Tham gia lễ hội Đền Hùng 2018, du khách sẽ được thưởng thức các hình thức diễn xướng dân gian đặc trưng của Phú Thọ.
BTC chương trình cho biết, phần lễ được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo sự trang nghiêm, trọng thể, mang tính cộng đồng sâu sắc, bao gồm: Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ, Lễ Rước kiệu về Đền Hùng, Lễ giỗ Tổ Hùng Vương.
Hát xoan ở Đền Lãi Lèn, Việt Trì, Phú Thọ
Phần Hội bao gồm các lễ hội rất phong phú nhằm tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” và “Hát xoan Phú Thọ”. Tham dự Lễ hội năm nay, du khách sẽ được thưởng thức một không gian văn hóa đặc trưng thông qua Lễ hội văn hóa dân gian đường phố.
Chương trình năm nay mở rộng với sự tham gia của các huyện Thanh Thủy (rước voi Đào Xá), Lâm Thao (diễn Trò Trám), Đoan Hùng (đi Cà Kheo), Tam Nông (đánh phết Hiền Quan) và văn hóa diễn xướng dân gian đặc trưng của một số huyện: Thanh Sơn, Yên Lập, Hạ Hòa, Cẩm Khê, Tân Sơn tham gia trình diễn tại Lễ hội.
Cùng với các hoạt động chính là hàng loạt các hoạt động triển lãm, hội thi, trưng bày, giới thiệu quảng bá văn hóa của tỉnh Phú Thọ như: hội sách Đất Tổ; hội thi nấu bánh chưng, giã bánh giầy; trưng bày tư liệu, hiện vật với chủ đề “Lễ hội và tín ngưỡng vùng đất Tổ”. Các hoạt động thể dục thể thao, trò chơi dân gian truyền thống như: Bóng chuyền nam, cờ tướng, vật truyền thống, bắn nỏ, đẩy gậy được tổ chức rộng rãi tại các, huyện, thị trong tỉnh.
Cùng với đó, TP.Việt Trì đang nghiên cứu xây dựng một số điểm vui chơi giải trí trên địa bàn như: Khu chợ đêm, phố ẩm thực, phố đi bộ... góp phần quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương, thu hút đông đảo khách du lịch đến với thành phố, đến với lễ hội.
Đặc biệt, các du khách sẽ được thưởng thức những làn điệu Hát Xoan vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở các địa điểm như miếu Lãi Lèn, Đình Thét, Đình Kim Đái thuộc xã Kim Đức và xã Hùng Lô, P.Phượng Lâu, TP.Việt Trì.