Giá xăng và câu chuyện quản lý: Điều cần nói, chuyện cần khẳng định

Quang Lộc| 11/03/2022 21:18
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Những ngày này, câu chuyện giá xăng nóng cùng với diễn biến chiến sự tại Ucraina tựa hồ như một cặp “trời sinh” của thị trường, của dư luận. Cũng có không ít dư luận vội “hô” lên rằng quản lý thế nào mà giá xăng lại thế, cơ quan nhà nước ở đâu mà phản ứng “chậm” để giá xăng “làm khó” doanh nghiệp, người dân.

Xin vào đề ngay từ câu chuyện của kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 11/3/2022. Trái với những dư luận “nóng” ngay cả trên các phương tiện truyền thông chính thống rằng, giá xăng, dầu có thể vọt lên đến 8.000 đồng trên mỗi lít, trên thực tế mức độ điều chỉnh lần này là trong biên độ 2.900 đến 3.900 đồng trên mỗi lít.

Cụ thể, giá xăng E5 RON92 tăng 2.908 đồng/lít so với giá hiện hành, giá bán không cao hơn 28.985 đồng/lít. Xăng RON95-III tăng 2.990 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, giá bán không cao hơn 29.824 đồng/lít.

photo-1-16469856306881342775412.jpg
Giống như các kỳ điều hành trước đây, kịch bản của kỳ ngày 11/3/2022 đã được Liên Bộ Công Thương - Tài chính tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng với việc sử dụng các công cụ ở mức độ cần thiết .

Trong khi đó dầu hoả tăng 3.940 đồng một lít, giá bán không quá 23.918 đồng/lít. Dầu diesel tăng 3.958 đồng một lít, giá bán không cao hơn 25.268 đồng.

Kịch bản thực tế đã gạt bỏ dứt điểm việc “loạn” thông tin được “cổ vũ” mấy ngày trước đó.

Và cũng giống như các kỳ điều hành trước đây, kịch bản của kỳ ngày 11/3/2022 đã được Liên Bộ Công Thương - Tài chính tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng với việc sử dụng các công cụ ở mức độ cần thiết.

Trở lại câu chuyện trong lần này, quản lý nói chung và điều hành giá xăng nói riêng, rất và rất cần có những điều cần phải nói, cần phải được minh định rõ ràng, sòng phẳng ngõ hầu không tạo thêm những kỳ vọng lạm phát vốn được xem như một tác nhân “nội địa” bất lợi không kém những tác nhân sẽ còn ảnh hưởng đến công tác điểu hành và xa hơn là ổn định những mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của năm 2022.

Trước hết nói về giá xăng

Cần khẳng định rằng, xăng dầu là mặt hàng trong mọi hoàn cảnh (chứ không phải đợi đến khi có xảy ra xung đột quân sự tại Ucraina những ngày này) luôn được xem là một mặt hàng chiến lược của quốc gia cũng như là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Không đơn thuần là một mặt hàng tiêu dùng bình thường “đổ đầy bình” là xong mà nó còn mệnh hệ cho cả an ninh năng lượng và cao nhất là an ninh quốc gia.

Quan điểm điều hành để giá xăng tiệm cận dần với giá thế giới là quan điểm đã được các cơ quan quản lý điều hành của Nhà nước kiên trì thực hiện, có lên mà cũng có xuống theo các nguyên tắc, dữ liệu được công bố công khai cũng như được cập nhật hàng giờ, hàng ngày hướng tới việc hài hoà lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Rõ ràng là không phải và cũng càng không hề có chuyện cứ muốn tăng giá là được như ai đó cố tình suy diễn để làm “nóng” câu chuyện giá xăng một cách không cần thiết, để người dân ngộ nhận hoặc hiểu sai các nỗ lực quản lý giá, quản lý nguồn cung của một mặt hàng chiến lược như mặt hàng xăng dầu.

