Tâm điểm dư luận

Giảm thuế VAT là cần thiết

Trung Nguyễn 11/05/2023 - 15:50

Thừa ủy quyền của Thủ tướng, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký tờ trình gửi Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT).

Theo Tờ trình, trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều rủi ro, thách thức và biến động khó lường, mức độ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người dân là sâu rộng khi Việt Nam hội nhập quốc tế; thêm nữa, dù đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thuế, phí và lệ phí, nhưng từ cuối năm 2022, đầu năm 2023, số thu ngân sách cho thấy xu hướng giảm.

Tăng trưởng GDP quý I/2023 đạt 3,32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 6/1/2023 của Chính phủ đề ra kịch bản tăng trưởng GDP quý I là 5,6%.

Chính phủ cho rằng, tăng trưởng chủ yếu nằm ở hai khu vực dịch vụ và nông - lâm - thủy sản, trong khi khu vực công nghiệp vốn luôn là động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế, nhưng lại đang suy giảm. Nhiều doanh nghiệp đã sa thải hoặc giãn việc một số lượng lớn công nhân do doanh nghiệp bị cắt giảm hoặc không có đơn hàng, khiến đời sống một bộ phận người lao động gặp nhiều khó khăn. Thực tế này đang đặt ra nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023.

Vì vậy, bên cạnh các chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu, giảm tiền thuê đất, giảm các khoản thu phí, lệ phí, thì giảm thuế VAT như áp dụng cho năm 2022 để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo Chính phủ là cần thiết.

Theo dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất giảm 2% mức thuế suất thuế VAT đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%). Đồng thời giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế VAT đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế VAT 10%.

Về ngày có hiệu lực thi hành của nghị quyết, Chính phủ đề xuất áp dụng đến hết ngày 31/12/2023. Việc áp dụng chính sách theo thời gian này (dự kiến trong 6 tháng), Chính phủ cho rằng sẽ giảm thu ngân sách khoảng 35.000 tỷ đồng.

Chính phủ đánh giá, người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp của chính sách này. Do việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế VAT 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Trong khi đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng hóa, cung ứng dịch vụ chịu thuế VAT thuế suất 10% sẽ được hưởng lợi khi chính sách được ban hành. Việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thực tế, việc miễn, giảm thuế không phải là mới. Trong các năm 2020, 2021 việc giãn thuế, giảm thuế đã được thực hiện với một số lĩnh vực, hàng hóa, trong đó có thuế VAT. Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP quy định chính sách miễn, giảm thuế. Kết quả thực hiện cho thấy, tổng gói hỗ trợ giảm thuế VAT đạt khoảng 44.000 tỷ đồng, góp phần quan trọng vào kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Việc đề xuất giảm thuế VAT lần này có thể coi là phương án “khoan thư sức dân”; góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm thuế VAT là cần thiết