Dẫu cuộc sống của đồng bào vùng sâu, vùng xa vẫn còn nhiều gian khó, song thời gian gần đây, các dân tộc này đang ngày càng phát triển, nhất là trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của Tòa án các địa phương.
Quyết tâm “xóa mù” về pháp luật cho đồng bào
Do đặc thù địa lý cũng như truyền thống, thói quen du canh du cư từ ngàn đời trước nên phần lớn các dân tộc đã và đang sinh sống men theo dãy Trường Sơn và trải dài suốt biên giới miền Trung đều phải đối mặt với muôn vàn cam khó, từ núi hoang rừng thẳm đến thiên tai, lũ lụt. Tất cả những thứ đó cộng với những phong tục, tập quán, niềm tin cổ hủ bện lại như sợi dây ghì lấy đồng bào vào trong đói nghèo, lạc hậu, từ đời này sang đời khác.
Ở một số bản làng vùng sâu, vùng xa của các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, trình độ hiểu biết pháp luật của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều hạn chế. Thảng hoặc người ta vẫn phải chứng kiến những vụ án đáng tiếc xảy ra bắt nguồn từ sự mê muội của đồng bào. Chính vì thế, trong mấy năm gần đây, chính quyền và các cơ quan ban ngành các địa phương đã và đang cố gắng đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để góp phần xóa đi những “khoảng trống mênh mông về pháp luật” trong đầu của những sơn dân.
Theo Thẩm phán Vi Văn Chắt, Chánh tòa Toà Hình sự, TAND tỉnh Nghệ An, để ngăn ngừa và đẩy lùi tội phạm, không gì khác ngoài tuyên truyền, vận động. Trong những năm gần đây, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức đến với người dân, đặc biệt là những địa phương có đông đảo đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Nghệ An.
Rất nhiều hình thức tuyên truyền đã được triển khai với sự vào cuộc rốt ráo của nhiều cơ quan ban ngành đoàn thể. Mỗi một hình thức tuyên truyền đó đều có một tác dụng nhất định, tuy nhiên, công tác xét xử lưu động của tòa án với những vụ án, con người cụ thể sẽ tác động trực tiếp đến nhận thức của đồng bào. Bởi bên cạnh việc trừng phạt, răn đe cái ác đã xảy ra, những phiên tòa như thế còn góp phần rất lớn vào việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật cho nhân dân, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn những cái ác sắp sửa nảy mầm.
Trong khoảng chục năm trở lại đây, cùng với Điện Biên và Sơn La, Nghệ An nổi tiếng là một trong những điểm nóng về ma túy của cả nước. Trong đó “nóng” nhất phải kể đến các huyện như Kỳ Sơn, Quế Phong, Tương Dương. Ở một số bản làng vùng sâu, vùng xa ở đây, ma túy vẫn luôn là nỗi ám ảnh khôn cùng. Con nghiện là đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ đều có đủ. Thuốc phiện, ma túy, nó giống như cái vòng ma quái quấn bíu, tàn phá bản làng. Nhiều gia đình cha mất con, vợ mất chồng, đớn đau, mất mát đè lên những phận người.
Hơn nữa, do trình độ nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế, nhiều khi đồng bào bị bọn xấu lừa phỉnh, dụ dỗ lao vào con đường phạm tội. Cá biệt, nhiều đối tượng còn rủ rê, lôi kéo hết thảy người thân trong gia đình mình tham gia. Đến khi bị bắt rồi bị bỏ tù, vô số nóc nhà chỉ còn lại người già và trẻ nhỏ. Chính vì thế, trong mấy năm gần đây, TAND hai cấp tỉnh Nghệ An đã hết sức chú trọng đến công tác xét xử lưu động, nhất là những vụ án liên quan đến tội phạm về ma túy. Các vụ án được lựa chọn để đưa ra xét xử lưu động đều là những vụ án điểm, có tính chất phức tạp, hoặc bị cáo trong vụ án đó là người địa phương. Những yếu tố ấy nên những phiên tòa lưu động này luôn thu hút được sự quan tâm của đông đảo của người dân.
