Đi xe biển giả có thể bị phạt đến 6 triệu đồng, thu GPLX 3 tháng

Việt An (ghi)| 19/02/2023 08:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trường hợp điều khiển xe ô tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp để tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng; bị tịch thu biển số không đúng quy định; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

Hỏi: Tôi đang tham gia giao thông trên đường bằng xe máy, đi đúng làn đường và đội mũ bảo hiểm có cài quai. Xe của tôi có gương chiếu hậu đầy đủ nhưng Cảnh sát giao thông vẫn ra hiệu lệnh yêu cầu dừng xe để kiểm tra giấy tờ. Sau khi kiểm tra xong giấy tờ, tôi không vi phạm giao thông và tiếp tục được điều khiển xe tham gia giao thông. Tôi được biết, có Thông tư quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ của CSGT nhưng tôi chưa nắm rõ. Xin hỏi, những trường hợp nào CSGT được dừng phương tiện để kiểm tra giấy tờ của người đang tham gia giao thông? Sử dụng biển số giả để tham gia giao thông bị xử lý như thế nào?

Độc giả Vũ Văn Thành, Hà Nội

Trả lời: Về vấn đề này, luật sư Trương Quốc Hòe  Trưởng VPLS Interla, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội tư vấn như sau:

Căn cứ Khoản 1 Điều 16 Thông tư 65/2020/TT-BCA quy định về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát, Cảnh sát giao thông thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:

 Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

 Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đi xe biển giả có thể bị phạt đến 6 triệu đồng, thu GPLX 3 tháng

Một chủ xe sử dụng biển số giả ngũ quý 9 lưu thông trên đường bị lực lượng CSGT lập biên bản 

 Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.

Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Theo quy định trên, thì nếu thuộc một trong các trường hợp này thì cảnh sát giao thông có quyền kiểm tra giấy tờ của bạn. Bạn cần nghiêm túc chấp hành vì đây chỉ là hình thức kiểm tra giấy tờ xe của bạn có đầy đủ hay không.

Sử dụng biển số giả để tham gia giao thông bị xử lý như thế nào?

Tại Khoản 6 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông:

 Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

 Điều khiển xe gắn biển số không đúng với Giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);

Sử dụng Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường không do cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc bị tẩy xóa; sử dụng Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);

 Điều khiển xe không có Giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (đối với loại xe có quy định phải kiểm định, trừ xe đăng ký tạm thời) hoặc có nhưng đã hết hạn sử dụng từ 01 tháng trở lên (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc);

Điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí; gắn biển số không rõ chữ, số; gắn biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; sơn, dán thêm làm thay đổi chữ, số hoặc thay đổi màu sắc của chữ, số, nền biển (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Theo Khoản 8 Điều 16 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 9 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP về xử phạt người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy định về điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông, cụ thể như sau:

Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 3; khoản 4; khoản 5; điểm c khoản 6; điểm a khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

 Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 3, điểm d khoản 4 Điều này bị tịch thu đèn lắp thêm, còi vượt quá âm lượng;

 Thực hiện hành vi quy định tại điểm a, điểm b khoản 6 Điều này bị tịch thu Giấy chứng nhận, tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, Giấy đăng ký xe, biển số không đúng quy định hoặc bị tẩy xóa; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;

Như vậy, trường hợp điều khiển xe ô tô gắn biển số không đúng với giấy đăng ký xe hoặc gắn biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp để tham gia giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng; bị tịch thu biển số không đúng quy định; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi xe biển giả có thể bị phạt đến 6 triệu đồng, thu GPLX 3 tháng