Chính trị

GS. TS Hoàng Chí Bảo: “Pho sử sống” về Bác Hồ

Tuấn Dũng + Tuyết Nhung 20/05/2024 10:13

GS. TS Hoàng Chí Bảo, người đã dành hơn 50 năm sưu tầm, nghiên cứu, kể chuyện về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Sự phân tích, nhìn nhận và cách kể chuyện của GS. TS đã giúp khán giả có thể cảm nhận đầy đủ, chân thực nhất về tầm nhìn, những nỗi lòng của Bác. Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), Báo Công lý đã có buổi trò chuyên cùng với GS. TS Hoàng Chí Bảo để bạn đọc có thể hiểu thêm về nhân vật được ví như “Pho sử sống” về Bác.

1-2-.png
2.png
17.jpg

PV: Đã có rất nhiều người kể chuyện về Bác Hồ nhưng với GS. TS Hoàng Chí Bảo thì rất khác. Dù trong hoàn cảnh khác nhau, đối tượng và bối cảnh đất nước khác nhau, nhưng điều đọng lại mỗi khi khán giả được lắng nghe GS. TS kể về Bác luôn là cảm xúc sâu sắc, sự chân thành, chân thực nhất. Vậy điều gì đã khiến GS. TS truyền được nhiều cảm xúc đến khán giả như vậy?

Các bạn đều biết Bác Hồ mất từ ngày 2/9/1969 cách đây 55 năm. Gần 20 năm nay Đảng ta đã có chủ trương học tập, làm theo Bác cả về tư tưởng, đạo đức và phong cách trong Đảng, trong dân và trong toàn quân. Chính trong những bối cảnh như vậy, tôi đã có điều kiện tiếp xúc với nhiều đối tượng trong xã hội để truyền tải những câu chuyện về Bác. Để mọi tầng lớp trong nhân dân hiểu được rõ hơn về phong cách, tư tưởng của Bác. Thống nhất một nhận thức, thống nhất một niềm tin để từ đó đi đến hành động.

fff.png

Điều khiến tôi truyền được những cảm xúc đến với khán giả là từ những buổi được tiếp xúc, gặp gỡ với những nhà lãnh đạo của Đảng, Nhà nước từ Trung ương đến địa phương, nhân dân tại cơ sở, đến những đối tượng đặc biệt như người khiếm thị, khuyết tật, các cháu nhi đồng, các tăng ni, phật tử ở Phật giáo, những tu sĩ Công giáo, các Đại sứ quán các nước, đồng bào, cán bộ nhân viên, cộng đồng người Việt tại nước ngoài.... tôi thấy đối tượng dù rất đa dạng nhưng có một điểm chung là tất cả đều cảm nhận được tình cảm sâu sắc, đằm thắm của Bác Hồ với mọi tầng lớp, với người dân.

chu-tich-ho-chi-minh-tham-ke-bao-ve-o-song-da-o-co-do-huyen-ba-vi-tinh-ha-tay-nay-ha-noi-ngay-8-7-1958.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm kè bảo vệ ở sông Đà ở Cổ Đô, huyện Bà Vì, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội), ngày 8/7/1958. Ảnh: Tư liệu.

Mỗi câu chuyện kể về Bác đều toát lên tình cảm của Bác với dân với nước. Những giờ phút cuối đời, Bác vẫn chỉ nghĩ cho dân. Trong mùa đi tránh lũ, đê vỡ, chúng ta muốn rời Bác từ Hà Nội về vùng đá Chông, Ba Vì. Bác khóc và không đi và nói: “Bác không thể bỏ dân mà đi được. Việc của các chú là phải chống được lũ, giữ được đê, đảm bảo an toàn cho dân, chứ không phải lo riêng cho Bác.” Học trò xuất sắc của Bác là Thủ tưởng Phạm Văn Đồng được Bác dặn: “Chú đừng đi công tác xa, ở lại gần đây với Bác. Có việc gì thì thay Bác giải quyết cho đồng bào.”

wffw.jpg
Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi các tỉnh có đê, tháng 5/1945. Ảnh: Tư liệu.

Những giờ phút hấp hối trên giường bệnh, sắp đi xa Bác cũng chỉ hỏi về dân. “Đê vỡ có nhiều không? Có kịp sơ tán dân đi không?” Xâu chuỗi tất cả các sự kiện ở những thời điểm khác nhau. Những câu nói khác nhau của Bác, trong lòng tôi luôn bị ám ảnh bởi một dằn vặt: Bác thương dân đến như vậy. Bác hóa thân vào dân đến như vậy. Có lẽ nào mà chúng ta không thể học Bác có được tình cảm đó với dân.