Còn đối với các Tòa án huyện, các phiên tòa xét xử lưu động chủ yếu là án ma túy, nhóm tội phạm xâm phạm sở hữu như trộm cắp, cướp giật, lạm dụng tín nhiệm… mỗi phiên tòa là một câu chuyện pháp luật, trực tiếp giáo dục pháp luật đến người dân một cách hiệu quả và thiết thực nhất,góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân cũng như trong công tác đấu tranh phòng ngừa các loại tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Ngăn cái ác nảy mầm
Cũng giống như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình hay Quảng Trị đều là những địa phương quy tụ nhiều sắc dân cùng sinh sống, nhất là các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Công cuộc xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào luôn là mục tiêu hàng đầu của chính quyền mỗi tỉnh. Để làm được điều đó, việc giữ gìn an ninh trật tự, ổn định chính trị đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế phát triển của mỗi địa phương. Chính vì thế, nhiệm vụ của Tòa án các cấp ở đây cũng rất nặng nề.
“Suốt miền dọc biên giới của tỉnh Quảng Trị, đồng bào sinh sống chủ yếu là người dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Xưa kia, cuộc sống của họ phần nhiều dựa vào tự nhiên bằng cách săn bắt, hái lượm và đốt rừng phát rẫy làm nương, tự cung, tự cấp. Đến khi nào đất đai bạc màu, cây lúa không còn trổ bông trĩu hạt thì dắt díu, gánh gồng chuyển nhà đi nơi khác...”, Thẩm phán Văn Vĩnh Mỵ, Chánh án TAND huyện Đakrông, Quảng Trị, chia sẻ.
Những tưởng cả đời sẽ phải gắn với cảnh lang bạt, rày đây mai đó, nhà cửa tạm bợ, sống với con ma rừng, với bệnh tật và sự lạc hậu tột cùng, nhưng rồi một bước ngoặt lớn đã đến với hai dân tộc này khi Nhà nước có chủ trương vận động đồng bào từ bỏ cuộc sống du canh du cư, về dựng làng, lập bản. Cũng từ đó, người dân Pa Kô, Vân Kiều ở Quảng Trị chính thức bước ra khỏi rừng già sâu thẳm, đoạn tuyệt với cuộc sống ăn hang ở lỗ. Từ mái đá hoang vu, dân tộc này đã và đang từng bước hòa nhập với cộng đồng về mọi mặt. Tuy vậy, cuộc sống của họ không phải đã hết những nỗi lo.
Anh Hồ Văn Linh, cán bộ TAND huyện Đakrông chia sẻ, đồng bào mình nghèo quá, kẻ xấu dùng tiền vào dụ dỗ, mua chuộc, hứa hẹn cuộc sống giàu sang, thế là họ bỏ bê nương rẫy bước theo chúng vào con đường phạm tội. Trộm cắp, lừa đảo, thậm chí là giết người cướp của. Nhưng phổ biến nhất vẫn là các loại tội phạm về ma túy. Đứng trước vành móng ngựa toàn những thanh niên trai tráng, đau lắm!.
Quả thật, qua công tác điều tra, xét xử các vụ án về ma túy ở Quảng Trị cũng như ở một số tỉnh miền Trung đã làm bật lên một sự thật là phần lớn những kẻ “đổ đời” theo ma túy rồi “dựa cột”, hoặc “ôm vài chục cuốn lịch vào nhà đá bóc dần” đều là những thanh niên trai tráng người dân tộc thiểu số, ít được học hành, sinh ra trong những gia đình khốn khó, đói nghèo quấn bíu. “Thậm chí có nhiều thanh, thiếu niên một chữ bẻ đôi không biết. Đến tận lúc bị bắt, chúng vẫn không thể ký nổi cái tên cha mẹ đặt cho mình vào tờ khai. Mặc dù ngoài đời, chúng có thể là những ông trùm mưu ma chước quỷ, uy danh lừng lẫy trong giới buôn hàng trắng”, anh Linh chia sẻ.
