thông tin.