Trong khi giá vàng miếng SJC giảm tới 500.000 đồng/lượng thì giá vàng nhẫn tăng giảm trái chiều.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 76,5 - 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 76,5 - 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Không giảm mạnh như vàng miếng SJC, giá vàng nhẫn được điều chỉnh tăng giảm trái chiều.
Cụ thể, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 76 - 77,25 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên mức giá ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 75,9 - 77,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 100 nghìn đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên mức giá niêm yết ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua.
Trong khi đó, giá vàng thế giới đứng ở mức 2.388 USD/ounce, tăng nhẹ 7 USD/ounce so với cùng giờ sáng qua.
Hôm qua, giá vàng đã nỗ lực tăng lên chạm mức 2.406 USD/ounce nhưng lại lập tức quay đầu giảm ngay sau đó. Sự lo lắng của các nhà đầu tư tăng cao khi báo cáo chính thức do Hội đồng Vàng Thế giới công bố hôm thứ Tư cho thấy, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục không mua thêm vàng dự trữ trong tháng 7. Như vậy, đã 3 tháng liên tiếp Trung Quốc không mua vàng dự trữ.
Theo chuyên gia phân tích cấp cao Krishan Gopaul của Hội đồng Vàng Thế giới, lượng vàng nắm giữ của Trung Quốc vẫn ở mức 2.264 tấn và vẫn chiếm khoảng 5% tổng dự trữ.
Trưởng bộ phận chiến lược thị trường Colin Cieszynski của SIA Wealth Management cho rằng, ngân hàng này đã đạt tới giới hạn tiền sẵn sàng chi cho việc bổ sung vàng. Thế nên, quyết định nghỉ ngơi là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chuyên gia nói rằng, tới nay, việc ngân hàng trung ương này sẽ nghỉ ngơi trong bao lâu vẫn đang là một ẩn số.