Năm qua, tập thể CBCC TAND quận 6, TP.HCM đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, giải quyết các loại án vượt chỉ tiêu đăng ký thi đua, chất lượng giải quyết án được nâng lên. Đặc biệt, tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành đạt cao đã góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chung của đơn vị.
Triển khai hiệu quả các phong trào thi đua
Căn cứ vào chương trình mục tiêu, nhiệm vụ công tác hàng năm, TAND quận 6 đã ban hành các kế hoạch về công tác thi đua, khen thưởng; đã phát động, hưởng ứng nhiều đợt thi đua thiết thực. Từ đó, giúp cho đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng và thực sự động viên cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ của mình.
Đặc biệt, phát động các phong trào thi đua “Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Tòa án nhân dân”; Thi đua ngắn hạn đợt 1 (ngày 01/10/2023 đến 31/3/2024) với chủ đề "Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 03/02/1930 – 03/02/2024”; Thi đua ngắn hạn đợt 2 (từ ngày 01/4/2024 đến 30/9/2024), chủ đề “Cán bộ, công chức, người lao động TAND hai cấp TP.HCM chủ động đổi mới sáng tạo, nâng cao phẩm chất đạo đức cách mạng, năng lực chuyên môn, đoàn kết, thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024”.
Bên cạnh đó, TAND Quận 6 triển khai hưởng ứng phong trào “Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm chống lãng phí”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025; “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở” giai đoạn 2019-2025; “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời” giai đoạn 2023-2030; “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025”.
Với việc triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, trong năm 2024, TAND Quận 6 đã phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu theo nội dung Chỉ thị số 01/2024/CT-CA ngày 02/01/2024, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác theo yêu cầu của Quốc hội và TANDTC. Cụ thể, năm 2024 tổng số các vụ việc đã giải quyết 1.424/1.572; đạt tỷ lệ 90,58%; bình quân mỗi thẩm phán giải quyết 7,9 vụ, việc/tháng.
Chất lượng giải quyết các loại án được nâng lên. Trong năm có 01 án bị hủy, 02 vụ bị sửa, tỷ lệ chung án bị hủy, sửa 03/1.424, tỷ lệ 0,21%, so với cùng kỳ năm 2023, tỷ lệ án hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm.
Trong năm qua, mặc dù đơn vị chỉ có 15 Thẩm phán, 10 Thư ký, nhưng tập thể cán bộ công chức đã nỗ lực phấn đấu, giải quyết các loại án vượt chỉ tiêu đăng ký thi đua. Hình sự đã xét xử đúng người, đúng tội, quyết định hình phạt nghiêm. Đối với các loại án Dân sự, Hôn nhân và gia đình, Kinh doanh thương mại, Lao động, Hành chính đã áp dụng đường lối giải quyết thích hợp trong từng trường hợp cụ thể, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đương sự, góp phần giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân.
Đơn vị chú trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại tất cả các phiên tòa. Đảm bảo việc giải quyết, xét xử và ra bản án, quyết định đúng pháp luật. Không có tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng gây khó khăn cho công tác thi hành án.
Công tác quản lý điều hành được nâng cao, tăng cường công tác kiểm tra giám sát tiến độ giải quyết các loại án, sớm đưa giải quyết các vụ án không còn điều kiện tạm đình chỉ, nên nhiều năm liền đơn vị không có án tồn đọng quá hạn do lỗi chủ quan của thẩm phán.
Xem xét quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại TAND, giải quyết: 167/167 trường hợp, đạt 100%. Giải quyết 01/01 yêu cầu mở thủ tục phá sản. Công tác thi hành án hình sự đạt 100%. Bản án, quyết định được công bố trên cổng thông tin điện tử của TANDTC là 422, chiếm tỷ lệ 100% trên tổng số bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật. Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm 30 phiên tòa/15 thẩm phán. Số liệu sử dụng, tương tác và đóng góp câu hỏi, câu trả lời cho phần mềm Trợ lý ảo: 100% công chức có chức danh tư pháp trong đơn vị đã sử dụng và đóng góp ít nhất 1 tình huống pháp lý theo quy định của TANDTC. Thực hiện xét xử trực tuyến 21 vụ án hình sự. Đề xuất 01 bản án làm nguồn phát triển án lệ.
Chú trọng công tác hòa giải, đối thoại
Chánh án TAND Quận 6 Nguyễn Văn Bình chia sẻ, chất lượng giải quyết các loại án của đơn vị ngày càng được nâng lên, các Thẩm phán đã chú trọng đến sự tự thương lượng giữa các đương sự nên cố gắng giải thích, động viên các đương sự hòa giải với nhau.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết án dân sự gặp nhiều khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, tống đạt các văn bản tố tụng do đương sự bất hợp tác, không chấp hành giấy triệu tập của Tòa án. Mặt khác, tính chất, mức độ tranh chấp của các loại vụ án ngày càng phức tạp, cần có thời gian điều tra xác minh, chờ kết quả giám định xây dựng, định giá tài sản nên một số vụ án có thời gian giải quyết bị kéo dài.
TAND quận 6 nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc hoà giải thành trong công tác giải quyết các loại án nên trong những năm vừa qua, tập thể đơn vị đã luôn chú trọng tới công tác hoà giải và xác định đây là một trong các nhiệm vụ, công tác trọng tâm của đơn vị nhằm phát huy, đề cao năng lực sáng tạo của cán bộ, công chức, khuyến khích các cá nhân đề ra những sáng kiến, cách làm hay và phương pháp hoà giải hiệu quả để từ đó nâng cao số lượng, chất lượng hoà giải thành.
Vì vậy, năm qua tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, khiếu kiện hành chính theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Bộ luật Tố tụng dân sự tăng cao đạt 72% (807/1.119 vụ, việc) tăng so với cùng kỳ năm 2023.
Hòa giải, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thi hành án; hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Từ đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án.
Trong công tác hòa giải, khâu chuẩn bị các điều kiện cần thiết để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án, bảo đảm sự dân chủ, bình đẳng của người tham gia tố tụng và tôn trọng quyền tự định đoạt của họ là quan trọng nhất. Tùy vào từng trường hợp, Thẩm phán có những kỹ năng khác nhau như phải giữ vai trò trung gian, luôn vô tư, khách quan, công bằng, không áp đặt khi tiến hành hoà giải. Lắng nghe ý kiến của các đương sự, giảm căng thẳng, tránh để các đương sự tổn thương tâm lý, bị xúc phạm.
Bên cạnh đó, Thẩm phán phải có phong thái giao tiếp tự tin, sâu sắc nhưng chia sẻ mềm dẻo, quyết đoán đúng thời điểm, tập trung vào mâu thuẫn của các đương sự.
Mặt khác, sự đoàn kết, thống nhất trong tập thể chi bộ, cơ quan, trên cơ sở bình đẳng, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau; thưởng phạt công minh, chính xác; tinh thần hợp tác và chia sẻ chân thành, cầu thị vì mục tiêu chung của đơn vị. Trong đó, phải kể đến vai trò của người đứng đầu chi bộ, cơ quan, đơn vị thực hành nêu gương trước, từ đó lan tỏa đến toàn đơn vị.
Trong năm 2024, đơn vị tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính tư pháp với cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Các thủ tục tố tụng, thủ tục hành chính tư pháp được niêm yết công khai ngay tại văn phòng, gồm các quy định, các biểu mẫu như đơn khởi kiện, thời hạn giải quyết, nội quy, lịch xét xử, lịch tiếp công dân, trợ giúp pháp lý … nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp không phải đi lại nhiều lần.