Tòa án địa phương

Gieo luật ở miền mây xanh

Thanh Phương 26/01/2024 - 17:20

Đông sang, những cung đường vùng biên Mường Lát (Thanh Hóa) luôn bị bao phủ bởi mây mù, ướt rượt. Có vô vàn cách trở làm nản lòng những cán bộ miền xuôi lên đây công tác. Vậy mà có những thẩm phán, thư ký đã gắn bó với mảnh đất phên dậu này ngót 10 năm ròng. Hành trình gieo luật ở miền mây xanh dẫu có gian nan, vất vả nhưng cũng đầy tự hào.

Trắc trở vùng biên

Mường Lát là huyện miền núi phía Tây Bắc cách trung tâm Thanh Hóa 250 km, giáp với nước bạn Lào (105 km đường biên) và tỉnh Sơn La. Trên địa bàn huyện có hơn 40 nghìn dân bao gồm 6 dân tộc sinh sống là Thái, Mông, Mường, Dao, Khơ Mú và Kinh, trong đó dân tộc Thái và Mông chiếm đa số. Mật độ dân số chỉ 50 người/km2. Đời sống còn nhiều khó khăn nên người dân chưa nhận thức hết các quy định của pháp luật.

a1giaoluat.jpg
Phiên tòa lưu động tại Trường THPT Mường Lát.

TAND huyện Mường Lát hiện có 2 Thẩm phán (Chánh án và 1 Phó Chánh án) 3 Thư ký và 2 lao động hợp đồng. Địa bàn rộng, đường xá đi lại khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 80% dân số toàn huyện, trình độ dân trí thấp, nhận thức pháp luật còn hạn chế, Trong khi đó 6/7 cán bộ Tòa án là người miền xuôi được điều động lên miền núi công tác, không hiểu tiếng dân tộc của người địa phương nên gặp khó khăn trong giao tiếp và giải quyết công việc.

Phòng xét xử còn thiếu, thiết bị kỹ thuật, phương tiện làm việc phục vụ chuyên môn như: máy vi tính, máy nổ, tăng âm, loa đài vừa thiếu, hầu hết đã hết thời hạn sử dụng, hư hỏng không sử dụng được, do đó chưa đáp ứng được các yêu cầu về tổ chức phòng xét xử thân thiện, phiên tòa trực tuyến và các yêu cầu khác trong tình hình mới.

a3giaoluat.jpg
Chánh án huyện biên giới Mường Lát Nguyễn Tiến Dũng.

Vượt lên tất cả những khó khăn, TAND huyện Mường Lát luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Tổng số vụ, việc các loại đơn vị phải thụ lý, giải quyết năm 2023 tăng so với năm 2022 (166/128 vụ, việc) tăng 29,68%.

Tỉ lệ giải quyết, xét xử vụ, việc các loại so với năm 2022 tăng 31%, tỷ lệ giải quyết, xét xử từng loại án tăng hơn năm trước và đều vượt chỉ tiêu do ngành, do cơ quan đề ra. Trong tổng số vụ, việc các loại đã giải quyết, xét xử không có vụ án nào có kháng cáo, kháng nghị.

Tổng số các vụ, việc dân sự đơn vị đã giải quyết, xét xử là 59 vụ, việc; số vụ việc hòa giải thành là 42 vụ, việc. Tổng số vụ án được tổ chức tại phiên tòa rút kinh nghiệm, theo yêu cầu cải cách tư pháp là 8 vụ, bình quân mỗi Thẩm phán làm chủ tọa 4 phiên tòa.

Tổ chức phiên tòa và rút kinh nghiệm sau phiên tòa đã được thực hiện đúng hướng dẫn của TANDTC. Trong năm, đơn vị đã tổ chức được 2 phiên tòa lưu động. Tổng số bản án, quyết định thuộc diện phải công khai là 164 bản án, quyết định; đã công khai được 164 bản án, quyết định, đạt tỷ lệ 100%.

a2giaoluat.jpg
Pháp luật được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng sau các phiên tòa lưu động.

Việc công bố bản án, quyết định trên cổng thông tin điện tử Tòa án được chú trọng, thực hiện đúng thời hạn, đúng quy định về mã hóa bản án, quyết định theo hướng dẫn của TANDTC, bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng như bảo đảm nguyên tắc bảo mật thông tin có liên quan trong bản án, quyết định.

Tổng số người bị kết án và bản án đã có hiệu lực pháp luật phải đưa ra thi hành là 109 bị án. Đã ra quyết định, chuyển thi hành là 108 bị án, đạt tỷ lệ 100%. Trong số các bị án phải thi hành án phạt tù, đã đưa vào Trại chấp hành hình phạt 97 bị án, hiện nay trên địa bàn không còn bị án bị kết án phạt tù được tại ngoại.