Với những người dân, tôi đặc biệt xúc động khi các em nhỏ hồn nhiên, ngây thơ khi nghe thầy nói chuyện xong chạy ùa lên bục giảng để xin chữ ký. Đông quá, tôi không thể nào ký hết, không xin được các cháu khóc. Tôi phải nhờ cô Hiệu trưởng đi photo chữ ký của thầy để em nào cũng có. Đó là những tình cảm chân thành nhất dành cho Bác.

Các học viên của trường Phật giáo Sóc Sơn, từ Đại học đến lớp Tiến sĩ họ đều khóc khi nghe những bài giảng về Bác. Những giọt nước mắt trên gò má, đuôi mắt cho ta đo được tấm lòng của người dân trong mọi hoàn cảnh khác nhau với Bác Hồ.

quqwfqw(1).jpg
GS.TS Hoàng Chí Bảo dự truyền đạt trực tiếp tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong công tác Tòa án và trách nhiệm nêu gương của Thẩm phán, công chức Tòa án.

Tôi không thể nào quên những ấn tượng sâu sắc đó để đem vào những câu chuyện. Bởi đó là những chân thật nhất từ Bác đến với dân và từ dân với Bác. Đó là sự bền bỉ của cảm xúc. Điều đặc biệt để chúng ta có thể neo giữ tâm hồn. Những kỉ niệm về Bác luôn mang lại bài học thiết thực nhất về đạo đức, lối sống cho mỗi một con người.

Trong những đối tượng này, tôi muốn đề cập đến đối tượng mà họ không nhìn thấy diễn giả vì họ không thấy được ánh sáng nữa. Đấy là một thiệt thòi về số phận. Bác rất thương, tôn trọng người khiếm thị. Bác luôn gọi họ những người tàn mà không phế. Tôi đã nói: “Tôi nhìn thấy các bạn nhưng các bạn không nhìn thấy tôi. Nhưng các bạn có thể nhìn thấy nhau, nhất là nhìn thấy Bác Hồ từ trái tim. Và rồi tất cả đều khóc.

uawfqf(1).png

Chúng ta có một sự hội tụ, gặp gỡ nhau, có một nhịp chung là tình yêu mênh mông của Bác Hồ, là tình cảm không bao giờ vơi cạn của chúng ta với Bác Hồ. Đúng như câu ca của người dân Nam Bộ: “Tháp Mười đẹp nhất bông sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.” Hay tấm lòng của bà má miền Nam, trong ngày tiễn con ra Bắc tập kết: “Con ra thưa với Cụ Hồ, đất này chỉ có một màu cờ vàng son”. Như nhà thơ Tố Hữu, người đã nói hộ lòng chúng ta “Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn”. Tất cả đã gây nên ấn tượng sâu sắc cho bản thân tôi.

PV: Với những tình cảm to lớn như vậy, cơ duyên nào đã đưa GS. TS đến với việc tìm hiểu, nghiên cứu cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Cũng như bắt đầu kể những câu chuyện về Người?

Khi Bác mất, tôi đã 25 tuổi. Tôi đã đứng trên bục giảng với vai trò là một nhà giáo dạy văn, lịch sử. Bác cũng là một nhà giáo. Đó là kỉ nhiệm hạnh phúc của những người dạy học. Khi Bác mất, chúng tôi cùng với những thế hệ sinh ra trong Cách mạng tháng 8 đã có 1/4 thế kỷ để trưởng thành. Tôi may mắn khi được dự lễ tang của Bác tại Quảng trường Ba Đình. Cả một biển người để nghe lời điếu văn của Trung ương Đảng do đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn đọc. Lời đọc vô cùng truyền cảm và Đảng ta công bố di chúc của Bác.

