Giao thông công cộng Thủ đô ngày càng “hút” khách

Văn Hiền| 04/06/2022 20:40
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

“An toàn, tiện lợi, giá thành rẻ, lại góp phần giảm ùn tắc, giảm thải ô nhiễm môi trường” là những lý do mà người dân Hà Nội ngày càng chuộng giao thông công cộng.

1(1).jpg

“Phải lòng” Vinbus từ lần trải nghiệm đầu tiên

8 giờ sáng, chị Lâm Thị Bích (kinh doanh, ở Mỹ Đình) đã ngồi trên xe buýt điện Vinbus để di chuyển từ Mỹ Đình sang Vinhomes Ocean Park (huyện Gia Lâm, TP Hà Nội).

2(1).jpg
Chị Bích lựa chọn xe buýt điện Vinbus để di chuyển từ Mỹ Đình sang Vinhomes Ocean Park.

Chị Bích cho biết đã phải lòng Vinbus ngay từ lần trải nghiệm đầu tiên. “Bước lên xe, mình rất ấn tượng với không khí thoáng mát, không có mùi xăng, dầu như xe buýt truyền thống. Khi xe di chuyển cho mình cảm giác êm ái. Trên xe còn có wifi và cổng USB sạc điện thoại rất tiện ích”, chị Bích chia sẻ.

3(2).jpg
Vinbus tuyến E01 tại điểm đỗ bến xe Mỹ Đình.

Sau trải nghiệm đầu tiên về loại hình giao thông công cộng xanh của Thủ đô, chị Bích quyết định chuyển từ phương tiện cá nhân sang phương tiện giao thông công cộng để đi làm và di chuyển.

Là nhân viên ngân hàng, chị Nguyễn Thanh Nga cũng thường xuyên sử dụng giao thông công cộng để đi làm, không bởi giá thành rẻ mà còn rất tiện lợi, an toàn. “Cái lợi đầu tiên mà mình thấy chính là sự an toàn và giá thành rẻ. Ngoài ra, việc sử dụng giao thông công cộng còn góp phần giúp giảm lượng khí thải, giảm ô nhiễm môi trường. Khi sử dụng xe buýt đi làm, tôi gặp rất nhiều người làm công sở cũng lựa chọn loại hình giao thông này”, chị Nga cho biết.

8(1).jpg
Chị Nga di chuyển từ Sơn Tây - bến xe Mỹ Đình - Vinhomes Ocean Park bằng xe buýt. 

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Huê (65 tuổi, ở Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm) lại chọn giao thông công cộng như một phương pháp để cải thiện sức khỏe. Theo bà Huê, quãng đường từ nhà bà đến trạm xe buýt giúp bà duy trì thói quen đi bộ, coi đó như việc tập thể dục hằng ngày. “Người già điều quan trọng nhất chính là là đi lại thường xuyên và tập thể dục để có sức khoẻ”, bà Huê nói.

9(1).jpg
Thái độ phục vụ của tài xế và phụ xe Vinbus khiến bà Huê cảm thấy hài lòng.

Bà Huê chia sẻ, khi sử dụng giao thông công cộng bà cảm thấy rất an tâm vì tính an toàn. “Đi xe buýt an toàn hơn sử dụng phương tiện cá nhân để di chuyển ngoài đường rất nhiều. Mỗi lần cứ nghĩ tới việc sử dụng phương tiện cá nhân, đi gần những chiếc xe tải hay xe container trên đường là tôi cảm thấy sợ hãi”, bà Huê đánh giá.

Theo Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội, với loại hình vận tải hành khách công cộng là xe buýt, Hà Nội sẽ chú trọng nghiên cứu và tổ chức các làn đường ưu tiên cho xe trên một số tuyến phố, trục giao thông chính có đủ mặt bằng, điều kiện. Cùng với đó, Sở Giao thông vận tải rà soát, tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên cho xe buýt qua các nút, các tuyến phố không cho xe ô tô hoạt động; ưu tiên tổ chức giao thông cho phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như buýt nhanh - BRT, đường sắt đô thị…

11(1).jpg
10(1).jpg
12(1).jpg
Mọi người đều cảm thấy rất hài lòng khi sử dụng xe buýt điện Vinbus.

Ngoài xe buýt truyền thống, hiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP Hà Nội đã có thêm các loại hình xe buýt nhanh, xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch CNG, và từ năm 2021 sẽ có thêm loại hình xe buýt điện.