Đơn vị đã phân công một Thư ký theo dõi và ra quyết định thi hành án hình sự,ủy thác thi hành án hình sự đúng quy định, bảo đảm các bản án đã có hiệu lực pháp luật đều được đưa ra thi hành đúng hạn và tống đạt thủ tục thi hành án hợp lệ cho 100% số bị án, cơ quan thi hành án. Việc thi hành án có sổ theo dõi, lập hồ sơ thi hành án chặt chẽ, đúng quy định, không có trường hợp nào thi hành mà không có hồ sơ.

Đưa các phiên tòa về cơ sở

Để thay đổi được những khó khăn này, cần rất nhiều thời gian và nỗ lực của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng. Một trong những biện pháp để khắc phục khó khăn mà TAND huyện Mường Lát thực hiện là chọn các vụ án có tính chất phổ biến để đưa xuống địa bàn xét xử lưu động.

a4gieoluat.jpg
Huyện biên giới Mường Lát còn nhiều khó khăn, vất vả do cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ.

Chánh án TAND huyện Mường Lát Nguyễn Tiến Dũng cho hay: Việc xét xử lưu động giúp người dân nắm được các quy trình tố tụng, chế tài xử lý và tính nhân văn khi lượng hình. Thông qua hoạt động tranh tụng công khai, các bị cáo, người dân sẽ hiểu được những hành vi vi phạm pháp luật để từ đó phòng tránh các hành vi phạm tội. Trong đó có 2 phiên tòa tại Trường THPT Mường Lát. Rất đông người dân, học sinh đã ngồi kín cả khuôn viên sân trường.

Thông qua việc tranh tụng công khai tại phiên tòa, HĐXX xác định việc bị cáo đánh gây thương tích cho bị hại là do sự bực tức bộc phát, mục đích là để đe doạ, không nhằm mục đích tước đoạt mạng sống của bị hại. Bị cáo đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình. Khi được nói lời sau cùng, các bị cáo mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật.

Trong quá trình xét xử các vụ án, TAND huyện Mường Lát phối hợp với Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Hội đồng phổ biến, giáo dục pháp luật huyện, để thực hiện các chuyên đề liên quan đến công tác đấu tranh, phòng chống các loại tội phạm và phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại địa phương.

Căn cứ vào mục tiêu, kế hoạch của cấp trên, việc tổ chức phiên tòa xét xử lưu động của TAND huyện Mường Lát đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền pháp luật trực tiếp, qua đó cảnh báo, răn đe phòng ngừa chung trước toàn thể xã hội, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, sức khỏe của người khác cũng như tích cực tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm.

Đánh giá về hoạt động của TAND huyện, Bí thư Huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca cho biết: Chi bộ TAND huyện là một trong những tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan văn hóa, sạch đẹp. Bí thư Chi bộ Nguyễn Tiến Dũng cùng với anh em thường xuyên phối hợp với thủ trưởng đơn vị tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của hệ thống TAND.

TAND huyện là một trong những đơn vị dẫn đầu về cải cách thủ tục hành chính. Đơn vị đã thành lập Tổ hành chính tư pháp, gồm 03 đồng chí, do đồng 01 đồng chí Thư ký làm Tổ trưởng.

Chú trọng công tác tiếp dân, cải cách lề lối làm việc, siết chặt kỷ cương trong việc thực hiện nội quy, quy chế lao động và quy tắc ứng xử của công chức Tòa án, từ đó tạo niềm tin đối với công dân khi đến khiếu kiện, làm việc, tiếp xúc với cán bộ Tòa án. Trong năm qua, đơn vị không có đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đạo đức, tác phong của công chức, người lao động cũng như liên quan đến tập thể đơn vị.

Tăng cường đổi mới quy trình, thủ tục mang tính chất hành chính nhằm hỗ trợ cho hoạt động xét xử tại Tòa án, giải quyết các yêu cầu của công dân trước và sau các phiên tòa xét xử và các hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo Tòa án.

Việc tiếp nhận, xử lý đơn khởi kiện; thụ lý các loại vụ án; tham mưu cho Chánh án phân công Thẩm phán xét xử, giải quyết các loại vụ án; theo dõi phần mềm quản lý án… được thực hiện công khai, dân chủ. Đảm bảo tách bạch hoạt động quản lý hành chính với hoạt động nghiệp vụ tại Tòa án, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Trong năm 2023, không phát hiện biểu hiện tiêu cực trong thực thi công vụ của công chức, người lao động.

Bên cạnh đó, công chức, người lao động tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, theo tinh thần tương thân tương ái cao đẹp của dân tộc.

Hàng năm, đơn vị luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu vận động quyên góp từ thiện nhân đạo như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa, Quỹ ngày vì người nghèo, Quỹ mái ấm tình thương công đoàn, Quỹ tình nghĩa ngành TAND, Quỹ xây dựng nông thôn mới... với tổng số tiền hàng chục triệu đồng. Những hoạt động tương thân, tương ái giúp đỡ người yếu thế vượt qua khó khăn, vững bước tiến về tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gieo luật ở miền mây xanh