Trong lễ truy điệu, 21 loạt đạn đại bác gầm vang, xé nát trái tim những người con dân Việt Nam. Trong khi tất cả những người dự tang đều đẫm nước mắt và giơ tay thề “Vĩnh biệt Người”. Khi được chứng kiến trực tiếp cảnh đó, cũng từ giây phút thiêng liêng trong lòng tôi đã lòng dặn lòng hãy để cả cuộc đời để nghiên cứu về Bác. Điều này không chỉ xuất phát từ lý do nghề nghiệp vì tôi là một nhà giáo dạy văn, dạy những tác phẩm về Bác như “Nhật ký trong tù”, các chùm thơ xuân của Bác. Nó còn xuất phát từ tình yêu, từ nhu cầu khát khao được học tập, làm theo Bác để con người trở nên tốt đẹp nhất. Đây là sự thôi thúc từ trái tim, từ tâm hồn, chứ không còn đơn thuần là một nghĩa vụ lý trí.

ngay-9-9-1969-le-quoc-tang-chu-tich-ho-chi-minh-duoc-cu-hanh-trong-the-tai-quang-truong-ba-dinh-lich-su-anh-tu-lieu.jpg
Ngày 9/9/1969, Lễ Quốc tang Chủ tịch Hồ Chí Minh được cử hành trọng thể tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Ảnh: Tư liệu.

Sau này tìm hiểu tôi mới biết bốn chiếc phi cơ phản lực bay trên bầu trời Ba Đình vào ngày Bác mất. Chúng nối đuôi nhau, bay rất thấp để vĩnh biệt Bác. Trong số những phi công vinh dự được chọn, có Anh hùng Nguyễn Văn Bảy ở Đồng Tháp, người được công nhận là phi công đẳng cấp Quốc tế đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ. Anh Bảy đã kể lại khi lao vào giặc chỉ dũng mãnh, không một chút sợ, không chút do dự, giữ bằng được máy bay mà không nhảy dù. Khi ra khỏi buồng lái, mặt đen nhẻm như hòn than mới biết là mình còn sống. Người như thế mà trong ngày Bác mất, lái bay nghiêng cánh trên bầu trời Thủ đô để vĩnh biệt Bác. Anh kể lại là vừa bay, vừa khóc.

Chúng ta phải được nghe những câu chuyện như vậy thì trái tim mới có thể rung lên như thế nào. Do đó, tôi muốn nói cơ duyên lịch sử dẫn đến việc tôi để cả cuộc đời nghiên cứu về Bác. Rồi sau này là truyền tải tư tưởng của Bác qua hình thức chuyện kể. Bản thân tôi cũng là nhà nghiên cứu, công việc chính là viết sách, thể hiện các tác phẩm, công trình, bài giảng cho các lớp đào tạo của Trung ương, các lớp cao cấp đến tận cơ sở các địa phương.

Cho nên kể chuyện về Bác Hồ là việc không tách rời khỏi hoạt động chủ yếu là nghiên cứu và truyền bá. Nghiên cứu là để truyền bá, truyền bá phải trên cơ sở thúc đẩy kết quả nghiên cứu. Trong quá trình đó, tôi nhận thấy Bác là một nhà lý luận, nhà tư tưởng kiệt xuất nhưng lại vô cùng giản dị. Bác không hề dùng ngôn ngữ hàn lâm, bác học. Nhưng câu chuyện của Bác giản dị, đời thường mà sao lại xúc động đến vậy.

d.png

Sắp tới Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam thì Bác cũng là một nhà báo lỗi lạc. Phong cách báo chí, phong cách văn chương của Bác là rút ra được trong chính sự nghiệp, trong cuộc đời của Bác. Thể hiện trong từng trang sách, từng lời văn, từng câu chữ đều rất lấp lánh, sinh động. Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn ví như những hạt ngọc. Tư tưởng của Bác là cả kho báu mà chúng ta chưa khai thác được bao nhiêu. Từ nhận thức đó, tôi đi tìm những câu chuyện kể, những tư liệu về Bác để sắp xếp theo chủ đề, hoặc theo sự kiện thời gian hoặc từng phương diện, từng lĩnh vực như Kinh tế, Chính trị, Văn hóa – Xã hội. Với Bác là Văn học – Nghệ thuật, là công tác đối ngoại.

Cả những bài báo trả lời nhà báo nước ngoài thể hiện tầm nhìn, dự báo chiến lược của Bác. Bác là một nhà tiên tri, nhà dự báo thiên tài của cách mạng Việt Nam. Từ những câu chuyện như vậy, làm cho lý luận gắn liền với thực tiễn. Câu chuyện về lý luận nó hòa quyện với những sự kiện chân thực của cuộc sống. Chính từ cuộc đời, từ ứng xử của Bác với mọi đối tượng. Bác đối xử với nông dân khác, với công nhân khác, với các nhà tu hành khác, tri thức học giả khác hay với cả kẻ thù cũng khác. Kẻ thù cũng bị Bác khuất phục. Một con người làm chủ mọi tình huống, làm chủ mọi sự kiện. Tôi nghĩ chỉ có cách kể chuyện về Bác mới tải hết được những suy tư về tầm vóc vĩ đại như vậy của Bác. Đó cũng là động lực thúc đẩy tôi cùng với nghiên cứu, giảng dạy lại trở thành người đi kể chuyện về Bác Hồ.

