Gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm nhân thọ: Trách nhiệm của nhân viên tư vấn ra sao?

Việt An (ghi)| 05/03/2023 07:54
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Mục đích ban đầu của người dân là ký hợp đồng gửi tiền tiết kiệm theo lời tư vấn của nhân viên ngân hàng, tuy nhiên lại bị chuyển thành tham gia bảo hiểm nhân thọ. Vậy trách nhiệm của nhân viên tư vấn ra sao?

Hỏi: Gần đây, qua theo dõi báo chí tôi thấy xuất hiện tình trạng một số ngân hàng liên kết với bảo hiểm nhân thọ để tư vấn cho người dân để ký hợp đồng gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, sau đó người dân mới phát hiện đây không phải gửi tiết kiệm mà tham gia bảo hiểm nhân thọ. Đáng chú ý, nhiều thông tin về sức khỏe, nghề nghiệp, thu nhập của công dân đều bị nhân viên tư vấn bảo hiểm tự ý điền không trung thực vào hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Vậy trước tình trạng trên, pháp luật quy định hình thức xử lý như thế nào để bảo đảm quyền lợi chính đáng của người dân?

Trả lời: Về vấn đề này, Luật sư Trương Quốc Hòe – Trưởng VPLS Interla, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tư vấn như sau:

Trong thời gian gần đây, tình trạng tiền gửi tiết kiệm của người dân bị biến thành bảo hiểm nhân thọ ngày càng gia tăng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do sự tư vấn sai lệch, không trung thực của nhân viên ngân hàng.

Việc người dân gửi tiền tiết kiệm mà bị chuyển thành bảo hiểm nhân thọ mà hoàn toàn không hề hay biết đã vi phạm nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 1 Điều 16 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 khi giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm.

Khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015: “Cá nhân, pháp nhân xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.

Khoản 1 Điều 16. Nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022: “Việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự và các nguyên tắc sau đây:  Nguyên tắc trung thực tuyệt đối: các bên tham gia hợp đồng bảo hiểm phải cung cấp thông tin, thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách trung thực nhất, trên cơ sở tin tưởng tuyệt đối lẫn nhau trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm”.

Gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm nhân thọ: Trách nhiệm của nhân viên tư vấn ra sao?

Luật sư Trương Quốc Hòe

Mục đích ban đầu của người dân là ký hợp đồng gửi tiền tiết kiệm theo lời tư vấn của nhân viên ngân hàng, tuy nhiên lại bị chuyển thành tham gia bảo hiểm nhân thọ. Hai loại hợp đồng này được định nghĩa khác nhau theo quy định của pháp luật, cụ thể:

Căn cứ Khoản 13 Điều 4 Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: “Nhận tiền gửi là hoạt động nhận tiền của tổ chức, cá nhân dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm, phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận”.

Như vậy, tiền gửi tiết kiệm là một trong số các hình thức của hoạt động nhận tiền gửi của tổ chức, cá nhân; người gửi sẽ nhận được một khoản lợi nhuận nhất định từ việc hưởng lãi suất bằng hình thức gửi tiết kiệm. Hợp đồng gửi tiền tiết kiệm là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên gửi tiền và bên nhận tiền gửi theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận. Nội dung trong hợp đồng phải được sự đồng ý của cả hai bên, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên. 

Trong khi theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022: “Bảo hiểm nhân thọ là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết”. Như vậy từ quy định này, có thể hiểu, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là sự thỏa thuận bằng văn bản giữa bên mua bảo hiểm và bên cung cấp bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm sống hoặc chết. Nội dung trong hợp đồng phải được sự đồng ý của cả hai bên, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua lẫn bên cung cấp. 

Hợp đồng gửi tiền tiết kiệm và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là hai hợp đồng hoàn toàn khác nhau từ nội dung đến hình thức. Do hình thức của hợp đồng thay đổi, có thể thấy dấu hiệu lừa dối của nhân viên tư vấn khi đánh tráo khái niệm về loại hợp đồng trong việc tư vấn cho người dân tham gia giao dịch. Căn cứ điểm h khoản 1 điều 25 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 thì trường hợp hợp đồng bảo hiểm được giao kết do bị lừa dối sẽ vô hiệu.

Ngoài ra, phía Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Công văn số 506/NHNN-TTGSNH về hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm, trong đó tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiêm túc chấp hành các quy định pháp luật và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động kinh doanh, đại lí bảo hiểm; khẩn trương rà soát, nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động cung ứng dịch vụ liên quan đến bảo hiểm trên toàn hệ thống, không để xảy ra trường hợp cán bộ/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm dưới mọi hình thức; đồng thời xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm quy định nội bộ, quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực bảo hiểm. Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp xử lí nghiêm trong trường hợp phát hiện nhân viên/đơn vị kinh doanh “ép” khách hàng mua bảo hiểm và tổ chức tín dụng chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật đối với hành vi này; chỉ đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Cục Quản lí giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tiến hành thanh tra, xử lí các vi phạm trong hoạt động đại lí bảo hiểm của tổ chức tín dụng.

Mặt khác, hành vi tư vấn để người dân ký hợp đồng tiết kiệm nhưng bản chất lại tham gia bảo hiểm nhân thọ có dấu hiệu hành vi của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi năm 2017.

“Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ”

Như vậy để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, người dân có thể chọn một trong hai cách sau:

Khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân tuyên hủy hợp đồng bảo hiểm do bị lừa dối

Tố cáo ra cơ quan cảnh sát điều tra vì bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm nhân thọ: Trách nhiệm của nhân viên tư vấn ra sao?