Phụ huynh nên tránh tạo áp lực, gây căng thẳng cho con và tuyệt đối không cho con học bài quá muộn”, cô Phạm Phương Tri – giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội chia sẻ.
Phụ huynh nên đồng hành cùng con
Sau khi chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng vào lớp 1 cấp tiểu học được gần một tháng, nhiều phụ huynh phản ánh chương trình nặng, áp lực cho con, thậm chí họ cùng con đánh vật đến tận đêm khuya mà vẫn không hoàn thành hết bài về nhà.
Trước tình trạng đó, tại buổi giao lưu trực tuyến “Cùng con bắt nhịp chương trình, sách giáo khoa lớp 1” do Báo Giáo dục và Thời đại tổ chức, cô Phạm Tri Phương chia sẻ: “Dù học sách mới hay sách cũ thì việc tạo cho học sinh thói quen ôn bài ở nhà là rất cần thiết. Việc ôn lại bài giúp các con ghi nhớ kiến thức, học tập vững vàng hơn”.
Cô Phạm Phương Tri – giáo viên lớp 1, Trường Tiểu học Ngọc Khánh, Ba Đình, Hà Nội.
Cô Phương Tri cho biết thêm, chương trình mới năm nay, việc ôn bài ở nhà của con nên ưu tiên cho nội dung luyện đọc. Tuy nhiên, phụ huynh cần tránh tạo áp lực, gây căng thẳng cho con và tuyệt đối không cho con học bài quá muộn. Lớp 1, các con còn nhỏ nên dù học sách giáo khoa cũ hay mới cũng rất cần sự quan tâm sát sao của bố mẹ.
“Phụ huynh nên trao đổi với giáo viên về những nội dung còn băn khoăn khi kèm con học. Trong các hoạt động giáo dục trẻ, luôn cần có sự phối kết hợp giữa phụ huynh và giáo viên”, cô Tri Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, cô Phương Tri cũng hướng dẫn cách phụ huynh khi dạy học bài ở nhà cho con. Cha mẹ nên hướng dẫn các em kĩ hơn về yêu cầu của từng bài. Vì trong sách mới có nhiều dạng bài tập hơn, trong từng bài tập cũng rất linh hoạt, tuy nhiên về phần bài làm và trình bày bài làm nên hướng dẫn như cách làm con đã được học.
“Tránh việc gò ép, căng thẳng gây tâm lý sợ học cho các con. Phụ huynh nên dành thời gian cùng con ôn bài hàng ngày. Có thể đan xen các trò chơi trong khi học tập để con hào hứng, vui vẻ”, cô Phương Tri nói.
Giáo viên gặp khó khăn như thế nào khi dạy sách giáo khoa mới?
Mới đây, nhiều giáo viên chia sẻ, khi dạy chương trình lớp 1 mới để học sinh có thể tiếp thu được bài hiệu quả nhiều giáo viên đã dạy quá giờ, phải thay đổi cách dạy, cách tiếp cận bài vở.
Ảnh minh họa. Hải Nam.
Cô Phương Tri cũng có nhiều năm kinh nghiệm trong dạy cũng dạy lớp 1, dẫu đã chuẩn bị tinh thần để đồng hành cùng các con. Tuy nhiên, cũng cô và đồng nghiệp vẫn gặp khó khăn như vở Tập viết có muộn hơn sách giáo khoa. Với sách mới, ở môn Tiếng Việt, nội dung bài đọc khá dài, làm cho học sinh cảm thấy khó.
Một yếu tố nữa khiến cho học sinh vào lớp 1 năm nay thiệt thòi hơn chính là ảnh hưởng của đại dịch Covid 19 . “Học sinh năm nay bỡ ngỡ hơn mọi năm khi không được học trọn vẹn năm cuối của bậc học mầm non, theo đó các em chưa được tiếp cận nhiều với bảng chữ cái. Đặc biệt, năm nay các em cũng không được đến trường làm quen trước với nề nếp, phương pháp học tập của trường Tiểu học trước khi khai giảng vào lớp 1. Vì vậy khi bắt đầu vào năm học mới các con chưa thích nghi nhanh được”, cô Phương Tri nói.
“Đồng thời, giáo viên lớp 1 chúng tôi vừa phải rèn nề nếp học cho các con, vừa phải dạy cho kịp bài cũng cảm thấy có phần áp lực”, cô Phương Tri nói.
Bên cạnh đó, cô Phương Tri cũng chỉ ra những hạn chế trong sách Tiếng việt lớp 1 năm nay như: phần tiếng, từ mới hợp lý, phù hợp với học sinh. Tuy nhiên, phần đọc đoạn dài hơi quá sức cho các con. Việc đưa mẫu chữ in hoa vào ngay từ những bài đầu và giới thiệu 3 mẫu chữ trong 1 bài đọc làm cho học sinh dễ bị lẫn.
“Theo đó, để dạy học sinh chương trình sách giáo khoa mới năm nay cho hiệu quả, mỗi giáo viên chúng tôi cần nghiên cứu kĩ nội dung chương trình, bài học trong sách giáo khoa và sách giáo viên; soạn giáo án, chuẩn bị đầy đủ các phương tiện dạy học cho giáo viên, đồ dùng học tập cho học sinh”, cô Phương Tri chia sẻ thêm.