PV: Là diễn giả đã có những buổi trò chuyện về Bác để lại đầy cảm xúc cho người nghe, GS. TS có thể kể về kỉ niệm đặc biệt nhất của bản thân trong quá trình đi kể chuyện ?

Có nhiều buổi mà chính tôi hay người nghe cảm thấy câu chuyện về Bác vô cùng đặc biệt. Bản thân tôi là người nói ra, nhưng đến khi hồi tưởng lại, mình cũng cảm thấy bị ám ảnh. Nhưng nói đến Bác là tiêu biểu cho vấn đề văn hóa. Văn hóa làm người , văn hóa ứng xử, bao nhiêu thông điệp của Bác đều về hòa bình.

Thế giới còn tôn vinh Bác là kiểu mẫu của văn hóa hòa bình. Bác cũng là kiểu mẫu của văn hóa khoan dung, nhân nhượng, đối thoại, dân chủ để tranh thủ được lòng người. Đi tìm sự đồng thuận, gạt bỏ cái khác biệt. Nhưng điều khiến tôi cảm thấy đặc biệt, xúc động nhất là kể cho người nghe những câu chuyện về người thân trong gia đình Bác. Bác còn sống đến 79 tuổi. Mẹ Bác chết trẻ khi chỉ có 33 tuổi, anh trai Bác mất khi 62 tuổi, chị gái Bác có 70 tuổi, bà nội Bác chỉ được 32 tuổi, em nhỏ của Bác cũng chỉ có 4 tháng tuổi. Cô Huệ một thời kín đáo, ta không nhắc đến. Nhờ đến nhà văn Sơn Tùng ta mới biết đến chuyện cô Út Huệ. Một câu chuyện rất đỗi chân thực về đời thường của Bác.

ba-con-nhan-dan-xa-kim-lien-don-bac-ve-tham-nam-1957-anh-bthcm.jpeg
Bà con nhân dân xã Kim Liên đón Bác về thăm năm 1957. Ảnh: Tư liệu.

Càng kể những câu chuyện này càng thấy Bác hiện lên như một con người chứ không phải là một vị thánh. Có niềm vui, có nỗi đau như bao người bình thường khác dù Bác rất vĩ đại. Nên chính vì vậy, những câu chuyện xúc động, chạm đến trái tim người nghe đó là những câu chuyện ấn tượng nhất với tôi. Khi nhắc tới những người thân trong gia đình Bác mất, Bác đã khóc.

Bác khóc trước anh, trước chị, Bác nhận tội “bất đễ” khi không thể làm trọn trách nhiệm của một người em. Chỉ vì yêu nước, thương dân mà không thể về chịu tang. Bác làm giỗ mẹ giữa Paris khi đã trở thành thành viên Đảng Cộng sản Pháp. Bác cũng chỉ về thăm quê có 2 lần thôi. Mà khi về, tay Bác chạm vào cánh võng, cái tủ, cái gường xưa. Bác ngồi ở bậu cửa nhìn cây mít, bờ ao, nhìn khóm chè mạn, nhìn thảm cỏ… Lãnh tụ nhưng Người không quên một chi tiết nào.

Tại sao Bác chưa về được Cao Lãnh lần nào để thăm mộ cha. Nhưng trong giá sách của Bác có một hộp gốc khảm rất đẹp mở ra có ảnh của ngôi mộ thân sinh ra Bác. Đấy chính là các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc đã đến đó chụp tấm ảnh trong vội vã mang ra đưa tặng Bác.

Câu chuyện thứ hai là trước lúc mất 2 tháng, Bác vẫn trả lời nữ nhà báo CuBa. Nhà báo hỏi: “Trong cuộc đời của Bác đâu là điều thiêng liêng nhất?”. Bác đã nói: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi.” Ngược lại lịch sử và đúng là cả cuộc đời Bác đã dâng hiến đến mức hóa thân vào đất nước, không có cuộc sống riêng tư, hòa trong cuộc sống của cả dân tộc.

