Giải pháp nâng cao và phát huy hiệu quả các phiên tòa xét xử lưu động

Nguyễn Triệu Luật| 26/09/2014 15:01
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Trong những năm qua, TAND các cấp trên cả nước không ngừng tăng cường cùng các địa phương tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động. Tuy nhiên cũng không ít phiên tòa lưu động chưa đạt được hiệu quả cao.

Qua thực tiễn nhiều năm làm công tác tham mưu việc tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động cho liên ngành nội chính tại địa phương, chúng tôi đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, giải pháp nhằm nâng cao, phát huy hiệu quả của các phiên tòa xét xử lưu động, có thể nói như sau:

Chủ động xây dựng kế hoạch xét xử lưu động hàng năm

Căn cứ vào chương trình phòng chống tội phạm của ngành, địa phương, đặc tính của từng địa bàn, liên ngành nội chính xây dựng kế hoạch tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động hàng năm; trong đó, dự kiến số lượng án, loại án, các địa bàn trọng điểm để xét xử lưu động; qua đó không những giúp cho công tác xét xử lưu động không bị động, mà còn chủ động về việc xây dựng kế hoạch tài chính, trong đó tranh thủ được nguồn kinh phí của địa phương.

Giải pháp nâng cao và phát huy hiệu quả các phiên tòa xét xử lưu động

Một phiên tòa xét xử lưu động của TAND quận 10, TP Hồ Chí Minh

Xác định các tiêu chí

Lựa chọn vụ án đưa ra xét xử lưu động, đó là các loại tội phạm mà Đảng và Nhà nước đang đặc biệt quan tâm phòng chống; - Các loại tội phạm có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong nhân dân; - Các vụ án mà dư luận quan tâm; - Ngoài ra, còn phải xem xét cụ thể đến tính chất của từng vụ án, nhân thân của người phạm tội…

Lựa chọn địa điểm xét xử lưu động: Nên chọn đó là nơi xảy ra vụ án; Nơi cư trú của bị can, bị cáo; Địa bàn mà tình hình tội phạm đang diễn biến phức tạp, gia tăng; Ngoài ra, còn căn cứ vào nhu cầu của từng đơn vị, địa phương trong phong trào đấu tranh, phòng chống tội phạm.

Xác định đối tượng tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Tùy thuộc vào yêu cầu của từng đơn vị, địa phương mà xác định đối tượng mời tham dự phiên tòa xét xử lưu động cho phù hợp, bao gồm: các ban ngành, đoàn thể, ban điều hành khu phố, tổ dân phố, quần chúng nhân dân sở tại, các đối tượng tệ nạn xã hội, người có tiền án, tiền sự; các đối tượng thuộc diện quản lý, sưu tra, có khả năng phạm pháp, đoàn viên, sinh viên, học sinh…

Tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương

Trước khi tiến hành tổ chức phiên tòa xét xử lưu động trên từng địa bàn, để đảm bảo sự tập trung thống nhất, liên ngành nội chính báo cáo cấp ủy địa phương để có ý kiến chỉ đạo chung.

Xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa xét xử lưu động

Sau khi có ý kiến của cấp ủy địa phương, Ban tổ chức phiên tòa xây dựng kế hoạch tổ chức phiên tòa xét xử lưu động và triển khai, phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng thành viên tại buổi họp trù bị; qua đó nếu có khó khăn, vướng mắc, sẽ có hướng xử lý kịp thời.

Tranh thủ sự phối hợp và hỗ trợ của cấp ủy địa phương nơi xét xử phiên tòa lưu động

Liên ngành nội chính cần thông tin trước về nội dung việc tổ chức phiên tòa xét xử lưu động, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy địa phương nơi đó đối với hệ thống chính trị ở cơ sở, để cùng triển khai, thực hiện đồng bộ.

Phương thức mời người đến tham dự phiên tòa

Để phiên tòa xét xử lưu động đạt hiệu quả cao, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân đến tham dự phiên tòa, bên cạnh việc xác định đối tượng tham dự phiên tòa xác hợp, còn đặc biệt chú ý đến công tác vận động quần chúng nhân dân với phương pháp “mời, gọi”; được hiểu không chỉ đơn thuần là bằng việc phát hành giấy “mời”, mà cần phải gắn kết với việc vận động “gọi” người đến tham dự phiên tòa; có thể phân bổ số lượng người được mời tham dự phiên tòa đến từ khu phố, tổ dân phố thông qua các Ban điều hành, để tiện việc giám sát.

Các yêu cầu đối với những người tiến hành tố tụng tại các phiên tòa xét xử lưu động

Bên cạnh việc mời gọi được đông đảo người đến tham dự phiên tòa xét xử lưu động, một vấn đề cũng không kém phần quan trọng, đó là sự thu hút của phiên tòa đối với người dân qua hoạt động tố tụng của các chủ thể tiến hành tố tụng. Do vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải phân công Thẩm phán, Kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân, Thư ký Tòa án có nhiều kinh nghiệm và kỹ năng tác nghiệp cao.

Rút kinh nghiệm công tác tổ chức phiên tòa xét xử lưu động sau khi xét xử

Sau khi kết thúc các phiên tòa lưu động, các thành viên Ban tổ chức phiên tòa lưu động và cấp ủy địa phương nơi xét xử cần tiến hành họp đánh giá rút kinh nghiệm công tác phối hợp, biểu dương các đơn vị thực hiện tốt, nhắc nhở chấn chỉnh các đơn vị thực hiện chưa tốt; sau đó Ban tổ chức phiên toà báo cáo kịp thời kết quả cho cấp ủy địa phương; từ đó cấp ủy địa phương sẽ có định hướng lãnh đạo kịp thời, đúng đắn trong việc tổ chức phiên tòa xét xử lưu động sắp tới, nhằm mang lại hiệu quả ngày càng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải pháp nâng cao và phát huy hiệu quả các phiên tòa xét xử lưu động