Di sản về danh nhân Lê Ngô Cát cần được bảo vệ

15/06/2012 06:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Báo Công lý đã nhiều lần lên tiếng phản ánh vụ hủy hoại di tích danh nhân Lê Ngô Cát ở xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Mới đây Thanh tra Tp. Hà Nội cũng đã có kết luận về vụ việc này nhưng cho đến nay UBND Tp. Hà Nội vẫn chưa giải quyết dứt điểm…

Từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Ngày 31-5-2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 644/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Sưu tầm tài liệu lưu trữ quý hiếm của Việt Nam và về Việt Nam”, trong đó một trong những  mục tiêu là “trợ giúp các cá nhân, gia đình, dòng họ… trong việc bảo quản an toàn tài liệu lưu trữ quý hiếm - một bộ phận di sản quý giá của dân tộc trước nguy cơ ngày càng xuống cấp do không được bảo quản đúng chế độ”. Đây là một quyết định hết sức cần thiết và quan trọng nhằm bảo vệ di sản của tổ tiên đang bị xâm hại dưới nhiều hình thức khác nhau, mà vụ hủy hoại di tích về danh nhân Lê Ngô Cát ở Chương Mỹ là một trong những vụ khá điển hình.

Di sản về danh nhân Lê Ngô Cát cần được bảo vệ

Đường Lê Ngô Cát - Huế chạy qua Đàn Nam Giao, dài 2202m

Danh nhân Lê Ngô Cát (1827-1875) là tác giả “Đại Nam quốc sử diễn ca” nổi tiếng. Tài năng và cống hiến của cụ đối với đất nước ở các lĩnh vực văn hóa, chính trị đã được chính sử ghi chép và khẳng định. Vì vậy mà nhiều đô thị như Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… đã lấy tên cụ đặt tên cho đường phố để tôn vinh.

Ngôi nhà nơi sinh ra và lớn lên của danh nhân Lê Ngô Cát ở quê nhà đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng là di tích lịch sử- văn hóa cấp tỉnh từ năm 2006. Trong ngôi nhà là hiện vật gốc quý giá này còn có bia đá, sắc phong, đồ tế tự mà các số báo trước chúng tôi đã phản ánh.

Điều đau lòng là ông Ngô Thế Sơn, người trông nom hương hỏa từ đường theo tập tục gia tộc, đã bán 200m2 đất trong thửa đất 1807m2, trong đó có 437m2 là đất của di tích đã được khoanh vùng khu vực 1, bảo vệ nghiêm ngặt. Vậy mà, UBND huyện Chương Mỹ và xã Thụy Hương không hiểu sao vẫn xác nhận cho ông Sơn chuyển nhượng và nghiêm trọng hơn là cấp “sổ đỏ” mới cho ông Sơn, biến di tích, di sản của cả dòng họ thành của riêng ông Sơn. Có được “sổ đỏ” này, ông Sơn dỡ bỏ ngôi nhà thờ cổ kính, thiêng liêng để xây ngôi nhà mới, xóa sổ di tích đã được xếp hạng. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, Luật Đất đai, có dấu hiệu của tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 272 BLHS.

Đến nguyện vọng của gia tộc

Trong đơn gửi đến Báo Công lý, đại diện hậu duệ danh nhân Lê Ngô Cát cho biết, sau hơn 5 tháng kiểm tra, xác minh theo chỉ đạo của UBND Tp. Hà Nội, ngày 7-11-2012 Thanh tra thành phố đã mời đại diện dòng họ đến làm rõ một số nội dung, và cho biết dự thảo kết luận với ba nội dung chính. Đó là việc cấp sổ đỏ cho ông Ngô Thế Sơn của UBND huyện Chương Mỹ là trái quy định của pháp luật; kiểm điểm, xử lý các cá nhân liên quan; Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ phải giải phóng mặt bằng, thu hồi lại 437m2 đất trả lại nhà thờ danh nhân… Sau đó 10 ngày Thanh tra đã ra Kết luận chính thức số 2723/KL-TTTP-P6 để báo cáo UBND Tp. Hà Nội.

Từ đó đến nay đã hơn nửa năm trôi qua, gia tộc danh nhân Lê Ngô Cát vẫn đang trông mong quyết định xử lý của UBND Tp. Hà Nội nhưng chưa thấy hồi âm. Dù rất đau xót vì ngôi nhà thiêng liêng, hiện vật gốc gắn bó với danh nhân đã bị phá hủy, nhưng gia tộc vẫn kiên nhẫn chờ đợi và hy vọng sớm được phục dựng lại di tích, để có nơi hương khói, tôn vinh tổ tiên, cũng như giữ gìn một địa chỉ văn hóa của Thủ đô văn vật.

Thái Vũ


 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di sản về danh nhân Lê Ngô Cát cần được bảo vệ