Bác dặn là chôn Bác để có thể nằm trong lòng đất mẹ. Nói rộng ra Bác còn dâng hiến cả cuộc đời cho nhân loại, cả thế giới đều biết ơn Bác. Nhất là những dân tộc đang chống lại đế quốc, thực dân. Cảm động nhất là lời giải thích của Bác “Ở Việt Nam, ở miền Nam nước tôi mỗi người có một nỗi khổ riêng, mỗi gia đình có một nỗi đau riêng.

Cộng tất cả nỗi khổ mỗi người, nỗi đau mỗi nhà thì thành nỗi khổ đau của chính bản thân tôi.” Bác còn giải thích: “Ở miền Nam tôi không phải là Chủ tịch Hồ Chí Minh mà tôi là Bác Hồ”. Đó là sự thấu hiểu dân của Bác. Bác ở trong dân và dân ở trong Bác. Cho nên từ Bác Hồ là từ phổ biến nhất của thế gian để nói về sự toàn diện, toàn mỹ. Đó chính là niềm an ủi, tự hào của chúng ta.

18.jpg

PV: Không chỉ dừng lại là người kể chuyện mà GS. TS cũng có rất nhiều tác phẩm về Hồ Chí Minh được xuất bản. Vậy trong kho tàng đó GS. TS có kỷ niệm và tâm đắc với tác phẩm nào nhất?

Đảng ta nói là học tập làm theo Bác, học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác. Tôi thì hiểu có một cái mắt xích rất quan trọng đó là phương pháp Hồ Chí Minh. Chính phương pháp này mới truyền dẫn tư tưởng, hành động và thực tiễn. Chính cái phương pháp này nó mới kết tinh được cái đặc sắc của Bác là phong cách. Cho nên muốn nghiên cứu tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác thì không thể bỏ qua phương pháp Hồ Chí Minh.

ok.png

Và vì vậy mà từ rất lâu rồi tôi đã chuyên tâm nghiên cứu vấn đề này và tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh. Cái phương pháp này không chỉ là phương pháp tư duy mà là phương pháp hành động, phương pháp lãnh đạo, phương pháp quản lý. Và điển hình nhất trong Bác là phương pháp ứng xử. Ứng xử với chính mình, ứng xử với người khác, ứng xử với tổ chức, ứng xử với bạn bè Quốc tế, kể cả ứng xử với kẻ thù.

Và tôi cho rằng đây có lẽ đây là chỗ mà chúng ta có cơ hội khai thác rất nhiều điều đặc sắc, riêng có ở Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng ta không thể bỏ qua. Và tôi tự đặt cho mình một nhiệm vụ phải giải quyêt nó về mặt khoa học, tức là nghiên cứu nó.

fwwfqwq.png

“Tìm hiểu phương pháp Hồ Chí Minh” là công trình của tôi đã được tái bản rất nhiều lần. Nó cũng đã từng được Giải thưởng sách hay của Việt Nam. Ban đầu nó chỉ là một cuốn sách chuyên khảo ngắn, rồi sau đó tôi mở rộng dần. Tôi đã nghiên cứu từ sự kiện, từ tác phẩm cho đến các bình diện tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Mối quan hệ giữa các bộ phận với nhau và nhất là cái nghệ thuật ứng xử Hồ Chí Minh trong phương pháp Hồ Chí Minh. Đó là điều mà tôi muốn truyền tải đến các bạn đọc, các đọc giả. Nhất là các em học sinh mà bản thân tôi dạy dỗ họ. Các học viên cao học để làm Luận văn Thạc sĩ, các nghiên cứu sinh để làm Luận án Tiến sĩ thì họ cần phải thấu hiểu những vấn đề này. Nhất là ngành Hồ Chí Minh học.

PV: Là nhà nghiên cứu về Tư tưởng Hồ Chí Minh trong hơn 50 năm, đã từng đọc rất nhiều tài liệu về Người. GS. TS nhận thấy gì từ tính Khoa học, tính Cách mạng, tính Nhân văn trong tư tưởng của Người?

Tôi trở lại với một sự kiện mới gần đây thôi. Năm ngoái báo Quân đội nhân dân có gửi thư mời tôi tham gia Cuộc thi Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Và có đặt hàng cho tôi viết một chuyên luận “Bảo vệ tính Khoa học, tính Cách mạng, tính Nhân văn của tư tưởng Hồ Chí Minh”. Và công trình này như các bạn biết đã được trao Giải nhất trong cuộc thi đó. Ở đây chữ tư tưởng, đạo đức và phong cách là một chỉnh thể không chia cắt; tính Khoa học, tính Cách mạng, tính Nhân văn trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là một hệ thống chỉnh thể các giá trị không chia cắt.

awq.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng bào cả nước. Tư tưởng cách mạng xuyên suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc. Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên là phải luôn gần dân và sát dân..

