Do điều kiện kinh tế khó khăn, người phụ nữ dân tộc Mông phải chịu cơn đau nhiều tuần, khi vào bệnh viện được các bác sĩ lấy ra gần 100 viên sỏi từ mật.
Bệnh nhân nữ G.A.X. (dân tộc H'Mông), xuất hiện các cơn đau trong nhiều tuần, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên đến khi có các triệu chứng vàng da, sốt cao, rét run mới được người nhà đưa đi khám.
Sỏi đường mật lấy được sau thực hiện nội soi ống mềm đường mật lấy sỏi. Ảnh: BVCC
BSCKII Nguyễn Mạnh Chiến - Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái cho biết, ngay khi tiếp đón bệnh nhân X., bác sĩ đã chỉ định các cận lâm sàng và đưa ra chẩn đoán: Thấm mật phúc mạc do sỏi trong và ngoài gan - một biến chứng nặng của sỏi đường mật. Sau khi hội chẩn với lãnh đạo bệnh viện, bệnh nhân đã được chỉ định phẫu thuật cấp cứu mở ống mật chủ lấy sỏi và nội soi ống mềm lấy sỏi trong gan.
Kết quả, 100 viên sỏi được lấy ra, viên kích thước lớn nhất đạt gần 3cm, số lượng sỏi nhiều gây giãn và chật kín đường mật.
BS Chiến nhận định đây là trường hợp hiếm gặp. Sau phẫu thuật bệnh nhân được chăm sóc tích cực, dần ổn định.
Túi mật là một túi nhỏ hình quả lê nằm mặt dưới gan phải, đóng vai trò lưu trữ và cô đặc mật. Mật do gan bài tiết liên tục, được lưu trữ trong túi mật sau đó bài xuất xuống ruột vào mỗi bữa ăn, giúp việc tiêu hóa thức ăn hoàn chỉnh hơn, đặc biệt là tiêu hóa chất béo.
Theo các chuyên gia y tế, sỏi mật là bệnh thường gặp của người dân Việt Nam. Bệnh sỏi mật nếu được phát hiện sớm thì điều trị khá đơn giản và không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của người bệnh.
Tuy nhiên, nếu phát hiện muộn thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm có thể kể đến: Thấm mật phúc mạc, viêm tụy cấp do sỏi, chảy máu đường mật, viêm mủ áp xe đường mật, sốc nhiễm khuẩn đường mật.
Do đó, khi phát hiện sỏi túi mật, sỏi đường mật trong và ngoài gan hoặc có các triệu chứng sau đây: đau dưới sườn bên phải, vàng da, mệt mỏi, sốt cao, ớn lạnh... hãy đến ngay các trung tâm Y tế để được khám, chữa bệnh và tư vấn kịp thời từ các bác sĩ chuyên khoa.