Nếu có điều gì cần nói thêm ở đây nữa là câu chuyện doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu một số thời gian gần đây cho rằng “càng bán càng lỗ” để minh hoạ cho chuyện giá xăng có điều gì đó “bất thường”. Trong khi cần khẳng định mức điều hành giá trong mỗi chu kỳ điều hành đều được tính toán, cân nhắc chi li từng đồng trên mỗi lít là điều cần được khẳng định dứt khoát thì với cái sự kinh doanh làm ăn của các doanh nghiệp có lúc lỗ, lúc lãi âu cũng là chuyện hết sức bình thường. Có những thời điểm kinh doanh xăng dầu có lãi đến độ đổ xô xin được cấp phép để mở bằng được cây xăng. Khi lãi thì dường như không thấy ai nói năng gì, khi lỗ lại được mang ra như một câu chuyện “làm quà” của thị trường. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược nhưng qua diễn tiến thị trường đã cho thấy không ít doanh nghiệp chưa thực sự tạo thói quen ứng xử với mặt hàng chiến lược này để chung tay cùng các cơ quan nhà nước bình ổn thị trường.

Và cũng cần thiết phải nêu ra ở đây là vai trò của các cơ quan chính quyền và chức năng địa phương, nơi hiện diện của mười mấy nghìn cây xăng trên cả nước là hết sức cần thiết, không thể buông tay đứng nhìn để những nỗ lực của các bộ hữu quan bị thui chột, nhất là với mặt hàng xăng dầu.

Cũng không thể bỏ qua vai trò của giới chuyên gia. Phải thẳng thắn nói rằng, bên cạnh những ý kiến khách quan bằng những phân tích sâu, có cơ sở, có trách nhiệm để người dân thị trường hiểu rõ những điều liên quan - mà ở đây là giá xăng thì cũng có không ít chuyên gia mượn danh, thậm chí “núp bóng” phản biện để châm ngòi cho một số dư luận, hiện tượng mang tính một chiều, không thật khách quan, “kích hoạt” các suy diễn để tạo ra kỳ vọng lạm phát. Cũng lại là một khía cạnh ứng xử không lấy gì làm vui với một mặt hàng chiến lược như xăng dầu.

Còn bây giờ là câu chuyện phản ứng của cơ quan quản lý với điều hành giá xăng.

Ghi nhận trong mấy ngày gần đây cho thấy bên cạnh những dư luận tích cực thể hiện sự thông cảm, thấu hiểu với các nỗ lực điều hành của các cơ quan nhà nước thì đi cùng đó cũng có những dư luận lên cả báo chính thống chứ không còn ở mạng xã hội để mà rằng, quản lý nhà nước đã quá chậm chạp trong phản ứng để giá xăng tăng phi mã không phải là vài trăm đồng mà đã chuyển sang vài ngàn đồng trên lít.

Thậm chí trước khuyến nghị tiết kiệm xăng dầu, có người còn đồ rằng “bộ này, bộ kia bất lực, kém dự báo” để đến độ phải đưa ra khuyến nghị đó!

Có phải như vậy không?

Ở đây cần khẳng định dứt khoát, các cơ quan quản lý nhà nước hoàn toàn có đủ công cụ, chính sách và sức mạnh để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống cũng như để bình ổn thị trường.

Đó là điều không thể nghi ngờ!

Nhìn lại trong những khi thị trường xăng dầu thế giới bị những xung đột địa chính trị nóng bỏng nhất phả sức nóng thì thị trường xăng dầu trong nước cũng chưa bao giờ thiếu hàng. Huống chi thị trường xăng dầu trong nước giờ đây ở một tâm thế hoàn toàn khác trong việc chủ động nguồn cung.

Có thể đây đó, có lúc xăng dầu khan hàng, nhưng đó không thể là tiền đề để minh định một khủng hoảng sắp đến của thị trường.

