Tá hoả nhặt 400 viên sỏi trong túi mật người phụ nữ

Thảo Nguyên| 27/12/2018 18:02
Theo dõi Báo điện tử Công lý trên

Ngày 27/12, thông tin từ Bệnh viện E cho biết, đã phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi mật cho một bệnh nhân nữ, 60 tuổi, ở TP Thái Nguyên. Đặc biệt, túi mật của nữ bệnh nhân này ken đặc sỏi mật, số lượng gắp ra gần 400 viên.

Theo gia đình, bệnh nhân đã được phát hiện bị sỏi túi mật từ năm 2014, nhưng do không bị đau hay có các dấu hiệu ảnh hưởng đến sức khỏe nên bệnh nhân chỉ điều trị nội khoa tại bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, bệnh tình vẫn âm thầm tiến triển, trở thành viêm túi mật mãn tính, tái phát rất nhiều lần. 

Thời gian gần đây, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau tức vùng hạ sườn ngày càng tăng nên mới đi khám và được chẩn đoán là viêm túi mật mãn tính có sỏi. Sau đó, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện E và được làm các xét nghiệm cần thiết, siêu âm… 

Kết quả cho thấy, túi mật của bệnh nhân có nhiều sỏi lấp đầy, thành mật dày do viêm mãn tính, không có dịch mật. Các bác sĩ khoa Ngoại tổng hợp chỉ định phẫu thuật nội soi ổ bụng cắt túi mật cho bệnh nhân.

Tá hoả nhặt 400 viên sỏi trong túi mật người phụ nữ

Số sỏi lấy ra từ túi mật của bệnh nhân

PGS.TS Đỗ Trường Sơn - Trưởng khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện E cho biết, khi mổ ra trong túi mật của bệnh nhân, các bác sĩ đếm được số lượng sỏi chứa trong túi mật khoảng 400 viên, trong đó viên có đường kính lớn nhất là 1cm (như viên bi), đường kính nhỏ nhất là 0,3cm; màu sắc của viên sỏi màu vàng sẫm, nâu đen...

Theo PGS Sơn, sở dĩ bệnh nhân nhiều sỏi do bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, phần khác do rối loạn chuyển hóa của tuổi tác ảnh hưởng đến hàm lượng cholesterol của dịch mật trong túi mật, dễ hình thành sỏi.

Sỏi mật được hình thành chủ yếu từ sự kết tụ của cholesterol, do mất cân bằng của các thành phần có trong dịch mật như cholesterol, billirubin, muối canxi... Khi lượng cholesterol ở trong dịch mật gia tăng quá mức, vượt quá khả năng hòa tan của muối mật hay khi lượng muối mật giảm đi sẽ dẫn tới hình thành sỏi cholesterol.

Ngoài ra, còn có thể gặp sỏi sắc tố mật hình thành do sự kết tụ của bilirubin trong một số bệnh như thiếu máu hồng cầu liềm, xơ gan…

Trong nhóm đối tượng dễ mắc sỏi mật thì phụ nữ có nguy cơ mắc cao hơn nam giới. Ngoài ra, nhóm đối tượng ít vận động, ngồi nhiều, thừa cân hoặc béo phì, đái tháo đường và trên 60 tuổi hoặc có chế độ ăn uống quá nhiều cholesterol hay chế độ ăn uống quá kiêng khem cũng dễ mắc căn bệnh này. Trong gia đình, cộng đồng do có cùng môi trường và tập quán ăn uống nên có người mắc sỏi túi mật, bệnh nhân sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn…

Để phòng tránh căn bệnh này, PGS Sơn khuyến cáo bệnh nhân nên thường xuyên đi kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện và điều trị sớm, vì nếu không chữa trị, túi mật của bệnh nhân có thể bị viêm, tắc mật, vàng da. Thậm chí, bệnh nhân có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng hoại tử túi mật, dịch tràn ra ổ bụng gây viêm phúc mạc hoặc nhiễm trùng huyết, rất nguy hiểm.

Cách phòng bệnh tốt nhất là bệnh nhân cần thay đổi chế độ ăn uống cân đối dinh dưỡng, nhiều rau xanh, hạn chế bia rượu, đồ uống có gas, tập thể dục thường xuyên…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tá hoả nhặt 400 viên sỏi trong túi mật người phụ nữ