Trong tính Khoa học có biểu hiện tính Cách mạng. Tính Khoa học và Cách mạng được thể hiện rõ rệt nhất trong giá trị Nhân văn Hồ Chí Minh. Cho nên nói nó là một chỉnh thể là như vậy. Nhưng có thể tách ra để nghiên cứu, nói đến tính Khoa học của Tư tưởng Hồ Chí Minh thì đó là Người rất tôn trọng sự thật khách quan. Người rất tôn trọng chân lý, rất tôn trọng sự thật. Đúng hơn là Người coi trọng thực tiễn.

Và Chủ tịch Hồ Chí Minh là người mà thống nhất giữa thực tiễn và lý luận. Mà bản thân Người rất chủ động thực hành, tức là hành động. Ta không thể quên được cái luận điểm của Người là “Thực hành sinh ra hiểu biết. Hiểu biết tiến lên lý luận, lý luận lãnh đạo thực hành”.

aga.png

Nói đến tính Khoa học tức là vạch ra được bản chất của sự vật, nhận thức được quy luật, khám phá các mối quan hệ. Mà quan hệ máu thịt nhất là Đảng với Nhân dân, quan hệ dân tộc với thời đại, với quốc tế, quan hệ giữa độc lập dân tộc với Chủ nghĩa Xã hội, giữa độc lập với tự do và hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc sắc ở những mối quan hệ đó. Thì theo tôi tính Khoa học này có giá trị rất là điển hình.

Ngoài ra, tính Khoa học của Hồ Chí Minh biểu hiện còn ở trong tư tưởng đổi mới. Bác là người nêu vấn đề đổi mới rất sớm. Đổi mới ngay cả khi Đảng ta còn chưa ra đời cơ. Ngay cả khi Cách mạng còn chưa thành công. Bằng chứng là năm 1923 khi Bác sang Liên Xô để gặp Lênin nhưng không gặp được vì Lênin ốm nặng.

Bác nhìn đất nước họ hồi sinh nhờ tư tưởng cải cách kinh tế của Lênin. Bác đã thầm nghĩ ngay Việt Nam rồi sau này phải ứng dụng tân kinh tế chính sách của Lê nin. Và trong đổi mới, Chủ tịch Hồ Chi Minh rất chú trọng kế thừa truyền thống để phát triển hiện đại, gắn liền dân tộc với quốc tế. Đặc biệt nữa là có lẽ chỉ có duy nhất Hồ Chí Minh mới xử lý thành công mối quan hệ giữa cũ và mới.

Các bạn đều biết trong tác phẩm “Đời sống mới” Bác viết “Cái gì cũ mà xấu thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm”. Thế cho nên Bác đã đưa ra một định nghĩa Cách mệnh. Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới. Phá cái xấu đổi ra cái tốt. Đó là tư tưởng khoa học.

Tư tưởng khoa học của Bác còn ở chỗ làm Cách mạng phải làm đến nơi. Đến nơi tức là làm triệt để. Người viết: "Chúng ta đã hy sinh làm cách mệnh, thì nên làm cho đến nơi, nghĩa là làm sao cách mệnh rồi thì quyền giao cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới hạnh phúc”.

Còn đối với tính Cách mạng thì rõ nhất là thế này: Làm Cách mạng để giải phóng dân tộc, để phát triển dân tộc tới Chủ nghĩa Xã hội. Và cuộc cách mạng đó phải có Đảng lãnh đạo. “Cách mạng trước hết phải có cái gì” Bác hỏi. Phải có Đảng, mà Đảng phải có cái gì trước hết, phải có chủ nghĩa. Không có chủ nghĩa Đảng như người không có trí khôn, như người đi đường không có la bàn chỉ nam. Cho nên Bác rất chú trọng lý luận trong Đảng, chú trọng tính tiên phong của Đảng. Và sau này khi đã cầm quyền Bác càng chú trọng đến tính gương mẫu của cán bộ, Đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đúng là bây giờ Đảng ta đang làm như thế.

agga.jpg
Bác Hồ thân mật trò chuyện với họa sĩ lão thành Nguyễn Phan Chánh. Ảnh Tư liệu.