Theo đó, tính tới ngày 2/6, Sở Giao thông vận tải TP Hà Nội đã cho phép thí điểm 8 tuyến xe buýt điện, bao gồm: Tuyến E01 (Bến xe Mỹ Đình-Khu đô thị Ocean Park); tuyến E02 (lộ trình từ Hào Nam-Khu đô thị Ocean Park); tuyến E03 (Khu đô thị Ocean Park - Bến xe Mỹ Đình); tuyến E05 (Long Biên - Khu đô thị Smart City); tuyến E06 (Bến xe Giáp Bát - Khu đô thị Smart City); tuyến E07 (Long Biên - Bờ Hồ-Khu đô thị Vinhomes Smart City); tuyến E08 có lộ trình Khu liên cơ quan Sở ngành Hà Nội - Khu đô thị Time City; tuyến E09 có lộ trình Khu đô thị Smart City - Công viên nước Hồ Tây.

Tàu điện hiện đại, nhận được sự đánh giá cao

Ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hanoi Metro) cho biết, tính đến hết ngày 31/5, sau 207 ngày vận hành an toàn, tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được hơn 3,2 triệu lượt hành khách, bình quân đạt 15.828 lượt hành khách/ngày.

Theo ông Vũ Hồng Trường, tỷ lệ tàu chạy đúng giờ 99,98%, tỷ lệ hành khách đi vé tháng bình quân trong ngày 55-60%; giờ cao điểm hành khách sử dụng vé tháng chiếm 75-80%. Hành khách đi tàu hiện đã tăng 2,5 lần so với thời gian đầu và trong thời gian giãn cách xã hội.

15(1).jpg
19(1).jpg
Khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông đang có xu hướng tăng, đạt 21.000 - 22.000 lượt hành khách/ngày.

Các con số thống kê xác định, trong ngày làm việc bình thường, khách đi tàu điện Cát Linh - Hà Đông đang có xu hướng tăng, đạt 21.000 - 22.000 lượt hành khách/ngày. Vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tuần đạt 25.000 - 30.000 lượt hành khách/ngày. Đặc biệt, trong các ngày nghỉ lễ, hành khách trải nghiệm tàu tăng đến hơn 40.000 lượt hành khách. Đặc biệt trong ngày 1/5/2022, số lượng hành khách tăng đột lên hơn 50.000 lượt.

3-1607941323383661788473-1-.jpg
Sau 207 ngày, đường sắt đô thị Hà Nội số 2A, Cát Linh - Hà Đông đã vận chuyển được hơn 3,2 triệu lượt hành khách.

Ghi nhận của phóng viên sáng 4/6, lượng người đổ về ga Cát Linh rất đông. Đa số mọi người sử dụng loại hình vận tải hành khách này để đi làm, số khác đi trải nghiệm và đưa gia đình đi tham quan, ngắm cảnh Hà Nội trên cao.

Chị Đặng Thị Khương (ở phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy) cho biết: “Tàu di chuyển rất nhẹ nhàng và êm ái, điều hòa mát lạnh, không có sự rung lắc nhiều. Dù không có chỗ ngồi cũng chẳng phải lo bị loạng choạng giống xe buýt truyền thống”. Theo chị Khương, ý thức người dân khi đi tàu cũng rất tốt, khác xa với những hình ảnh chen chúc, xô bồ trên mạng.

26(1).jpg
Chị Khương cùng con gái trải nghiệm tàu điện Cát Linh - Hà Đông.

Chung đánh giá trên, anh Nguyễn Văn Hải (ở quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) mong muốn TP Hà Nội sẽ có sự quy hoạch tốt giao thông công cộng xanh, nhất là tàu điện từ vùng ven vào trung tâm thành phố. “Hiện quy hoạch đô thị của Việt Nam đều từ trung tâm ra vùng ven thành phố. Nếu có phương tiện để kết nối vùng ven vào trung tâm sẽ rất thuận tiện”, anh Hải cho hay.

Dù đường sắt đô thị đang phát huy hiệu quả, góp phần giảm thiểu ùn tắc và nhận được sự đánh giá rất cao từ người dân, song xung quanh đó vẫn còn một số bất cập khiến người dân lúng túng khi sử dụng.

21(1).jpg
25(1).jpg
Chị Huyền mua vé tại quầy nhưng không di chuyển toàn tuyến nên phải đến máy mua vé tự động.

Chị Thanh Huyền (ở quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) cho biết: “Mình chỉ đi từ ga Cát Linh đến ga Thượng Đình nhưng không thể mua vé tại quầy do không di chuyển toàn tuyến. Được nhân viên hướng dẫn ra mua vé tại quầy tự động, bảng hướng dẫn đã có nhưng cách thức đưa tiền vào và trả tiền khiến mình phải đợi đến 15 phút mới mua xong vé”. Dù vậy, chị Huyền vẫn đánh giá rất cao sự tiện lợi, văn minh của loại hình giao thông này và mong muốn Thủ đô sẽ phát triển thêm nhiều tuyến giao xanh như vậy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao thông công cộng Thủ đô ngày càng “hút” khách