Trong Điều 170 của Hiến pháp dự thảo năm 2013 quy định TAND có các nhiệm vụ sau đây: “Bảo vệ công lý; bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Về nhiệm vụ của TAND quy định trong Hiến pháp dự thảo năm 2013 có khác nhiều với quy định trong Hiến pháp năm 1992. Cụ thể là: trong Điều 126 của Hiến pháp năm 1992 có quy định TAND có các nhiệm vụ sau đây: “Bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân”.
Nghiên cứu nội dung các nhiệm vụ của TAND quy định trong Hiến pháp dự thảo năm 2013 mà chúng tôi trích dẫn ở trên thì thấy rằng: TAND là một bộ phận cấu thành của Nhà nước CHXHCN Việt Nam lại không có nhiệm vụ bảo vệ Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Còn lực lượng vũ trang nhân dân bao gồm: Công an nhân dân và Quân đội nhân dân cũng là một bộ phận cấu thành của Nhà nước CHXHCN Việt Nam lại có quy định nhiệm vụ đối với lực lượng vũ trang nhân dân là: “… bảo vệ Nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa…” (Điều 70 của Hiến pháp dự thảo năm 2013) thì đây là việc không bình thường.
Góp ý về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức
Việc Hiến pháp không quy định TAND có nhiệm vụ bảo vệ Nhà nước CHXHCN Việt Nam, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam và bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam thì người dân cũng được hiểu là QH phải có Nghị quyết bãi bỏ các tội xâm phạm an ninh quốc gia và các tội xâm phạm hoạt động tư pháp trong BLHS hiện hành. Vì các tội xâm phạm an ninh là các tội nhằm gây nguy hại cho Nhà nước CHXHCN Việt Nam, gây nguy hại cho chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Còn các tội xâm phạm hoạt động tư pháp là các tội gây nguy hại đến pháp chế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Do đó cần có sửa đổi bổ sung về nhiệm vụ của Tòa án.
Về một số cụm từ trong Điều 170 của Hiến pháp dự thảo năm 2013. Tại khoản 1 Điều 170 có quy định như sau: “TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”. Trong quy định này có cụm từ “quyền tư pháp”. Vấn đề đặt ra với người dân là: “quyền tư pháp” là quyền gì? Theo Từ điển tiếng Việt thì “tư pháp là việc xét xử các hành vi phạm pháp và các vụ kiện tụng trong nhân dân” (Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, xuất bản năm 2000). Còn theo nghĩa Hán Việt thì tư pháp là: Trông coi, bảo vệ pháp luật.
Ở một số nước khác thì “Tư pháp” được hiểu là một trong ba quyền: Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp, trong đó quyền tư pháp được hiểu là quyền xét xử do Tòa án thực hiện.
Tổng hợp các giải thích mà chúng tôi trình bày ở trên thì quyền tư pháp là quyền xét xử các vụ án do Tòa án thực hiện.
Tuy nhiên, trong khoản 1 Điều 170 của Hiến pháp dự thảo năm 2012 đã xác định rõ ràng là: TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam”. Như vậy là cùng một vấn đề về chức năng của TAND mà trong cùng một Điều 170 lại hai lần quy định với hai cụm từ khác nhau làm cho người đọc khó hiểu và trùng lắp nhiều lần là chưa đạt được yêu cầu đọc hiểu và nghe hiểu nên cần sửa đổi.
Về cụm từ “tư pháp” quy định trong khoản 1 Điều 170 của Hiến pháp dự thảo năm 2013 không phải là lần đầu quy định trong Hiến pháp nước ta. Tại Điều thứ 11 của Hiến pháp năm 1946 có quy định như sau: “Tư pháp chưa quyết định thì không được bắt bớ và giam cầm người công dân Việt Nam…”. Tư pháp trong điều này được hiểu là Tòa án chưa xét xử, chưa quyết định thì cơ quan, tổ chức, cá nhân không được bắt, không được giam công dân Việt Nam.
Tại khoản 2 Điều 170 có quy định như sau: “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý…”. Vậy thì, công lý là gì mà Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ. Theo Từ điển tiếng Việt thì: “Công lý là cái lẽ phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội” (tr.208, Từ điển tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng - Trung tâm Từ điển học, xuất bản năm 2000). Còn theo Từ điển Luật học thì: “Công lý là sự công bằng hay chính nghĩa, sự đúng lẽ phải” (tr.178, Từ điển Luật học, Nxb Từ điển Bách khoa - Nxb Tư pháp, xuất bản năm 2006). Tổng hợp các giải thích về cụm từ “công lý” mà chúng tôi trình bày ở trên thì công lý được hiểu là: lẽ phải phù hợp với đạo lý, sự công bằng đúng đắn, chính nghĩa phù hợp với lợi ích chung của xã hội.
Tuy nhiên, có một sự thật khách quan là có nhiều lẽ phải phù hợp với đạo lý với lợi ích chung của xã hội, nhưng không quy định trong pháp luật. Ví dụ một người có hành vi gây tiếng động to như hát hò, mở băng đĩa hát với âm lượng rất lớn gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe của những người xung quanh mà ai cũng biết là hành vi gây ồn ào đó là không phù hợp với đạo lý sống với lợi ích chung của xã hội, nhưng không có văn bản pháp luật xử lý người có hành vi gây ồn ào đó. Như vậy cũng được hiểu là TAND có nhiệm vụ với cả hành vi, sự việc mà pháp luật không quy định. Vậy thì, quy định TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý là có đúng với quy định tại Điều 2 của Hiến pháp dự thảo năm 2013 hay không? Trong Điều 2 của Hiến pháp dự thảo quy định: “Nhà nước CHXHCN Việt Nam là nhà nước pháp quyền”. Nhà nước pháp quyền là nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật.
Do đó, chúng tôi đề nghị bổ sung nhiệm vụ của TAND là “có nhiệm vụ bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Sửa đổi cụm từ “thực hiện quyền tư pháp” trong khoản 1 Điều 170 bằng cụm từ: “thực hiện quyền xét xử theo pháp luật” và sửa đổi cụm từ “công lý” trong khoản 2 Điều 170 bằng cụm từ “pháp luật”.
Khoản 1 Điều 170 sau khi sửa đổi có nội dung là: TAND là cơ quan xét xử của nước CHXHCN Việt Nam, thực hiện quyền xét xử theo pháp luật.
Khoản 2 Điều 170 sau khi sửa đổi có nội dung là: “TAND có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Đỗ Văn Chỉnh