Còn tính Nhân văn thì không có gì cảm động hơn đó là câu này của Bác: "Sông sâu, bể rộng bao nhiêu nước cũng vừa, cái đĩa cạn, cái chén nhỏ thì chỉ một giọt nước cũng tràn đầy. Chỉ sợ mình không có lòng bao dung nhân ái, chứ không sợ người ta không theo mình". Đó là sự bao dung nhân ái, chất nhân văn của Hồ Chí Minh. Cái nhân văn đó là tôn trọng con người, nâng niu giá trị con người. Bác dạy chúng ta là phê bình việc chứ không phê bình người. Bác nói là “Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều họp lại nơi bàn tay.” Phải làm sao cho cái hay cái tốt nảy nở như hoa mùa xuân. Cái xấu, cái dở mất dần đi rồi mất. Đến mức mà kẻ thù cũng được Bác cảm hóa.

ewwefwf.jpg
Thư của bác viết là một kho tàng đồ sộ, chứa đựng cả tư tưởng chính trị, tầm nhìn thời đại, giá trị văn hóa, giá trị lịch sử và lịch đại. Ảnh Tư liệu.

Có lãnh tụ nào của phe chiến thằng mà đi thăm tù nhân bại trận, chỉ có Bác Hồ. Bác có cả những bức thư gửi cho tù bình, hàng binh. Bác gọi họ là các bạn, Bác gửi lời hỏi thăm bố mẹ, gia đình của họ. Bác nối kết tình hữu nghị như vậy. Và Bác kết luận bức thư: “Vĩnh biệt các bạn thân mến, các con của tôi!” Bức thư này là tác phẩm để đời của Bác. Bức thư đã cho cả thế giới biết rằng chúng ta có một con người như Hồ Chí Minh, lãnh tụ Cộng sản vĩ đại, bao dung như trời biển như vậy. Không phải không có lí do khi Bác được đánh giá có tâm hồn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, có trí tuệ của Marx–Lenin, lại có đức Từ - Bi - Hỉ - Xả của nhà Phật, có lòng bao dung nhân ái của Đức Chúa. Hội tụ tất cả trong Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là tính Khoa học, Cách mạng và Nhân văn.

PV: Tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng là cơ sở lý luận có giá trị to lớn đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay. GS.TS có nhận định gì về câu chuyện này và tính thời sự của nó?

Có thể nói đây là câu hỏi rất nóng bỏng hiện nay. Khi đã cầm quyền, cách mạng có nguy cơ thoái hóa. Mà nguy cơ thoái hóa lớn nhất là quan liêu và tham nhũng. Nó không còn là người bạn của dân nữa, nó không còn là đầy tớ của dân nữa mà nó hiện nguyên hình là kẻ thù của dân. Bác nói là: “Mỗi đồng tiền, bát gạo của dân là mồ hôi nước mắt của dân, thương dân thì phải tiết kiệm; lãng phí là không thương dân; tham ô, tham nhũng là có tội với dân, ăn cắp của dân, hại dân, hại nước.” Bác ra Chỉ thị trừng trị tất cả những kẻ bất liêm bất kể chúng là ai.

Trong một tác phẩm rất nổi tiếng “Quốc lệnh”, Bác viết 10 điều khen thưởng cho những người có công thì rất trọng hậu, xứng đáng để động viên, tạo động lực phát triển. Nhưng 10 điều trừng phạt, Người rất nghiêm khắc, từ điều phạt thứ nhất đến điều phạt thứ 10, tất cả việt gian, phản quốc, tham ô, tham nhũng, hại dân, hại nước đến mức vi phạm đạo đức nghiêm trọng phải trừng trị, Người ghi mức án cao nhất là tử hình.

Người giải thích thấu đáo thế này: “Quan tham vì dân dại. Nếu dân hiểu biết, không chịu đút lót, thì “quan” dù không liêm cũng phải hóa ra liêm”. Vì vậy, dân phải biết quyền hạn của mình, phải biết kiểm soát cán bộ, để giúp cán bộ thực hiện chữ liêm. Bác không có huyễn hoặc, lý tưởng hóa đội ngũ cán bộ, công chức. Bác cũng khéo léo phê bình cả dân. Dân cũng phải chịu trách nhiệm về tình trạng này. Dân mà lại mở đường cho tham nhũng bằng cách đưa tiền, lót tay cốt cho được việc cho mình mà làm hỏng cái chung thì chính dân cũng là đồng phạm. Bác có những điều gợi mở bên trong mà chúng ta phải tự suy nghĩ. Những điều ấy bây giờ vẫn rất cần. Cho nên cuộc chiến chống tham nhũng bây giờ luôn luôn mang tính thời sự và càng ngày nó càng trở nên cấp bách, bức xúc.