Còn nói về công tác điều hành, như đã khẳng định, xăng dầu là mặt hàng chiến lược vì thế không thể căn cứ vào những cái “nóng” chưa được làm rõ để nói rằng cơ quan quản lý điều hành phản ứng chậm hay thậm chí rơi vào trạng thái “bất lực”.

Những dữ liệu thị trường được công bố công khai làm cơ sở cho các quyết định điều hành giá cũng chỉ là những thông tin cơ bản, căn cốt nhất mà cơ quan quản lý điều hành đưa đến người dân, doanh nghiệp. Nhưng nó cũng đủ mức độ công khai cần thiết để minh chứng cho nỗ lực trong quản lý điều hành. Một kịch bản điều hành hoàn hảo chưa chắc đã cần thiết bằng một kịch bản hợp lý, khả thi, nhất là bối cảnh giờ đây thị trường trong nước, doanh nghiệp trong nước đã là “bình thông nhau” với thị trường thế giới, doanh nghiệp thế giới.

Cần nói rằng, ngay từ khi thị trường xăng dầu trong nước và thế giới còn chưa “nóng”, trong vai trò trực tiếp về quản lý, điều hành nguồn cung, Bộ Công Thương đã luôn coi đây là một trong những mục tiêu quan trọng nhất để có những giải pháp điều hành rốt ráo nhất để từ đó bật ra những giải pháp căn cơ cho mặt hàng chiến lược này. Những giải pháp nêu trong kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp ngày 9/2/2022 với các địa phương, doanh nghiệp và thương nhân đầu mối về mặt hàng xăng dầu là minh chứng rõ cho điều này.

Và mới đây nhất, 5 nhóm giải pháp bảo đảm duy trì việc cung ứng, bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước được nêu trong Công văn số 1155/BCT-TTTN ngày 8/3/2022 của Bộ trưởng Bộ Công Thương tiếp tục minh chứng thêm cho việc bám sát thị trường của cơ quan quản lý điều hành trực tiếp của Bộ Công Thương.

Ở đây chỉ bàn về một giải pháp nêu trong công văn số 1155, đó là “khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả”.

Mới nghe thì có vẻ có gì đó “lạ” bởi có thể dựa ngay vào đây để suy đoán “chắc thiếu hay thế nào đó” mới phải đặt vấn đề tiết kiệm trong lúc này.

Bản chất câu chuyện, bản chất giải pháp hoàn toàn khác.

Trong bối cảnh giá xăng, dầu thế giới biến động, nhưng không để gây ra đột biến thiếu hàng hoặc biến động lớn về giá các mặt hàng khác thì một những giải pháp khả thi nhất lúc này là sử dụng hợp lý, tiết kiệm, chống lãng phí xăng, dầu. Lúc này, việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm tiêu dùng xăng, dầu trong sản xuất, kinh doanh, trong sinh hoạt là vấn đề có ý nghĩa lớn. Lúc thị trường “thong dong” câu chuyện sử dụng hiệu quả tiết kiệm chưa bao giờ là sự “xa xỉ” mà thay vào đó là câu chuyện hoàn toàn nghiêm túc thì trong bối cảnh hiện nay, đặt ra giải pháp này là hoàn toàn cần thiết, hợp lý chứ không phải đó là dấu hiệu của sự “bất lực” nhìn thị trường như ai đó nói.

Nếu như chúng ta làm tốt giải pháp sử dụng tiết kiệm hiệu quả xăng dầu trong lúc này, ngay từ lúc này cũng chính là chúng ta đã đặt một chân sang quá trình chuyển đổi năng lượng thay thế. Và ở đây chính là một bước đi nhỏ có thể tạo ra ý nghĩa lớn trong thay đổi thói quen và chuyển đổi tư duy, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng hoá thạch.

Ngẫm ra, đôi dòng ghi nhận trên giữa khi giá xăng đương hồi “đỏng đảnh” không phải thừa!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá xăng và câu chuyện quản lý: Điều cần nói, chuyện cần khẳng định