Đối tượng phạm tội thì đầy đủ các thành phần, lứa tuổi. Có ông là cán bộ xã, ngày ngày đi rao giảng cho dân bản nghe về tác hại của thuốc phiện, tối về cắt rừng đi xách thuê ma túy. Đến khi bị bắt, ông này cứ lẩm bẩm, thắc mắc mãi về chuyện “làm sao cán bộ biết mà “đón lõng” mình thế?”. Có gã trai người Kinh, ngược núi lên vùng cao dạy học, rồi mắc nghiện. Cán bộ đưa đi cai, vừa cai xong, anh này lại bị bắt khi đang mang heroin đi bán. Có những bản làng ở đây chỉ cần gọi tên cũng đã gợi lên cho con người ta những ký ức, kỷ lục đau buồn.
Vì một xã hội văn minh, bình đẳng và bác ái
Để giảm đi những nỗi đau ấy, việc đưa các vụ án, đặc biệt là án ma túy về những nơi thâm sơn cùng cốc để xét xử lưu động là vô cùng quan trọng. Bởi, những phiên tòa ấy sẽ góp phần làm thay đổi nhận thức của đồng bào. Thế nhưng, để làm được điều đó, các cán bộ Tòa án đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt... Ám ảnh và khó khăn nhất trong các chuyến đi như thế có lẽ là chuyện giao thông, đi lại do phần lớn những con đường miền núi đều hung hiểm, một bên thành vách dựng trời, một bên vực sâu hun hút.
Có những xã, bản xa xôi, cách trở, đến “đường nhựa còn không bò vào được”, vậy mà có vô số người bị “con ma túy, con HIV” nó “bò” vào đem đi mất”. Để tổ chức xét xử lưu động ở những xã, bản ấy, nhiều đoàn cán bộ Tòa án phải mang theo cả dầu gạo, mắm muối, lương thực để đủ ăn trong vài ngày.
“Chuyện các cán bộ Tòa án ở miền núi khi đi công tác xuống địa bàn, hay đi xét xử lưu động phải chuẩn bị lương khô, bật lửa, đèn pin, đồ sửa xe, áo mưa, thậm chí là cả tăng võng và túi ngủ là chuyện bình thường. Đó là để đề phòng trục trặc, rừng hoang núi thẳm, mưa giông, lũ cuốn. Và những chuyện như thế xảy ra nhiều như… cơm bữa”, Thẩm phán Văn Vĩnh Mỵ, Chánh án TAND huyện Đackrông, Quảng Trị, chia sẻ.
Dù khó khăn là vậy song cũng chính vì cái khát vọng muốn “đánh thức”, muốn xua đi những phong tục tập quán, những thói quen cổ hủ, lạc hậu, mê muội từ thuở hồng hoang của đồng bào mà cán bộ các Tòa án vẫn “cõng” vành móng ngựa, loa đài, phông bạt đi nhiều chục, thậm chí nhiều trăm cây số đường rừng để tổ chức những phiên tòa lưu động. Đường rừng quá xa, nhiều đoạn đi cứ như khỉ trên vách núi, chỉ cần sơ sểnh một chút là có khi phải trả giá bằng mạng sống. Thế nhưng, năm này qua năm khác, họ vẫn miệt mài đi mãi về những miền heo hút.
Cứ thế, mỗi năm có đến hàng ngàn, hàng vạn vụ án được Tòa án các cấp đưa ra xét xử lưu động trên toàn quốc. Thật khó để đong đếm hết được những khó khăn, vất vả, nhọc nhằn mà những người cán bộ Tòa án đã phải vượt qua. Và, càng không thể đong đếm được đã có bao nhiêu mồ hôi và công sức của những con người như thế đổ xuống để hướng đến một xã hội văn minh, bình đẳng và bác ái.