Ngày 27/2, tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa (BVĐK) cho biết, các bác sỹ tại viện đã áp dụng thành công phương pháp tán sỏi mật qua da bằng công nghệ laser.
Tán sỏi mật qua da là phương pháp điều trị can thiệp tối thiểu có tính an toàn và hiệu quả cao, ít xâm lấn, thời gian hồi phục nhanh do không cần phẫu thuật và gây mê. Trong thời gian nằm viện, bệnh nhân sinh hoạt gần như bình thường nên khâu chăm sóc khá đơn giản.
Bệnh nhân Dương Thị Nhi (SN 1962, tại xã Thọ Thế, huyện Triệu Sơn) là người đầu tiên được áp dụng phương pháp trên. Sau 6 ngày điều trị bệnh nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh và đã xuất viện.
Bệnh nhân Nhi hồi phục nhanh sau khi điều trị bằng phương pháp mới
Bà Nhi vui mừng cho biết: “Tôi đã từng mổ sỏi mật một lần và rất sợ bị mổ thêm lần nữa, rất may tôi đã được các bác sĩ tư vấn về phương pháp tán sỏi mật qua da bằng công nghệ laser, hiện tại thì tôi ăn ngủ tốt, đi lại bình thường, sức khỏe ổn định”.
Trước đó, đơn vị cũng đã phẫu thuật thành công thay động mạch chủ nhân tạo trong ổ bụng cho bệnh nhân. Điều trị phình động mạch chủ bằng phương pháp thay đoạn động mạch nhân tạo chi phí thấp hơn nhiều so với phương pháp can thiệp đặt stent, trong khi hiệu quả điều trị tương đương.
Việc triển khai nhiều kỹ thuật phức tạp ngay tại tuyến tỉnh có ý nghĩa rất lớn, giúp cho người bệnh được hưởng lợi từ các kỹ thuật cao ngay tại địa phương, góp phần giảm tải cho tuyến Trung ương, đồng thời giúp cho người bệnh giảm nhẹ gánh nặng kinh tế trong quá trình điều trị.
Ca ghép thận thành công tại BVĐK Thanh Hóa
Một phương pháp điều trị mới, phức tạp hơn là xử lý phình mạch máu não bằng phương pháp nút coil (vòng xoắn kim loại). Dưới sự giúp đỡ của giáo sư Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ Khoa Thần kinh, BVĐK Thanh Hóa đã tiến hành can thiệp đặt coil nút đầy túi phình để tránh túi phình vỡ. Sau một giờ can thiệp, túi phình đã được lấp đầy bằng dụng cụ vòng xoắn kim loại và chuyển về Khoa Thần kinh điều trị chống những biến cố thứ phát do lượng máu còn lại trong não chưa tan hết. Sau hơn 2 tuần điều trị, sức khỏe bệnh nhân tương đối ổn định, không để lại di chứng về thần kinh khu trú.
Phình mạch máu não là căn bệnh nguy hiểm với diễn biến âm thầm, tồn tại không triệu chứng trong thời gian dài và dễ nhầm với các bệnh khác. Bệnh xảy ra rất đột ngột, đau đầu đột ngột dữ dội, buồn nôn và nôn, nặng thì có thể rối loạn ý thức, hôn mê; khi phình mạch bị vỡ có thể vỡ một hoặc nhiều lần, lần sau thường nặng hơn lần trước, tỷ lệ tử vong rất cao, thậm chí đột tử ngay.
Bước đánh dấu sự phát triển của BVĐK Thanh Hóa là vào tháng 7/2018, đơn vị bệnh viện tuyến tỉnh thứ 2 của cả nước được Bộ Y tế công nhận đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật lấy, ghép thận từ người cho sống. Việc triển khai kỹ thuật ghép thận tại tuyến tỉnh sẽ mang lại chất lượng cuộc sống, giúp người bệnh có cơ hội phục hồi sức khỏe gần như hoàn toàn trở về với cuộc sống bình thường và lợi ích kinh tế (giảm hơn 25% so với chạy thận nhân tạo).
Được biết, năm 1899, bệnh viện được thành lập theo quyết định của toàn quyền Đông Dương, với chức năng phục vụ khám chữa bệnh (KCB) cho các quan chức người Pháp và tầng lớp cai trị địa phương. Sự ra đời và tồn tại ấy đã tạo tiền đề quan trọng, đặt nền móng cho việc xác lập một nền y học tây phương trên mảnh đất Thanh Hóa anh hùng.
Đến nay, bệnh viện có quy mô 1.200 giường bệnh, với gần 1.200 cán bộ, viên chức và người lao động đang làm việc; trong số đó có hơn 500 cán bộ, viên chức có trình độ đại học trở lên; có 4 tiến sĩ, 30 BsCKII, 48 BsCKI, 53 thạc sĩ y học, thạc sĩ dược, 113 bác sĩ, 52 dược sĩ, gần 10 thạc sĩ, chuyên khoa I điều dưỡng, hơn 130 cử nhân điều dưỡng trong số 704 điều dưỡng, kỹ thuật viên và 181 nhân viên y tế các chuyên ngành khác được phân bố ở 42 khoa, phòng, bộ phận và 2 trung tâm.
Hiện đơn vị có cơ sở hạ tầng khá khang trang, nhiều trang thiết bị y tế hiện đại và một khối lượng lớn các dịch vụ kỹ thuật y tế có chất lượng cao; nhiều thế hệ các thầy thuốc, cán bộ khoa học có uy tín trải qua hoạt động thực tiễn, không ngừng học tập, nghiên cứu khoa học, đã từng bước trưởng thành, đạt được trình độ học vấn cao và đã được Nhà nước phong tặng các danh hiệu cao quý Thầy thuốc Nhân dân, Thầy thuốc Ưu tú (có 1 Thầy thuốc Nhân dân, 23 Thầy thuốc Ưu tú), bệnh viện cũng vinh dự có những cá nhân được tặng danh hiệu công dân kiểu mẫu của tỉnh (1 năm 2016 và đề cử 1 năm 2019), có nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Trung ương và địa phương, đảm nhận các cương vị quan trọng trong lĩnh vực chuyên môn.