Bác đã nói tham nhũng chính là “giặc nội xâm”, là kẻ thù từ bên trong. Trong cuộc chiến này mọi lợi ích là vì dân. Sinh thời, Bác có dặn cán bộ thu Thuế như này: “Thu thuế phải thu được lòng dân”. Trong cuộc chiến đấu chống tham nhũng này nó xuất phát từ hai yếu tố quan trọng: Một là Đảng phải thực sự gương mẫu, Đảng phải thực sự quyết liệt, đầy trách nhiệm trong cuộc chiến này. Hai là phải huy động tối đa sức mạnh của dân. Còn riêng cán bộ, Bác nói pháp luật không trừng trị hết được, cho nên mỗi người chúng ta phải tự mình đặt ra pháp luật để trị chính mình. Đó chính là đạo đức. Dùng đạo đức, dùng lương tâm, danh dự nó như cái đập chắn sóng, như con đê để chắn tất cả rác rưởi, xấu xa nó xâm nhập cơ thể của mình.

Chúng ta phải kiên quyết xóa bỏ thực trạng này bằng cuộc chiến dù đau đớn mấy cũng phải chấp nhận. Đau đớn đó là gì? Mất cán bộ, mà không chỉ cán bộ thường mà cán bộ cấp cao. Nhưng chúng ta phải chấp nhận để giữ cho Đảng trong sạch, vững mạnh và quan trọng nhất là giữ lòng dân.

PV: Đối với công cuộc chỉnh đốn Đảng hiện nay, thì Tư tưởng, tầm nhìn của Hồ Chí Minh được thể hiện như thế nào thưa GS?

Ta trở lại một sự kiện lịch sử. Bác là người sáng lập ra Đảng từ năm 1930, lúc bác 40 tuổi. Trước đó 10 năm vào năm 1920, Bác tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp.

chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-dung-tai-dai-hoi-lan-thu-xviii-cua-dang-xa-hoi-phap-nam-1920-va-nguoi-da-tham-gia-sang-lap-dang-cong-san-phap.-anh-tu-lieu-lich-su..jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh (người đứng) tại Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp (năm 1920) và Người đã tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Ảnh tư liệu.

Và chỉ nhờ uy tín của Bác mà 3 tổ chức Đảng riêng rẽ của ba miền đã hợp nhất. Trong lịch sử Đảng ta, Bác là tác giả đầu tiên của Cương lĩnh, tên Đảng Cộng sản Việt Nam do Bác đặt. Bác là nhân chứng của lịch sử, của thời đại, là người sáng lập ra Đảng.

chu-tich-ho-chi-minh-nguoi-dung-sang-lap-dang-cong-san-viet-nam-vao-ngay-3-2-1930-tranh-minh-hoa-cua-hoa-si-nguyen-phi-hoanh-tai-bao-tang-lich-su-quoc-gia.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh (người đứng) tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Tranh minh họa của họa sĩ Nguyễn Phi Hoanh.

Lúc Bác 70 tuổi, Đảng ta 30 tuổi, Bác có bài phát biểu rất cảm động rằng lịch sử Đảng ta là pho lịch sử bằng vàng, Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Sắp tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng chúng ta phải đưa được tư tưởng xây dựng Đảng về Văn hóa vào trong Văn kiện để thực hiện cho được lời của Bác “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

qufwq.jpg
Xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”.

Di sản Hồ Chí Minh về Đảng là một bộ phận rất quan trọng và nó thể hiện rõ lý luận, thực tiễn Hồ Chí Minh, quan điểm, phương pháp, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Mà cái lõi của vấn đề là Đảng phải có quan hệ máu thịt với dân. Đảng tồn tại chỉ vì dân, và Đảng phấn đấu suốt đời để làm đầy tớ, công bộc cho dân, để dân có hạnh phúc. Được như vậy thì đó là điều xứng đáng của Đảng cầm quyền.

PV: Xin cảm ơn GS. TS về buổi trò chuyện!

dd-2-.png

Thực hiện nội dung: Tuấn Dũng, Tuyết Nhung.

Hình ảnh: Tuấn Dũng, Tư liệu.

Đồ họa: Tuấn Dũng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS. TS Hoàng Chí Bảo: “Pho sử sống” về Bác Hồ